''CHÚA CẢ TRỜI ĐẤT'' NẰM TRONG MÁNG CỎ!!!

Tin Mừng theo Thánh Gioan 1,1 (bằng tiếng Hy-La) ghi: ''Ban đầu đã có Lời và (tức là) Lời ở trong Thiên Chúa, và (cho nên) Thiên Chúa là Lời.'' (,καὶ θεὸς ἦν ὁ λόγος. ,et Deus erat Verbum.) Sau đó, ở tiểu đoạn 9-14, Thánh Nhân tuyên xưng như sau: ''Ngài là ánh sáng thật...

''CHÚA CẢ TRỜI ĐẤT'' NẰM TRONG MÁNG CỎ!!!

(Dấu Chỉ và Chân Lý cho mọi thời!!!)


I- Lời dẫn nhập

Tin Mừng theo Thánh Gioan 1,1 (bằng tiếng Hy-La) ghi: ''Ban đầu đã có Lời và (tức là) Lời ở trong Thiên Chúa,  (cho nên) Thiên Chúa là Lời.'' (,καὶ θεὸς ἦν ὁ λόγος. ,et Deus erat Verbum.) Sau đó, ở tiểu đoạn 9-14, Thánh Nhân tuyên xưng như sau: ''Ngài là ánh sáng thật... Ngài ở trong thế gian và thế gian đã NHỜ Ngài mà CÓ, và (nhưng) thế gian KHÔNG nhận biết Ngài. Ngài đã đến nơi nhà CỦA Ngài và (nhưng) người nhà không tiếp nhận Ngài. Còn những ai nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền trở nên con cái CỦA Thiên Chúa... Và Lời đã trở thành NGƯỜI phàm và cư ngụ giữa chúng tôi và (nên) chúng tôi được NGẮM vinh quang của Ngài, vinh quang của Con Một tự NƠI CHA, đầy ÂN SỦNG và SỰ THẬT.''

II- Ý kiến của người viết

Một số người không ''chịu khó'' học hỏi về ''Lòng Thương Xót'' của Chúa Cứu Thế trong Tin Mừng đã đành, lại còn thờ ơ với ''Tông Chiếu về Dung Nhan Lòng Thương Xót'' ấy, (do đương kim Giáo Hoàng ''biên soạn'' và công bố vào năm 2015), bèn phát biểu rằng Giáo Hoàng Phanxicô đang muốn canh tân ''quá trớn'' Giáo Hội để, dần dà, bắt Giáo Hội làm ngược lại những Lời dạy của Chúa Giêsu và của Hội Thánh Tông Truyền! Nhận định như thế là sai hoàn toàn bởi vì:

1- Khi viết Tông Chiếu (xin xem: MISERICORDIÆ VULTUS - DUNG MẠO LÒNG THƯƠNG XÓT'', Đức Thánh Cha (thuộc Dòng Tên: Jésuite) phải bám sát vào Lời Chúa Cứu Thế là Chân Lý!

2- Sau bảy Ơn của Chúa Thánh Thần, Đức Giáo Hoàng còn có Thánh Gia Thất phù hộ, nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI (Ratzinger), Thần Học gia lỗi lạc, để sẵn sàng trao đổi hay tham khảo ý kiến. Ngoài ra, Ngài còn có biết bao ''Giáo Phụ uyên bác'' khác ở Vatican!

3- Khi cho phép mục tử tha tội ''người phá thai'' biết hối cải, Đức Giáo Hoàng không phạm Giới Răn thứ năm, mà tỏ lòng thương xót tội nhân muốn đón nhận Lòng Thương Xót của Chúa là Cha nhân từ! Phêrô bị Chúa mắng là ''Satan'', còn chối Ngài tới ba lần sau khi được Ngài cảnh báo. Nhưng ông ấy ăn năn, khóc lóc thì được Ngài vặn hỏi cũng tới ba lần: ''Con có mến Ta không?'' Thấy Phêrô trả lời ''Dạ có!'' thật lòng, Ngài bèn chọn ông ta làm Giáo Hoàng chăn dắt Hội Thánh mà Ngài sẽ lập nên! Trên Thiên Đàng, Chúa Cứu Thế còn hoán cải tên Saulô (tên đi lùng bắt Kitô hữu) thành Tông Đồ gương mẫu, tác giả đầu tiên (trong Tân Ước) viết Thánh Thư! Chúa còn nói nhẹ nhàng với phụ nữ ngoại tình: ''Con hãy về nhà, và đừng phạm tội nữa!''

4- Thánh Phaolô viết trong Roma 5,20: ''Nhưng nơi nào tội lỗi tràn lan, nơi ấy Ân Sủng chứa chan!'' (Mais là où le péché a abondé, la grâce a surabondé!) Quý vị có thể xem Dung Nhan Lòng Thương Xót bằng mười bốn thứ tiếng khác ở đây: [ AR DE EN ES FR IT LA PL PT SW ZH_CN ZH_TW ]

III- Giới thiệu Bài Giảng của đương kim Giáo Hoàng trong Đêm Thánh 2016

Tâm đắc bài giảng của Đức Thánh Cha, tôi tạm dịch bài ấy (bằng tiếng Đức) sang tiếng Việt, có đối chiếu với bản tiếng Anh-Pháp-Ý-Tâybannha để hiểu rõ hơn ý của Ngài và xin mạo muội gọi đó là:

''CHÚA CẢ TRỜI ĐẤT'' NẰM TRONG MÁNG CỎ!!! (Dấu Chỉ và Chân Lý cho mọi thời!!!)

''Ân Sủng Thiên Chúa đã được thể hiện để cứu độ mọi người.'' (Tit 2,11) Những lời ấy của tông đồ Phaolô biểu lộ mầu nhiệm Đêm Thánh hôm nay: Ân sủng Thiên Chúa đã được mạc khải, là món quà NHƯNG KHÔNG của Ngài; qua Hài-Nhi-được-ban-cho-chúng-ta, Tình Yêu của Thiên Chúa trở thành cụ thể đối với chúng ta.''

Đó là Đêm Vinh Quang, Vinh Quang ấy được các thiên thần công bố ở Bêlem và cũng được chúng ta công bố hôm nay trên toàn thế giới. Đó là Đêm Hân Hoan bởi vì, từ hôm nay và mãi mãi, Thiên Chúa, Đấng Hằng Hữu, Đấng Vô Hạn, là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta: Ngài không xa xôi, chúng ta chẳng phải tìm Ngài ở thiên quỷ đạo hay trong khái niệm huyền bí nào đó; Ngài ở gần, Ngài đã trở thành phàm nhân và, sẽ không bao giờ, Ngài-tự-tách-Mình ra khỏi-nhân-loại-chúng-ta vốn đã được Ngài chọn làm nhân-loại-riêng-của-Ngài. Đó là Đêm Ánh Sáng: Ánh Sáng ấy, được tiên báo bởi Isaia (9:1), sẽ chiếu soi người đi trên vùng đất tối tăm, Ánh Sáng ấy đã xuất hiện và bao bọc các mục đồng Bêlem. (x. Lc 2, 9)

Các mục đồng chỉ tìm ra được ''Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta'' (Is 9,5) nên họ hiểu ngay rằng tất cả vinh quang ấy, tất cả niềm vui ấy, tất cả các ánh sáng ấy đều quy vào nhất điểm, theo dấu mà thiên thần đã chỉ cho họ: ''Các người sẽ tìm thấy một trẻ sơ sinh được bọc tã, nằm trong máng.'' (Lc 2,12) Đó là dấu chỉ của mọi thời để tìm ra Chúa Giêsu. Không chỉ vào thời ấy mà thôi, nhưng cũng cho hôm nay. Nếu muốn đón mừng Đêm Thánh đích thực, chúng ta hãy chiêm niệm dấu chỉ này: nét đơn sơ mong manh của một hài nhi mới sinh, sự hiền hòa của thân thể Ngài nằm, sự dịu dàng êm ái của tã lót cho Ngài. Ở đó có Đức Chúa Trời.

Với dấu chỉ ấy, Tin Mừng cho chúng ta thấy nghịch lý: Tin Mừng nói về Hoàng Đế, về Tổng Trấn, về những Đại Nhân vào thời đó, nhưng Thiên Chúa KHÔNG có mặt ở các nơi ấy; Ngài KHÔNG xuất hiện trong phòng quý tộc của hoàng cung, mà trong cảnh nghèo khó của chuồng súc vật; KHÔNG phô trương bề ngoài, nhưng trong cảnh bình dị của cuộc sống; KHÔNG quyền hành, nhưng trong cảnh hèn mọn làm kinh ngạc người đời.Và, để gặp Ngài, chúng ta phải đi đến đó, nơi Ngài hiện diện: PHẢI cúi mình, hạ mình, trở nên bé mọn. Hài-Nhi-đã-sinh-ra-cho-chúng-ta chất vấn chúng ta: Ngài kêu mời chúng ta bỏ lại những ảo tưởng phù vân đểđi đến điểm cốt yếu, khước từ cao vọng vô độ của chúng ta, từ bỏ tâm trạng bất mãn lâu năm và nỗi buồn vì cái gì đó mà chúng ta vẫn thiếu. Cách ấy giúp chúng ta không mang theo mình các thứ vừa nêu ngõ hầu tìm ra được, trong sự đơn giản của Thiên-Chúa-Hài-Nhi, hòa bình, niềm vui, ý nghĩa đời sống.

Chúng ta hãy để Hài-Nhi-trong-máng chất vấn, nhưng cũng phải để mình bị chất vấn bởi những hài nhi hôm nay (không được nằm trong nôi và chẳng được mẹ-cha âu yếm, nhưng lại nằm trong ''máng tồi tệ dành cho nhân phẩm'': nơi trú ẩn trong lòng đất để tránh các trận dội bom), và (bị chất vấn) bởi các hài nhi nằm trên hè phố lớn, trong đáy thuyền đầy ứ di dân. Hãy để mình bị chất vấn bởi những thai nhi không được chào đời, bởi những em bé đang khóc vì chẳng có ai cứu chúng thoát cảnh đói ăn, bởi những trẻ thơ không cầm được đồ chơi, mà lại ôm vũ khí.

Mầu Nhiệm, vốn là ánh sáng và niềm vui, chất vấn và lay tỉnh chúng ta bởi vì đó là mầu nhiệm của niềm hy vọng và của nỗi buồn. Mầu nhiệm có hương vị của nỗi buồn bởi vì Tình Yêu không được đón nhận và cuộc sống lại bị phân ly. Điều ấy đã xảy ra với Thánh Giuse và Mẹ Maria từng gặp phải những cánh cửa bị người ta đóng lại và đành đặt Chúa Giêsu vào trong máng cỏ ''vì không có chỗ cho các Ngài ở nhà trọ''. (Luca 2,7) Chúa Giêsu sinh ra trong sự khước từ của một số người, trong sự thờ ơ của đa số. Ngày nay cũng vậy, có thể có kiểu dửng dưng như thế khi ĐÊM THÁNH trở thành lễ mà nhân vật chính là chúng ta đây, thay vì Chúa Giêsu, khi mà các thứ ánh sáng thương mại vứt bỏ Ánh Sáng của Thiên Chúa vào bóng tối, khi mà chúng ta ra sức cho việc tặng quà cáp, nhưng lại lãnh đạm với người bị cho ra rìa. Khuynh hướng khoái lạc trần gian như vậy đã biến Lễ Đêm Thánh thành con tin; Đêm Thánh cần được giải phóng! (We need to liberate it! Es necesario liberarla! Bisogna liberarlo! Man muss es befreien!)

Ánh Sáng nhân hậu của Ngài không gây nên nỗi sợ hãi; vì quá yêu thương chúng ta, Thiên Chúa lôi kéo chúng ta bằng Tình âu yếm của Ngài, nghèo khó và mong manh, đến trần gian ở giữa chúng ta, làm người như chúng ta. Ngài sinh ra tại Bêlem (Bethlehem), danh từ ấy có nghĩa là ''Nhà chứa lương thực''. Theo cách đó, dường như Ngài muốn nói với chúng ta rằng Ngài sinh ra là thành lương thực cho chúng ta; Ngài đến với sự sống để ban Sự Sống của Ngài cho chúng ta; Ngài đến trong thế gian để ban cho chúng ta Tình Yêu của Ngài. Ngài CHẲNG đến để phá hủy (dévorer: détruire) hay để ra lệnh, nhưng để nuôi dưỡng và phục vụ. Như vậy, có sự liên kết trực tiếp (die unmittelbare Verbindung) từ Máng chứa thức ăn đến Thập Giá, nơi Chúa Giêsu sẽ là Bánh được bẻ ra: Đó là mối kiên kết trực tiếp của Tình Yêu được trao tặng mà cứu chúng ta, ban Ánh Sáng cho cuộc sống của chúng ta, bình an cho tâm hồn chúng ta.

Trong ĐÊM nầy, hiểu được điều ấy là các mục đồng nằm trong số những người đã bị gạt ra rìa vào thời đó. Nhưng chẳng ai bị gạt ra trước mặt Thiên Chúa và chính xác mục đồng là khách được mời tham dự Đêm Thánh. Những kẻ tự tín, tự mãn thì tại gia bên tài sản của họ; mục đồng thì ''vội vã ra đi.'' (Lc 2,16) Tối nay, chúng ta hãy để Chúa Giêsu chất vấn và triệu tập chúng ta. Chúng ta hãy đi đến Ngài với lòng tin tưởng, từ chỗ chúng ta cảm thấy bị gạt ra rìa, từ những hạn chế của chúng ta, từ những tội lỗi của mình. Hãy để cho chúng ta thấy cảm động bởi Tình âu yếm cứu độ. Chúng ta hãy đến gần Thiên Chúa đang đến gần chúng ta, hãy dừng lại ở giữa để ngắm nhìn Hang Đá, hãy hình dung Chúa Giêsu giáng sinh: ánh sáng, hòa bình, cảnh nghèo khó tột bực và việc từ khước. Hãy đi vào Đêm Thánh thực sự với mục đồng, hãy mang đến tặng Chúa cái chúng ta là, việc chúng ta khai trừ người khác, những vết thương không được chữa lành, tội lỗi của chúng ta. Thế là, trong Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thưởng thức tinh thần thực sự của Đêm Thánh: vẻ đẹp được Thiên Chúa yêu thương. Chúng ta hãy dừng, với Mẹ Maria và Thánh Giuse, trước hang đá, trước Chúa Giêsu được sinh ra là Lương Thực cho cuộc sống của tôi. Và, trong khi chiêm ngưỡng tình yêu khiêm nhượng và vô tận của Ngài, chúng ta hãy thưa dễ dàng với Ngài lời cảm tạ: Con cám ơn Chúa về tất cả những điều Chúa đã làm cho con.

Đức Quốc, 27.12.2016

Đaminh Phan văn Phước viết phần I,II và dịch bài giảng của Đức Thánh Cha.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tiểu sử các Thánh mang tên Xóm

Phanxicô Trần Văn Trung (1825-1858)

Phanxicô Trần Văn Trung, Sinh năm 1825 tại Phan Xá, Quảng Trị, Giáo dân, Cai đội, bị xử trảm ngày 6/10/1858 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức. Đức Piô X suy tôn ông đội Phanxicô Trần Văn Trung lên bậc Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên...

LOGO PHỤNG VỤ
Linh mục quản xứ
lm1
Phaolô Trần Văn Quang
GIỜ LỄ
Kết nối mạng xã hội
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Đăng nhập thông qua Facebook
KẾT NỐI

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây