Giáo xứ Dương Sơn

https://giaoxuduongson.net


Giáo Hội Việt Nam - Thời Các Thánh Tử Vì Đạo - Chương I

Giáo Hội Việt Nam - Thời Các Thánh Tử Vì Đạo - Chương I

Bản tiếng Pháp

Le VietNam des Martyrs et des Saints

par GUY MARIE, moine de Solesmes

Ed. Le Sarment – Fayard, 1988

Bản tiếng Việt (bản in rô nê ô,tựa đề

“Giáo Hội Việt Nam - Thời Các Thánh Tử Vì Đạo

– Không có tên Dịch Giả)

+++

NỘI DUNG

CHƯƠNG I: Môi trường nhân văn và lịch sử

CHƯƠNG II: Những nỗ lực đầu tiên để đưa Kitô giáo vào Việt Nam

CHƯƠNG III: Cha Đắc Lộ và Các Tử Đạo Việt Nam

CHƯƠNG IV: Một hàng giáo sĩ bản xứ

CHƯƠNG V: Những Giám Mục cho Việt Nam

CHƯƠNG VI: Tổ chức xứ Truyền Giáo

CHƯƠNG VII: Giữa sự khoan dung và bách hại

CHƯƠNG VIII: Nguyễn Ánh và Đức Cha Bá Đa Lộc

CHƯƠNG IX: Nước Việt thống nhất của Gia Long

CHƯƠNG X: Cuộc truyền giáo được mở rộng có giới hạn

CHƯƠNG XI: Các chỉ dụ của Minh Mạng

CHƯƠNG XII: Cơn thử thách bắt đầu

CHƯƠNG XIII: Tại Bắc Việt

CHƯƠNG XIV: Những năm đẫm máu

CHƯƠNG XV: Một triều đại chấm dứt

CHƯƠNG XVI: Một thời gian tạm yên ổn

CHƯƠNG XVII: Những chiếu chỉ bắt đạo mới

CHƯƠNG XVIII: Những do dự trong chính sách của Pháp

CHƯƠNG XIX: Những cuộc tàn sát đại quy mô

LỜI KẾT

Lm Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang

(đánh máy và đưa lên mạng để người đọc, có tài liệu)

 

++++++++++++++++++++++++++++++

 

CHƯƠNG I

MÔI TRƯỜNG NHÂN VĂN VÀ LỊCH SỬ

Á Châu bí ẩn, một lục địa mênh mông mà Âu Châu chỉ là một bán đảo, với nhiều biển nội địa chia ngang xẻ dọc, trong một thời gian lâu dài, vẫn không để cho Kitô giáo xâm nhập. Không phải vì nó không được biết đến, như Mỹ Châu, cũng không phải vì nó nằm ngoài tầm của các sứ giả Tin Mừng. Cuộc đời Chúa Kitô đã diễn ra bên rìa phía Tây của lục địa Á Châu, và các Tông đồ của Ngài đã ra đi trên khắp các nẻo đường được biết thời đó, ở phía Đông cũng như phía Bắc, ở phía Nam cũng như phía Tây, về hướng Địa Trung Hải. Những vùng sa mạc mênh mông khó mà vượt qua, đã cô lập những vùng đất đầu tiên được Kitô hóa với phần đất còn lại của miền Đông Á có dân cư.

Tuy nhiên 3 đợt truyền giáo đã vào được Á Châu. Đợt một phát xuất từ Ba Tư, trước khi Hồi Giáo tràn ngập các cộng đoàn Kitô giáo; tác động của nó còn ảnh hưởng lâu dài mãi về sau.

Đợt hai do các Anh em Dòng khất thực thực hiện từ hậu bán thế kỷ 13; 3 người khởi xướng là Plan Carpin (1245 - 1247), Ruys Broeck (1253 - 1255) (mang một tên Flamand, nhưng ra đi từ Paris) và Jean de Montecorvino; khắp nơi trên đường đi của họ, họ đã phát hiện ra những Kitô hữu “phái nestôriô” do Ba Tư phúc âm hóa; họ còn khám phá ra một vương quốc Ongut, quanh vùng Olong-Sumé, trên miền đất ngày nay là Mông Cổ (Mongolie).

Đợt ba trùng hợp với thời gian các cuộc khám phá quan trọng do các nhà hàng hải Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha mở đầu. Nhưng những miền đất tạo thành nước Việt Nam ngày nay, vẫn chưa được Tin Mừng viếng thăm cho đến bình minh thế kỷ 17.

Tuy nhiên, cuối thế kỷ 13, Marco Polo bảo rằng ông đã bỏ neo trong vương quốc “Chiampa”, nằm trên hải đảo đưa ông ta trở về Venise sau 20 năm lưu trú ở Trung Quốc; 'Chiampa' ở phía Nam Việt Nam hiện nay, thuộc chủng tộc và văn hóa Khmer: “Nước này rộng lớn và trù phú; do các vua của nó cai trị và có ngôn ngữ riêng: dân cư tôn thờ các ngẫu tượng. Hằng năm phải nộp cho Đại vương Khan (grand Khan) một số voi, và chỉ voi mà thôi”.

Và Marco Polo đã tường thuật những hoàn cảnh đưa tới một hiệp ước (un accord): một trong các tướng lãnh của KUBLLAI là Sogatu, đưa quân xâm lăng năm 1278; tàn phá xứ sở; vị vua già Accamblé đầu hàng và ký một hòa ước, theo đó hằng năm vương quốc phải triều cống cho Đại vương Khan 20 con voi loại to và đẹp nhất, và gỗ trầm. Bản văn này được trích dẫn ở đây không phải để tranh luận về giá trị lịch sử của nó, nhưng để cho thấy những gì nhà truyền giáo đầu tiên có thể biết được khi đặt bước tới đó vào thời cận đại. Không kể những chỉ dẫn mà ông ta có thể thu nhặt được tại các nước láng giềng, nơi ông ta đặt chân tới, thì đấy là nguồn văn chương Tây Phương độc nhất khả dĩ cung cấp cho ông ta một vài hiểu biết.

Linh mục đầu tiên vào Việt Nam trước năm 1533, người ta biết được sự hiện diện và hoạt động của ông nhờ một sắc dụ cấm đạo Kitô và nhằm vào “một người tây dương mang tên I-ni-khu”; người ta không biết được gì khác hơn, nhưng khá dễ mà ước đoán đó là một thừa sai Âu Châu, có thể là Bồ Đào Nha, tên là “Ignace”, đến từ Malacca; ông ta truyền đạo trong vài làng mạc trên bờ biển Bắc Kỳ (Tonkin) (Tonkin: phiên âm từ “Đông kinh”, kinh đô nhà Mạc tại Hải Dương, đầu thế kỷ 16), quanh vùng Bùi Chu. Hẳn ông ta hầu như không biết chút gì về đất nước và lịch sử; một độc giả ngày nay nhờ dễ dàng có được những tác phẩm khai môn, còn biết được nhiều hơn ông ấy, nhờ thành quả của ba bốn thế kỷ khảo sát các nguồn tài liệu viễn đông.

Bán đảo Đông dương không phải là nơi cư trú nguyên thủy của người Việt Nam, nhưng là một vùng đất bị chinh phục. Vào thời khởi thủy, người ta gặp thấy trên miền đất gồ ghề này, hai mẫu người: một thuộc giống người Mélanésie ngày nay cư ngụ trên đảo Papouasie và các vùng heo hút nhất của Úc Châu, một thuộc giống Indonésie. Người Malanésie ngày nay hoàn toàn biến mất trên vùng đất Đông dương; các người Indonésie thời xa xưa còn tồn tại nơi các dân tộc miền núi trên các cao nguyên Trung Kỳ.

Trên cái nền nguyên thủy đó, hai dân tộc khác từ miền Bắc đến sống chen lấn vào. Hai sắc dân này hoàn toàn khác nhau: một gốc Trung Quốc, một gốc Ấn Độ; họ chia nhau các vùng đồng bằng và ven biển, một ở phía Bắc, một ở phía Nam, và cuộc sống kéo dài như thế qua nhiều thế kỷ.

Như thế, người Việt Nam xuất hiện trong vùng châu thổ Bắc Kỳ từ trước thế kỷ III trước Công nguyên; họ không ngừng lan rộng, loại trừ hay đồng hóa sắc dân khác cư ngụ trên bán đảo; một cuộc nhập cư đông đảo của người Trung Quốc từ thế kỷ III sau Công nguyên đã giúp họ thực hiện điều đó.

Thành phần Ấn Độ đã nhào nặn các nền văn hóa Khmer và Chàm, còn chiếm cứ cho đến thời đại gần đây vùng châu thổ sông Cửu Long và miền Nam xứ Annam xưa. Dù sao, lịch sử Việt Nam cận đại là một cuộc Nam Tiến không ngừng, lấn át các nền văn hóa khác ở địa phương.

Khi viết lịch sử các cuộc truyền giáo, không được quên sự kiện quan yếu: từ khi người Tây Phương bắt đầu giao tiếp với Việt Nam vào thời Phục Hưng, Việt Nam không ngừng sửa đổi các biên địa và tăng tiến, cũng như Hiệp Chủng quốc Mỹ Châu ở thế kỷ 19 trong cuộc mở rộng về phía Tây, đã thâm nhập và “anh-hóa” (anglicisé) các vùng đất Pháp indien, Tây Ban Nha indien, Nga, Polynésie; cả hai nước (Việt Nam, Hiệp chủng quốc), cũng như một số khác, đã tự thành lập theo máu đế quốc.

Về mặt văn hóa, Việt Nam vay mượn rất nhiều của Trung Quốc: chữ viết (lúc nguyên thủy), các nghi lễ, triết học, nếp sống tôn giáo; cả Phật giáo cũng xâm nhập vào Việt Nam dưới dạng thức Trung Quốc.

Nhưng từ thế kỷ 10, Việt Nam đã tự trị về mặt chính trị; nó đã đuổi đi các tổng trấn Trung Quốc. Tuy nhiên nó vẫn tiếp tục ngoan ngoãn thọ giáo với ông bạn láng giềng vĩ đại. Một cách chậm chạp nhưng vững chắc, dân Việt tiến về Nam; dân Chàm phải rời bỏ vùng Huế. Vào thời các cuộc khám phá quan trọng của Tây Phương, các vua Chiampa đã phát rút lui về phía Nam mũi Varella; Huế trở thành Kinh Đô năm 1626, dưới triều Nguyễn, gốc Thanh Hóa.

Các vua nhà Nguyễn đã chỉ huy cuộc bành trướng xuống phía Nam. Ở hậu bán thế kỷ 17, người Việt đã bắt đầu xâm nhập vào châu thổ sông Cửu Long; người Khmer bị dồn về phía Tây; nhà Nguyễn chiếm trị vùng Đồng Nai năm 1698, Vĩnh Long năm 1732.

Một trong những phương cách trong cuộc Nam Tiến là thành lập những tập khu quân sự, gọi là “đồn điền”. Các chúa đưa các binh sĩ nông gia đến định cư trên các vùng đất chiếm được để khai thác và bảo vệ không cho các thổ dân tái chiếm. Các lô đất được phân phát không cho binh sĩ. Các “đồn điền”' này đã góp phần quan trọng trong việc xua đuổi hoặc đồng hóa các người Chàm và Khmer. Như thế, nước Việt Nam mở rộng theo tầm mức đất đai các dân láng giềng nhường bỏ lại cho nó. Việc tổ chức chính trị và xã hội được rập khuôn theo mẫu Trung Quốc. Đạo Khổng cũng được thực hành cùng một cách. Sức mạnh của dân Việt nằm trong ý niệm về gia đình. Gia đình là nền móng xã hội, là trung tâm điểm chi phối mọi sinh hoạt. Người cha vừa là trưởng tộc vừa là trưởng đạo trong họ. Người Việt xưa nay đã quy chiếu về các nhóm gia tộc cùng họ tạo thành dân tộc, khi gọi toàn dân bằng thành ngữ “trăm họ”. Người ta phải ngạc nhiên khi nhận thấy chỉ có một số rất ít các nhóm gia đình cùng “họ”; và cái xã hội chính trị cũng chỉ là gia đình nới rộng: vua chúa có cùng những quyền trên con dân như người cha trên các người trong dòng họ.

Quyền của người cha, từ thời sơ khởi, hầu như tuyệt đối, và cho đến ngày nay, còn rất rộng lớn. Người con đối với cha, phải kính trọng, vâng phục, chịu lụy. Vì khi tôn kính cha, con được liên kết với tổ tiên, những người đã khuất nhưng vẫn hiện diện trong đời sống hằng ngày, chung niềm vui buồn sướng khổ với con cháu. Đạo hiếu là bổn phận hàng đầu, được pháp luật công nhận, tỷ như người ta còn đọc thấy trong bộ luật Annam trong chương liên quan đến nghi lễ:

Đạo hiếu phải luôn được tuân giữ, và ai bất hiếu với cha mẹ, khi hắn là nơi nương tựa độc nhất, sẽ bị phạt 80 trượng”.

Luật pháp tôn trọng quyền phán quyết của người cha. Khi có những vi phạm đến lễ giáo trong gia đình, người cha trọn quyền xử sự đối với vợ con.

Ở đây, tôi không nhằm mô tả đầy đủ nếp sống xã hội Annam. Nhưng chúng ta phải ghi nhớ cấu trúc căn bản đó, nếu không, chúng ta sẽ không hiểu được chức năng của Vua và tính chất việc cai trị của ông. Ông ta có thể bị xem như một nhà lãnh đạo độc tài, võ đoán, trong khi thực ra, ông ta cư xử như một người cha của dân và như mối dây liên lạc sống động giữa dân và thế giới thần thánh vô hình.

Quyền của vua là tuyệt đối, không có một giai cấp quý phái ngăn cách vua với dân; các quan lại là những người thừa hành được tuyển chọn qua các cuộc thi cử; họ xuất thân từ dân và dòng dõi con cháu sẽ trở về dân, nếu họ không đủ tài năng. Các nho sĩ không tạo nên một giai cấp thực sự đúng nghĩa, họ chỉ là hạng người ưu tú nhất thời. Các quan lại được tuyển chọn trong hàng ngũ nho sĩ. Trong thực tế, một khi đã nắm được địa vị, các quan biết lợi dụng để làm giàu bằng mọi cách, và việc xảy ra là quyền hành của họ phá hoại quyền của vua.

Các quan là những người được vua ủy nhiệm. Các thư lại ở làng, tổng lại, do dân hay những đại diện dân bầu ra, họ có phận sự thu thuế và tuyển mộ binh sĩ, họ giữ việc cho thuê ruộng đất cho những nông dân đóng đủ địa tô. Bởi là những người có quyền và có của, họ thường cai trị cách phong kiến. Các đặc quyền đặc lợi ngày càng nhiều trong thế kỷ 19.

Nếu gia đình thờ cúng tổ tiên, thì làng xã tôn thờ các vị thần thành hoàng, thường là những người đã có công thành lập làng xã. Người ta xây miếu, dựng bia ghi nhớ công ơn và tổ chức nghi lễ cúng bái.

Cách chung, mỗi dân làng đều tự hào với đình miếu trong làng và hết lòng sùng kính các vị thành hoàng phù hộ làng xã của họ. Các xã, tổng gồm nhiều làng, ấp họp lại, chung quanh một trung tâm quan trọng hơn. Mỗi xã tổng đều tự trị; tự đảm bảo những công trình lợi ích công cộng và gìn giữ an ninh cảnh sát trong lãnh thổ; vua chỉ can thiệp khi cần vì lợi ích cả nước; do đó quyền tự trị mỗi xã, tổng rất rộng lớn. Nhưng luật pháp cũng dành những hình phạt nghiêm khắc nếu việc cảnh sát không được thi hành đúng đắn. Thế mà, các tổng, xã không luôn dễ dàng tìm được phương thức vừa tuân hành luật pháp triều đình, vừa nhắm mắt trước những đảng cướp, tặc hoành hành, nhất là vùng biên giới Trung Quốc. Các làng ấp cho chúng tạm dung, dù là bất đắc dĩ, có thể bị trừng trị và thường bị triều đình ra lệnh tàn phá bình địa.

Ban hương chức trên nguyên tắc, là do dân làng bầu lên, gồm những người giàu có được dân tin cẩn nể trọng. Nhưng thực ra, đó là một nhóm cường hào địa chủ.

Để liên lạc giữa các xã, tổng với triều đình, có những viên chức triều đình mà các nhà truyền giáo thường gọi là “Tổng đốc”. Họ mang những trách nhiệm nặng nề, vì họ phải gánh lấy mọi tội lỗi của tổng, xã, và khi cần, phải chịu tội thay cho cả tập thể. Họ chịu trách nhiệm về an ninh cảnh sát, và phải chịu luật pháp trừng phạt nếu không dùng mọi phương thế cần thiết để bắt giữ kẻ phạm pháp. Họ phải lấy tài sản riêng mà đền bù nếu thuế bị thất thu. Nếu tài sản riêng không đủ tiền đền bù thì lấy tài sản của tất cả những người trong ban hương chức xã.

Từ đầu thế kỷ 10, có thể nói rằng Việt Nam và Trung Quốc có những định mệnh khác nhau. Tuy Việt Nam vẫn là chư hầu của Trung Quốc, nhưng sự lệ thuộc này cũng có lúc trở thành lỏng lẻo, và thường là hữu danh vô thực. Những rặng núi phía Bắc tạo thành một bức tường thành cách ly và bảo vệ vùng đồng bằng và châu thổ sông Hồng.

Khi Albuquerque chiếm Malacca vào năm 1511, và ba năm sau, các người Bồ Đào Nha đặt chân lần đầu lên đất Trung Quốc, các dân tộc Việt Nam bắt đầu trải qua một cuộc khủng hoảng quyền hành giữa các vua chúa. Nhà Lê cai trị xứ sở từ 1428, bị nhà Mạc lật đổ và chiếm ngôi năm 1527 và cai trị cho đến 1592. Một phần lớn thế kỷ 16 là thời nội chiến. Nhà Mạc đặt kinh đô ở Thăng Long. Nhà Lê chiến đấu để khôi phục lại giang sơn. Năm 1532, Nguyễn Kim dành lại được quyền cai trị.

Đạo Công giáo thấm nhập vào Việt Nam trong một bối cảnh như thế, giữa những xáo trộn tranh chấp nội bộ. Các nhà truyền giáo là những linh mục Dòng Phanxicô đến từ Malacca, tiếp theo là các linh mục Dòng Đaminh Tây Ban Nha, đặt căn cứ ở Manilla, Phi Luật Tân. Những thành công có giới hạn, chúng ta cũng cần vắn tắt liệt kê, vì đó có thể gọi là phần tiểu sử của việc truyền giáo.

++++++++++++++++++++++++++++++

Nguồn tin: tonggiaophanhue.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây