HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG – Tập I
- Thứ hai - 12/11/2018 11:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
12112018MeLavang
Lời thưa
Hai trăm năm so với chiều dài lịch sử không phải thời gian quá dài đủ để chôn vùi quá khứ. Nhưng hai trăm năm La Vang lại là thời gian của rừng thiêng nước độc, cấm cách bách hại và khói lửa chiến tranh… Vì vậy, lịch sử của vùng quê thiêng thánh này dễ dàng bị che lấp bởi lớp bụi thời gian.
Biết vậy, chúng tôi – những người yêu thích tìm hiểu Lịch sử Giáo phận Huế – cũng dám mạo muội moi móc, đào bới trong lớp bụi thời gian ấy, những dấu tích, hình ảnh, kỷ vật… của Thánh địa La Vang đang ẩn khuất đâu đây, hầu giới thiệu với bạn đọc một Lịch sử Đức Mẹ La Vang đầy đủ, liền lạc, đáng yêu, đáng quý.
Nhưng, cũng như Hành hương Giáo phận Huế, Hành hương Đức Mẹ La Vang không phải là công trình nghiên cứu khoa học, mà chỉ là sự tập hợp tài liệu, hệ thống hóa các dữ kiện theo thứ tự thời gian. Thậm chí ngay cả việc sắp xếp tài liệu cũng thiếu tính hợp lý, hoặc tham lam quá, hoặc ôm đồm quá khiến cho bạn đọc ngán ngẫm về sự lê thê, dài dòng văn tự…
Xin thông cảm cho sự bội thực này, bởi trong đó, ngoài ước muốn cung cấp tư liệu cho quý bạn đọc – đặc biệt cho các nhà nghiên cứu về Đức Mẹ La Vang còn là sự tôn trọng quá khứ, tôn trọng tác giả, mà hầu hết là các vị Giám mục, linh mục danh tiếng thế hệ trước. Vì vậy, phần lớn những bài viết chúng tôi sưu tầm được, đặc biệt là những bài phóng sự về Hành hương Đức Mẹ La Vang, Đại hội La Vang…, chúng tôi xin giữ lại nguyên văn, đăng trọn bài, dù lối hành văn những bài ấy đã quá xưa, vài chỗ trúc trắc, khó đọc. Chỉ xin mạn phép lượt bỏ dăm hàng, sửa đổi đôi câu, thay thế ít từ xem ra đã lỗi thời hoặc tối nghĩa. Làm như vậy, chúng tôi mong muốn cho quý độc giả được hòa mình vào trong không khí lễ hội xa xưa ấy, cùng tiền nhân sống lại thời “cơm đùm gạo bới”, “chân đất cuốc bộ”, “lên gò xuống nổng”... hành hương La Vang, kính viếng Đức Mẹ.
Ước muốn thì nhiều, khả năng thì ít, vả lại sau cuộc chiến tranh khốc liệt, dai dẳng, tài liệu không còn được bao nhiêu, những gì mà chúng tôi sưu tầm được chỉ là một phần rất khiêm tốn trong lịch sử bi hùng hơn hai thế kỷ Đức Mẹ La Vang. Rất mong được các Đấng Bản quyền, các linh mục, tu sĩ và độc giả bổ cứu, hầu cùng nhau xây dựng ngôi thánh điện Lịch sử Đức Mẹ La Vangphong phú hơn, đầy đủ hơn, vẻ vang hơn.
Xin chân thành cám ơn Đức Tổng Giám mục Huế Têphanô Nguyễn Như Thể, cha quản xứ Diên Sanh kiêm La Vang, 1975-1995, EmmanuenNguyễn Vinh Gioang, cha quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang Giuse Dương Đức Toại, Đức Ông Simon Nguyễn Văn Lập và quý cha quản lý Thư viện Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, cha Giuse Tiến Lộc – CSsR, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống và quý cha trong Ban Giám đốc Nhà Truyền thống Tổng giáo phận Sài Gòn, cùng quý cha, quý bạn bè thân hữu… đã ủng hộ tinh thần, giúp đỡ tài liệu để hoàn thành bộ sách này.
Xin thắp nén nhang kính nhớ hương hồn cụ cố Grêgôriô Lê Ngọc Bổng, về những tư liệu mà cụ đã cẩn thận cất giữ trong tủ sách gia đình của cụ, tại giáo xứ Phủ Cam.
Xin cảm ơn anh Lê Thiện Sĩ về những bản hồi ký La Vang chép tay của linh mục Philipphê Lê Thiện Bá, linh mục Matthêô Lê Văn Thành và tài liệu gia phả Lê Thiện Tộc mà anh đã ưu ái dành cho Hành hương Đức Mẹ La Vang.
Đặc biệt cám ơn “người bạn già”, anh Bích Lê – Lê Ngọc Bích – người đã soi đuốc cho tôi“leo gò vượt nổng”, “lên động xuống lèn”… đã cùng tôi xuyên suốt cuộc Hành hương Đức Mẹ La Vangnày.
Viết xong tại TP.HCM năm 2002. Biên tập lại, sửa chữa, bổ sung năm 2018.
Người biên soạn
Trần Quang Chu
CHƯƠNG MỘT
HÀNH HƯƠNG DINH CÁT
A. DINH CÁT LƯỢC SỬ
- TỪ Ô CHÂU ĐẾN THUẬN CHÂU
Năm 1306 vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Jaya Sinhavarman III (Chế Mân) để nhận lễ nạp trưng 2 châu Ô và Rí.
Năm 1307 vua Trần Anh Tông đặt Ô Châu làm Thuận Châu[1] và Rí Châu làm Hóa Châu[2]
Tuy đã là nhượng địa của nước ta nhưng do người Chiêm hận thù việc mất đất nên trong hơn một thế kỷ Thuận Hóa trở thành nơi tranh chấp quận sự giữa Chiêm Thành và Đại Việt. Cụ thể là cuộc khởi nghĩa báo thù do vua Chiêm ChếChí,con Chế Mân, cầm đầu vào các năm 1307-1311, và cuộc khởi nghĩa của vị vua Chiêm văn võ toàn tài Chế Bồng Nga từ năm 1361.
Tháng 3-1362, đời vua Trần Dụ Tông (1341-1369), Chế Bồng Nga đem quân vào cướp bóc, bắt người ở Hóa Châu. Tháng 5-1376 lại vào cướp bóc Hóa Châu.
Sau cuộc chinh phạt thành Đồ Bàn thất bại vào năm 1377, vua Trần Duệ Tông (1372-1377) chết trận, Chế Bồng Nga thừa thắng ít nhất 3 lần đem quân quấy nhiễu Thăng Long.
Năm 1389, Chế Bồng Nga bị tướng Trần Khắc Chân giết chết tại Thanh Hóa, chấm dứt gần 40 năm vương triều cực thịnh Chế Bồng Nga chống phá Đại Việt.
Trong binh lửa, dưới thời Trần, Thuận Châu vẫn có bước phát triển, nhất là về kinh tế.Qua sách Ô Châu cận lục (1558) có thể thấy đôi nét phồn thịnh ở Thuận Châu qua hình ảnh Thuận Thành và Chợ Thuận.
+ Thuận Thành:
“Thành ở địa phận huyện Hải Lăng. Phía Tây có một dải trường giang, nhịp cầu cao ngất, khu chợ tròn xoe, ngoài thành là huyện lỵ Hải Lăng, trong là kho thóc[3]”.
+ Chợ Thuận:
“Chợ ở địa phận hai huyện Vũ Xương và Hải Lăng, có một ngành sông con từ sông cái phía tây nam chảy vào. Trên sông bắc nhịp cầu dài, phía nam cầu la liệt những hàng quán, nào huyện nào thành đối nhau hai phía, đi thủy đi bộ cùng tới một nơi chính là nơi đông đúc của Thuận Châu vậy[4]”.
“Ngành sông con” nói trên là một chi lưu tách khỏi dòng Thạch Hãn ở Đại Lộc, chảy vòng vèo giữa cánh đồng Triệu Phong dài bốn, năm cây số trước khi đến chợ. Chi lưu này tức là Hói Thuận.Hói Thuận từ lâu đã không còn là dòng chảy xanh tươi êm ả uốn mình quanh quất bên lùm bụi mà chỉ còn là những vũng nước tù đọng đầy cỏ lác và bèo.Còn chăng là những nếp chùa miếu trống trải lộng gió, trầm ngâm nhìn về lạch nước, lắng nghe ngọn cỏ rì rào, nuối tiếc dĩ vãng phồn thịnh xa xăm[5].
Chợ Thuận nằm ở ngã ba Hói Thuận và Hói Mỹ Lộc[6] nên “nhịp cầu dài” nói trên có lẽ không bắc qua Hói Thuận mà bắc qua Hói Mỹ Lộc, nối liền con đường từ Gia Độ ngang qua Chợ Thuận khiến cho đi thủy đi bộ cùng tới một nơi chính là nơi đông đúc của Thuận Châu vậy.
Cuối đời Trần – cuối thế kỷ XIV – vua Trần lập phủ Thuận Hóa, coi cả Thuận Châu và Hóa Châu.
Đầu đời Lê (1428), phủ Thuận Hóa được đổi thành lộ Thuận Hóa thuộc đạo Hải Tây[7].
Năm Hồng Đức thứ 21 (1492) vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ, chia nước làm 13 xứ Thừa Tuyên. Thuận Hóa Thừa Tuyên gồm 2 phủ, 8 huyện, 4 châu như sau8:
- Phủ Tân Bình (sau thành Quảng Bình): gồm 2 huyện 2 châu:
+Huyện Khang Lộc: nay là huyện Quảng Ninh.
+ Huyện Lệ Thủy: nay vẫn là huyện Lệ Thủy.
+ Châu Bố Chính: gồm 3 huyện Quảng Trạch, Bố Trạch và Tuyên Hóa.
+ Châu Minh Linh: gồm 2 huyện Vĩnh Linh và Gio Linh.
- Phủ Triệu Phong: gồm 6 huyện 2 châu:
+ Huyện Kim Trà: gồm 2 huyện Hương Trà và Hương Thủy.
+ Huyện Đan Điền: gồm 2 huyện Quảng Điền và Phong Điền.
+ Huyện Tư Vang: gồm 2 huyện Phú Vang và Phú Lộc.
+ Huyện Điện Bàn: gồm 3 huyện Hòa Vang, Điện Bàn và Duy Xuyên.
+ Huyện Hải Lăng: nay vẫn là huyện Hải Lăng.
+ Huyện Vũ Xương: nay là huyện Triệu Phong.
+ Châu Thuận Bình: miền núi Hải Lăng.
+ Châu Sa Bôi: miền núi Triệu Phong.
Các huyện Hải Lăng, Vũ Xương và các châu Minh Linh, Thuận Bình, Sa Bôi là đất Quảng Trị ngày nay.
II. TỪ THUẬN CHÂU ĐẾN CÁT DOANH (CÁT DINH HAY DINH CÁT)
Nhà Lê thịnh đạt vừa 100 năm thì bị họ Mạc cướp ngôi. Nhà Lê lưu vong sang đất Ai Lao.
Năm 1533, Lê Duy Ninh lên ngôi ở đất Ai Lao, lấy hiệu là Lê Trang Tông (1533-1548), giao hết binh quyền cho đại tướng Nguyễn Kim lo việc chống Mạc. Năm 1540, Nguyễn Kim kéo quân từ Ai Lao về đánh Nghệ An. Được nhiều hào kiệt theo giúp, trong vòng 3 năm Nguyễn Kim đã làm chủ đất Thanh Hóa trở vào. Đang trên đà thắng lợi, ông bị hàng tướng Dương Chấp Nhất hạ độc giết chết vào năm 1545 tại Sơn Nam. Binh quyền được giao lại cho con rể Trịnh Kiểm.
Trịnh Kiểm là tay thủ đoạn, vừa tiếp quản binh quyền lo việc chống Mạc, vừa củng cố thế lực, giết hại tướng sĩ không ăn cánh, trong đó có Nguyễn Uông em vợ mình.
Nguyễn Hoàng, em Nguyễn Uông tìm kế thoát thân. Nhớ lời Trạng Trình: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”,Nguyễn Hoàng nhờ chị gái Ngọc Bảo, vợ Trịnh Kiểm xin cho vào trấn thủ Thuận Quảng.
Khi mới vào Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã nghĩ ngay đến kế sách lâu dài, một mặt lo tổ chức chính quyền, tăng cường quân đội, mặt khác lo vỗ an dân chúng, phát triển kinh tế, tìm nơi trù phú đưa dân an cư lạc nghiệp… Đồng thời ông cho xây dựng dinh thự thành quách đặt đại bản doanh tại bãi phù sa xã Ái Tử9, huyện Đăng Xương (Võ Xương cũ), châu Thuận.
Năm 1570, sau khi ra Tây Đô – Thanh Hóa chầu vua Lê trở về, “Nguyễn Hoàng lại dời vào làng Trà Bát ở huyện ấy, tức Cát Dinh10”. Trà Bát, chỉ cách Ái Tử 2 cây số, giáp với làng Đâu Kênh và Hoa La (Bích La) về phía Đông. Trà Bát là một làng toàn cát, dinh thự được xây trên cát nên dân gian quen gọi là Cát Doanh hay Cát Dinh hay Dinh Cát.
“Dinh Cát mới ở đầu núi xã Phúc Toàn là do Thụy Quận Công Nguyễn Phúc Nguyên lập ra. Trấn dinh cũ của họ Nguyễn ở phía tây sông Ái Tử. Từ dinh mới ra đường cái, sang cầu Ái Tử đi về tay trái nửa khắc là đến nơi, nhà quân lính vẫn còn, tức là chỗ dinh của Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng khi mới vào trấn. Phía đông sông ấy là hai xã Đâu Kênh và Hoa La. Xét Minh sử chép Trương Phụ đuổi đánh Trần Trùng Quang đế ở sông Ái Tử, tức là chỗ ấy11”.
III. TỪ DINH CÁT ĐẾN QUẢNG TRỊ
Cát Dinh hay Dinh Cát được thành lập đã làm mất đi vị trí chủ đạo của Thuận Thành vốn là Trung tâm Kinh tế Chính trị ở Thuận Châu. Còn chăng là một ngôi chợ “Tứ xã12” tồn tại cho đến ngày nay: Chợ Thuận.
Năm 1626 “vì nghĩ chắc có chiến tranh với họ Trịnh, nên chúa đã dời dinh về phía nam đến khoảng 40km13”.Thủ phủ mới này đặt tại làng Phước Yên, huyện Đan Điền, châu Hóa.
“So với Dinh Cát thì Phước Yên ở vào một vị thế tiện lợi hơn về mặt phòng thủ.Phá Tam Giang và các tiền đồn đóng rải rác quanh vùng Cựu Dinh ở mặt bắc, là những tuyến phòng ngự tương đối tốt. Lần dời dinh lập phủ này còn mang ý nghĩa làm cho Trung tâm Chính trị và Hành chánh của miền Thuận Quảng trở nên cân phân, tiện lợi hơn14”.
Sau lần dời dinh này, có ít nhất 4 lần dời dinh khác, nhưng quanh quẩn ở vùng châu Hóa (Kim Long, Phú Xuân lần 1, Bác Vọng, Phú Xuân lần 2).Từ đó Dinh Cát trở thành Cựu Dinh, nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng về mặt quân sự, trấn giữ vùng địa đầu giới tuyến.
Đời Thượng Vương Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), chúa đem quân ra đóng ở Cựu Dinh chống quân Trịnh. Đại thắng quân Trịnh ở Võ Xá, Thượng Vương cải tên Cựu Dinh thành Dinh Toàn Thắng.
Tháng 5 năm Bính Ngọ 1786, Nguyễn Huệ chiếm Phú Xuân, các tướng sĩ Cát Doanh khiếp sợ tự tan rã hàng ngũ, Cựu Dinh thuộc về chủ mới Tây Sơn.
Đầu niên hiệu Gia Long (1802), vua đổi Cựu Dinh thành dinh Quảng Trị và chọn đất làng Tiền Kiên, bấy giờ là làng mới để xây dựng thành trì, lập lỵ sở. Năm Gia Long thứ 8 (1809) lại dời về làng Thạch Hãn thuộc huyện Hải Lăng tức thị xã Quảng Trị ngày nay.
Năm Tự Đức thứ 6 (1853) hiệp với Thừa Thiên đặt làm đạo.Đến năm Tự Đức thứ 29 (1876) bỏ đạo làm dinh.
Thời Pháp thuộc dinh Quảng Trị được đổi thành tỉnh Quảng Trị.
Năm 1976, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên được nhập làm một đổi thành tỉnh Bình Trị Thiên.Tỉnh Quảng Trị trở thành một phần lãnh thổ của tỉnh mới. Nhưng sau 13 năm, năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên được tách làm batỉnh như trước, và Quảng Trị trở về tên cũ tỉnh Quảng Trị cho tới ngày nay.
Thị xã Đông Hà (nay là thành phố Đông Hà), thay thị xã Quảng Trị, trở thành Trung tâm Văn hóa, Kinh tế, Hành chánh… của tỉnh Quảng Trị.
B. DINH CÁT GIÁO SỬ
- CHA PEDRO ADUARTE DÒNG ĐA MINH ĐẾN DINH CÁT
Năm 1596 một chiến thuyền Tây Ban Nha được lệnh đưa quân yểm trợ vua Cao Miên Soryopor đang bị quân Thái Lan xâm lược đã cập bến Cửa Hàn, Đà Nẵng để mua lương thực và nước uống. Cha Pedro Aduarte, dòng Đa MinhPhilippines tháp tùng phái đoàn ra Thuận Hóa yết kiến chúa Nguyễn theo phép ngoại giao, được ông hoàng Trấn Thủ15 tiếp đón niềm nở tại Dinh Cát. Vị Phó Vương hứa cho phép cha ở lại truyền giáo trên lãnh thổ chúa Nguyễn và dành cho cha nhiều đặc ân. Cha viết:
“Ông (Phó Vương) tha thiết mời tôi ở lại kinh đô, hứa sẽ xây cho tôi nhà nguyện.Tôi trả lời ông là tôi chưa thể nhận lời ngay được khi chưa có phép cha Bề trên – cha Alonso Simonez – đang ở Cửa Hàn.Và ông đã để tôi đi về cửa khẩu16”.
Khi trở về cửa khẩu, do bất bình giữa quan địa phương và thuyền trưởng, tàu vội vã nhổ neo mang theo cha Aduate, bỏ mất cơ hội truyền giáo ngàn năm một thuở tại Thuận Hóa nói chung, Dinh Cát nói riêng.
Dù chưa kịp gieo hạt giống Phúc Âm nhưng có thể nói cha Aduate là vị linh mục đầu tiên đặt chân lên đất Dinh Cát.
II. DINH CÁT VỚI CÁC GIÁO SĨ DÒNG TÊN THỜI BẢO TRỢ BỒ (1615 – 1672)
Năm 1615 cha Francesco Buzomi, Dòng Tên,theo tàu buôn Bồ cập cửa Hội An rồi ra Dinh Cát dâng lễ vật lên chúa Sãi. Nhà chúa ban cho cha một tờ chiếu có đóng dấu son, cho phép cha được giảng đạo từ Quảng Bình đến Phú Yên. Được tờ chiếu, cha Buzomi trở vào trụ sở ở Hội An.
Hai năm sau, 1617, Dòng Tên lại gởi vào Đàng Trong nhiều giáo sĩ khác, trong đó có một số vị nổi bật về tài năng và lòng nhiệt thành: cha Francesco de Pina (1617), cha Christopho Borri, cha Pedro Marquez (1618) và đặc biệt là cha Alexandre de Rhodes (1624).
Năm 1625, cha F. Pina và A. Rhodes (Đắc Lộ) đến Dinh Cát: “Các giáo sĩ Pina, Alexandre de Rhodes trên đường đi Ái Tử đã dừng lại ở Phước Yên, nơi sắp thành kinh đô trong mấy tháng nữa17”.
- Dinh Cát thời Thượng Vương bắt đạo
Nhưng thời gian vàng, 1625-1635, qua mau, Sãi Vương mất năm 1635, Thượng Vương Phúc Lan kế vị, ác cảm với đạo Công giáo. Tuy nhiên khi mới lên ngôi nhà chúa vẫn cho người ngoại quốc đi lại giao thương theo phương thức ngoại giao. Nhân đó, năm 1640 cha Bênêdictô de Mattos đi thăm các họ đạo vùng bắc, từ Thuận Hóa đến Quảng Bình.
Nhưng dù các cha Dòng Tên có đến được hay không thì việc đạo ở Dinh Cát vẫn được tiếp tục nhờ lòng tông đồ nhiệt thành của các thầy giảng và nhóm giáo dân ưu tú. Nhiều họ đạo được thành lập, nhiều chứng nhân Dinh Cát chịu đổ máu vì đức tin:
+ Chân phước Anrê Phú Yên, thầy giảng phụ trách phía bắc, từ Thuận Hóa tới Sông Gianh, người đồ đệ xuất sắc của cha Đắc Lộ, có lẽ đã đặt chân lên miền truyền giáo Dinh Cát, tử đạo ở Quảng Nam năm 1644.
+ Thầy giảng Ynhaxô Liêm Công – người Liêm Công – và thầy giảng Vincentê bị bắt cùng cha Đắc Lộ ở Đan Điền Đại giang18. Chúa Thượng đích thân thẩm vấn với bản án trảm quyết hai thầy vào năm 1645. Bảy vị khác bị chặt ngón tay rồi tha về.
Căn cứ vào đệ trình của cha Đắc Lộ, Dòng Tên tiếp tục gởi giáo sĩ vào Đàng Trong, trong đó có một số linh mục đã đến Thuận Hóa, Quảng Bình.
Năm 1646 cha Matello Saccano cùng cha Di Rocca được chúa Thượng niềm nở đón tiếp tại kinh đô Kim Long, được chúa cho phép ở lại 3 ngày rồi vào Hội An. Cha Matello Saccano là một trong những nhân chứng thời bắt đạo. Cha viết:
“Sáu anh hùng bị dẫn ra pháp trường, lính tráng và các quan đứng một bên thành hai hàng song song.Đang khi cụ Ximêon và 3 người khác bị phạt trượng, chặt ngón tay, cạo trọc đầu thì Augustinô, trước khi bị chém đã sốt sắng khuyên giáo dân…. Đầu hai ông Alexi và Augustinô bị bêu trên chiếc cọc cao. Còn Ximêon, vìtuổi già không đủ sức chịu đòn đã chết 10 ngày sau đó19”.
- Dinh Cát thời Hiền Vương bắt đạo
Năm 1648 Thượng Vương qua đời, con là Hiền Vương Phúc Tần kế vị tiếp tục chính sách bài giáo của tiền vương. Tuy nhiên vì đang cần súng đạn của người Bồ nên ông vẫn hé cửa để các giáo sĩ Dòng Tên ra vào.
Năm 1655 cha Pedro Marquez trở lại Hội An, cùng đi có cha Francesco Rivas. Năm 1657, nhân Hiền Vương đại thắng vùng Lam Giang (sông Cả), cha Rivas mạo hiểm ra Dinh Cát, nơi nhà chúa đang đóng quân.Cha đi thăm họ Trà Bát20 và các họ đạo gần đó.Đêm thứ bảy Tuần Thánh 1657, cha cử hành thánh lễ tại nhà đúc súng – gần bến đò Xưởng ngày nay – có 400 giáo dân tham dự.
Nhưng đầu năm 1661 quân Trịnh phản công chiếm lại 7 huyện ở vùng Lam Giang, Hiền Vương trút giận lên đầu người theo đạo:
+ Năm 1655, quản gia Phêrô Văn Nết tử đạo: Văn Nết sinh năm 1607 tại Trà Bát, nguyên quán Đàng Ngoài. Được cha Đắc Lộ rửa tội năm 1640, làm quản gia ở dinh Minh Đức vương phi.Khi nhà nguyện Minh Đức bị phá, ông dùng nhà mình làm nhà nguyện. Câu nói cuối cùng của ngài đã trở thành câu danh ngôn: “Là bề tôi của Chúa trời đất tôi có bổn phận phải vâng lời Người trước, sau mới vâng lời vương gia”.
+ Năm 1661, hai ông Damasô, Ximong và bà Matta bị giết bằng mũi giáo. Đợt hai cùng năm, thêm 6 chứng nhân đức tin bị giết: bà Monica, các ông Micae, Ximong, Gioan, Yves Egidiô và Vinh Sơn.
+ Tại Dinh Cát số đông giáo dân bị tống ngục, số khác bị giải vào kinh, đói khát, khổ hình nhiều người bỏ xác giữa đường.
+ Năm 1663 ông Phêrô Đang (Đặng?) và 3 quân nhân bạn bị điệu đến trước mặt Hiền Vương, thấy nhà chúa nộ khí đằng đằng, 3 quân nhân sợ hãi xuất giáo. Còn Phêrô Đang can đảm lập lại câu nói trước đây của Phêrô Văn Nết:“Là bề tôi…”.Hiền Vương nghe xong giận dữ ra lệnh chém đầu.
+ Ông Phêrô Kỳ, trùm họ Trà Bát chịu án trảm quyết phân thây. Hai bạn đồng hương của ông, Micae Miên và Ynhaxô Vang bị án bá đao.
Năm 1665, cũng tại Dinh Cát, ông Lu Y Phương, người Vĩnh Linh, trưởng đoàn thầy giảng Dinh Cát bị án treo ngược sau đó phân thây. Vợ ông, bà Monica bị án voi chà. Thủ liệt Ximong Tu (Tụ?) bị trảm quyết.Bốn chiến sĩ đức tin khác có tên thánh là Vinh Sơn, Gioan, Luxia và Agathe bị chém hoặc bị voi chà.
Đang giữa cao trào bắt đạo thì được tin Tòa Thánh thiết lập chế độ Đại diện Tông tòa (ĐDTT) thay chế độ Bảo trợ Bồ không còn thích hợp tại hai miền Đàng Trong, Đàng Ngoài Việt Nam, đồng thời cử Đức cha Lambert de la Motte làm Giám mục ĐDTT tại giáo phận Đàng Trong. Lễ tấn phong Giám mục diễn ra tại Paris ngày 11-6-1660, và Đức cha Lambert đã khởi hành một tuần sau đó, nhưng mãi tới ngày 22-8-1662 mới tới được Thái Lan, nơi sẽ thiết lập Tòa Giám mục.
Đến Thái Lan, Đức cha Lambert thừa biết những khó khăn sẽ đến với chế độ ĐDTT Đông Á sơ khai mà ngài là đấng lãnh đạo tiên khởi. Ngài gởi thư cho các cha Dòng Tên mong sự hợp tác và chỉ dẫn cách thức nhập địa phận. Các cha Dòng Tên phúc thư khuyên ngài không nên nhập địa phận ngay vì sự có mặt của ngài chỉ làm tăng thêm cường độ bách hại. Tốt nhất nên cử đại diện sang.
Vì thế, mãi tới năm 1671-1672 Đức cha Lambert mới mở cuộc kinh lý đầu tiên vào giáo phận Đàng Trong, đánh dấu bước chuyển mới của giáo phận từ chế độ Bảo trợ Bồ sang chế độ ĐDTT.
III. DINH CÁT VỚI CÁC THỪA SAI PARIS VÀ LINH MỤC VIỆT NAM THỜI ĐẠI DIỆN TÔNG TÒA SƠ KHAI (1672-1725)
Tháng 3-1673, Đức cha Lambert cử thừa sai Vachet và cha Manuen Bổn, một trong bốn linh mục Việt Nam tiên khởi giáo phận Đàng Trong từ Thái Lan vào Việt Nam. Tháng 10-1673 phái đoàn đến Huế dâng thư và lễ vật lên Chúa Nguyễn. Bấy giờ Hiền Vương đã tha đạo, cho phép các linh mục được tự do đi lại trong lãnh thổ. Nhờ vậy, “qua tháng 4 năm sau cha Manuen Bổn được cử ra giúp các tỉnh phía bắc giáp với Đàng Ngoài21, tức là hạt Đất Đỏ và hạt Quảng Bình sau này.
- Dinh Cát thời Hiền Vương tha đạo
Những năm đầu truyền giáo ở vùng bắc địa phận cha Manuen Bổn đã gặt hái được nhiều kết quả mỹ mãn, Đức cha Lambert trong thư gởi Đức cha Pallu cho biết “Trong vòng 6 tháng cha Manuen đã rửa tội khoảng 2.000 người22”. Nhưng về sau ngài khắt khe quá trong kỷ luật giữ đạo khiến giáo dân kêu ca. Ngài qua đời trong vụ đắm thuyền tại đầm Cầu Hai năm 1698.Cùng bị nạn có 2 thầy giảng và 3 chủng sinh.
Trong khi đó vào năm 1675, cha Courtaulin được bổ nhiệm làm cha chính, ngài mở cuộc viếng thăm Quảng Bình, Quảng Trị. Ngài kể chuyện tại Dinh Cát một ông quan xin ngài làm phép cho một con voi đau nặng. Tại Bố Liêu ngài được giáo dân quý mến, cho đặt bàn thờ và tòa giải tội lưu động tại tư gia.Nhưng lại bị nhóm quan dân quá khích gây rối cướp tượng Chúa và vật dụng.Sự việc phải đưa lên quan tỉnh xử mới yên.
Ngài viết thư về cho Đức cha Lambert nói rõ tình hình việc đạo Dinh Cát bấy giờ:
“Con được các thầy giảng đón rước long trọng, thiết tiệc mừng. Xứ Dinh Cát có 3 thầy giảng đạo đức, hăng say việc truyền giáo. Có khoảng 40 làng có số bổn đạo đông. Số lương dân theo đạo cũng nhiều (…). Nhưng chỉ có 3 nhà thờ lớn…23”.
Năm 1685, một vị thừa sai khác, cha Labbé, được cử ra Dinh Cát. Qua chuyến viếng thăm mục vụ khoảng bảy, tám tháng ngài ghi lại một bản tường trình dài, cho biết các họ đạo mà ngài đã đến: họ Phù Nông, họ Vĩnh Nguyên, họ Văn Quỹ với 30 gia đình Công giáo, họ Kẻ Đôi (cạnh họ Văn Quỹ) cũng có 30 gia đình Công giáo. Một họ khác thuộc làng Kẻ Đôi chỉ có 1 gia đình Công giáo, nhưng đã bỏ đạo, khi nghe cha tới hai vợ chồng đến xin trở lại.
Cũng theo bản tường trình của cha Labbé, hạt Dinh Cát bấy giờ có 14 nhà thờlớn nhỏ, cha đã đi thăm hết tất cả các nhà thờ và họ đạo. Sau đó ngài lên thăm vùng Bái Trời, ra Quảng Bình rồi trở vào thăm các họ đạo ở kinh đô Huế và vùng phụ cận.
Chính cha Labbé (sau là Giám mục) là người đã thổi một luồng sinh khí vào việc đạo ở Dinh Cát, vì tại nơi này sau thời gian cấm đạo và khủng bố đạo dai dẳng nhiều giáo dân do sợ hãi đã lơ là, xuất giáo. Và, cũng từ đệ trình của ngài năm 1686, Đức Giám quản Laneau (Giám quản lần 1, 1679-1682, thay Đức cha Lambert qua đời và Giám quản lần 2, 1684-1691, thay Đức cha Mahot qua đời) đã gởi đến Dinh Cát một linh mục Việt Nam vào năm 1689.
- Linh mục Việt Nam tiên khởi tại Dinh Cát: Lôrensô Huỳnh Văn Lâu
Cha Lôrensô Lâu hay Lân, hay Long, đương thời gọi ngài là Manuen trẻ, là linh mục thứ ba phục vụ vùng bắc địa phận, nhưng là linh mục Việt Nam tiên khởi tại Dinh Cát. Ngài sinh năm 1655 tại họ đạo Lâm Tuyền, tỉnh Khánh Hòa.Cha mẹ ngài di dân lập nghiệp miền Đồng Nai.
Cha Lôrensô Lâu có tư chất bặt thiệp, thể chất mạnh khỏe, nhiều tài năng (giỏi thiên văn, triết học, thần học, toán học, ngoại ngữ…) tính tình hòa đồng cởi mở, siêng năng. Ngài thường xuyên đi thăm các họ đạo trong địa hạt.ngài được giáo dân hết lòng yêu mến.
Tuy nhiên, ngài cũng mắc phải vài khuyết điểm cố hữu như khắt khe quá trong kỷ luật giữ đạo, cố chấp xây nhà thờ họ chính Dương Lệ 7 gian, nhà xứ 5 gian… như thách thức người ghét đạo.
- Dinh Cát thời Ngãi Vương cấm đạo
Nhà thờ lớn Dương Lệ vừa cất xong thì cuối năm 1690, đầu năm 1691, Ngãi Vương ban hành lệnh:“cấm cờ bạc, đá gà và đạo Hoa Lang”.Tất cả nhà thờ bị phá hủy hoặc được tháo dỡ trước, trong đó có nhà thờ Dương Lệ.
Tuy nhiên, đây là dịp thử thách lòng đạo, giáo dân Dinh Cát trăm người như một trung thành xưng đạo mặc cho quan quân khủng bố từng nhà, bắt dựng trang thờ. Gương sáng bậc nhất có ông Gioan Cơ (Cộ?), trùm trưởng Dinh Cát, cả ba lần ra công đường đều can đảm tuyên xưng đức tin. Ông bị mang gông, phơi nắng 9 ngày, bị phạt 15 quan tiền rồi tha về.
Nhưng cơn bắt đạo qua mau, Ngãi Vương mất năm 1691, con là Minh Vương Nguyễn Phúc Chu lên kế vị. Lệnh bắt đạo bị lãng quên.Việc đạo trở lại bình yên.Đó cũng là năm thừa sai Pérez được Tòa Thánh sắc phong Giám mục ĐDTT.
Sau lễ tấn phong Giám mục ngày 22-7-1691 tại Juthia – Thái Lan, ngài kinh lược địa phận. Tại Dinh Cát, cha Lorensô hướng dẫn ngài đi thăm tất cả họ đạo, tới đâu ngài cũng ban phép Thêm sức và khích lệ giáo hữu trung thành với Chúa.
Mỗi năm cha Lorensô đều có lập báo cáo gởi về Thánh Bộ, nhờ đó biết được cuối thế kỷ XVII Dinh Cát có 36 họ đạo, như sau24:
- Cổ Vưu 13. Phường Chuối 25.An Lộng
- Đại Bi 14. Kẻ Liêm 26. Đồng Giám
- Đại Lộc 15. Ninh Hương 27. Văn Quỹ
- Hà Bá 16. Vệ Nghĩa 28.An Loa
- Ba Lòng 17.Kẻ Đua 29. Tho In
- Đại Hòa 18. Phường Hến 30. Dinh Cát
- An Thuyên 19. Kẻ Nhiêu 31. Bố Liêu
- Tran 20. Dương Lệ 32. Dương Lộc
- Phường Sãi 21. Kẻ Vịnh 33. Nhu Lý
- Phúc Lộc 22. Chuôi 34. Toan
- Đông Hà 23. Kẻ Giáo 35. Kẻ Môn
- An Đôn 24. Ngô Xá 36. Phan Xá
Một bản thống kê khác, cùng thời gian, do cha Lorensô gởi về Thánh Bộ, với các họ đạo như sau25:
- Kẻ Môn 13. Ba Lang 25. Phúc Lộc
- Văn Quỹ 14.Đồng Bào 26. Đại Hòa
- Kẻ Vịnh 15. Cổ Vưu 27. Kẻ Điêu
- Vĩnh Hưng 16. Phường Sãi 28. Đại Bi
- Hương Triều 17.Phường Chuối 29. Đồng Hà
- Kim Long 18.Ba Lòng 30. Đồng Giám
- Đông Dương 19. An Đôn 31. Dương Lộc
- Vĩnh Thu 20. Tô An 32. Dương Lệ
- Phú Nông 21. Ngô Xá 33. Đại Be
- Hòa Viện 22. Kẻ Bố 34. Nhu Lý
- Yên Phước 23.An Lộng 35. Kẻ Giáo
- Diên Sanh 24.Vệ Nghĩa 36. Kẻ Triêm
4. Dinh Cát thời Minh Vương cấm đạo
Năm 1692, Minh Vương lên ngôi cay cú tuyên bố:“Ta sẽ thiêu hủy hết các nhà thờ, sẽ giết hết các cố đạo, những người đến đây để mua chuộc dân ta26”.
Ngày 11-3-1700, Minh Vương hạ lệnh: “Để giảm bớt số giáo dân ngày càng gia tăng, chúa ra lệnh bắt người có đạo phải phu phen tạp dịch, sưu cao thuế nặng gấp 3 lần dân thường. Nếu là lính thì phải xuất ngũ, nếu là chỉ huy thì bị giáng cấp27”.
Tại Dinh Cát, cha Lôrensô Lâu bị bắt nhưng 3 ngày sau được phóng thích nhờ một vị quan trước đã mang ơn cha can thiệp. Bị lộ tông tích cha phải vào lánh mặt ở Nha Trang, đến Phú Yên thăm người em gái anh hùng tử đạo Inê Huỳnh Thị Thanh. Ngài qua đời ở Đồng Nai vào năm lửa bách hại Minh Vương sắp chấm dứt.Thọ khoảng 70 tuổi.
Cuộc bắt đạo thời Minh Vương tuy mức độ nặng nhẹ có khác nhau, nhưng kéo dài đến 27 năm (1698-1725) khiến giáo phận điêu đứng. Nhân sự địa phận bấy giờ có 16 linh mục (6 Dòng Tên + 8 Thừa sai Paris + 2 Việt Nam) thì chỉ có mình cha Lorensô thoát được, 15 vị còn lại đều bị bắt, trong đó có 4 cha chết rũ tù: 2 cha Dòng Tên người Ý: Pietro Belmonte và Joseph Candone, 2 cha Thừa sai Paris người Pháp:Toussaint Ferret và Pierre Langlois (cha sở Phủ Cam).
Tại Dinh Cát giáo dân bị bắt giam đầy trong ngục, bắt nhịn đói nhịn khát cho đến khi chịu quá khóa. Đã có 15 giáo dân chết đói ở nhà lao. Nhiều võ quan và binh lính có đạo bị hình phạt nặng nề nhằm mục đích răn đe, nhưng giáo hữu Dinh Cát vẫn cương quyết một lòng xưng đạo. Quan Micae Văn, ông Matthêô Gẫm bị trảm quyết. Một thiếu nhi ở giữ voi cho nhà quan tên là Anrê Bé bất chấp ngăm đe, dỗ dành, quyết không đạp ảnh, bị chém đầu.
Tại Văn Quỹ có 47 giáo dân bị bắt giam. Không chịu nổi cực hình 27 người bỏ cuộc, còn lại 20 người trong đó có 15 đàn ông bị án thảo trượng. Hằng ngày họ dẫn ghe đi dọc các bờ sông cắt cỏ mang về nuôi voi. Người ta gọi họ là: “Ông Cỏ”.
Trong lúc thiếu chủ chăn, Chúa quan phòng gởi đến Thuận Hóa một linh mục thừa sai: cha Pierre Heutte.Nguyên năm 1714, chiếc tàu buôn Tây Ban Nha bị bão đánh dạt vào bờ biển Nha Trang, 87/104 người được cứu thoát trong đó có cha Pierre Heutte.Năm 1715, nhà chức trách đưa những người gặp nạn ra kinh đô.Cha Pierređược mời ở lại giúp họ đạo Phủ Cam và các họ đạo vùng phụ cận kinh đô Huế.Ngài đến được Dinh Cát và các họ đạo xa xôi nhờ những chiếc ghe của các “Ông Cỏ”.
Năm 1725 Minh Vương qua đời, con trưởng Phúc Trú lên ngôi lấy hiệu là Ninh Vương. Ninh Vương ban hành lệnh tha đạo.
IV. DINH CÁT THỜI KHÂM SAI TÔNG TÒA
- Khâm sai Tông tòa lần I
Năm 1727, Đức cha Alexandre de Alexandris được tấn phong Giám mục Phó kế vị.Năm 1728, Đức cha Pérez qua đời, ngài thay quyền lãnh đạo Giáo phận Đàng Trong.
Tuy nhiên, dưới thời ngài nội tình giáo phận đầy mâu thuẫn mà nguyên nhân một phần có sẵn từ thời các Đức cha tiền nhiệm. Mâu thuẫn giữa hai chế độ khác nhau: Bảo Trợ Bồ và ĐDTT, mâu thuẫn giữa Dòng – Triều, quốc tịch, sự tranh giành quyền bính và lãnh thổ truyền giáo…, một phần do ngài có thành kiến nặng nề với các thừa sai MEP và các linh mục Việt Nam. Đến đỗi sau 10 năm lãnh đạo (1728-1738) số các thừa sai MEP chỉ còn lại 4 vị và linh mục Việt Nam = 0.
Sự kiện trên, dù là “tranh giành sự gian truân, bách hại, tù đầy và đổ máu vì lý tưởng ơn gọi truyền giáo và Tin Mừng được rao giảng”, thì tất yếu cũng bất lợi cho miền truyền giáo Đông Á non trẻ này, khiến ĐGH Bênêđictô XIII phải cử phái đoàn Khâm sai Tông tòa do Đức cha De La Baume làm trưởng phái đoàn sang Đàng Trong.
Với những chứng lý đầy đủ, sau khi thận trọng cân nhắc, Đức Khâm sai đưa ra những phán quyết liên quan lãnh thổ truyền giáo:
+ Dòng Tên được trao quyền truyền giáo vùng bắc Thuận Hóa, từ Dinh Cát ra Quảng Bình với các trung tâm Dinh Cát, Dinh Trạm, Dinh Ngói, Dinh Mười cộng với vùng Bà Rịa, Đồng Nai.
+ Hội Thừa Sai Paris (SMEP) được trao quyền từ Phú Xuân đến Hải Vân, cộng với một phần Quảng Nam tới Khánh Hòa.
+ Dòng Phanxicô được trao quyền miền Sài Gòn, Lục Tỉnh và Cao Miên.
+ Dòng Capuxiô Thánh Bộ thuộc quyền phán quyết của Tòa Thánh.
Tháng 9-1740 Đức Khâm sai De La Baume mở cuộc kinh lý Dinh Cát. Ngài lần lượt viếng thăm các nhà thờ và họ đạo:
- Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Di Loan.
- Nhà thờ Đức Bà Truyền Tin An Ninh.
- Nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae Trà Bát (Dinh Cát) của cha Da Costa.
- Nhà nguyện Đức Bà Đại Bi (Đại Lộc).
- Nhà nguyện Thánh Phêrô Hương Triều Hạ.
- Nhà nguyện Thánh Phêrô Kẻ Văn.
- Nhà thờ họ Kẻ Vịnh (Vĩnh Hưng)
- Nhà thờ họ Đồng Giám của cha Lopèz
- Nhà nguyện Thánh Giuse An Do.
Chưa xong công việc khâm sai thì Đức Khâm sai qua đời vào ngày 2-4-1741 tại họ Thợ Đúc.
Theo đề nghị của Đức Khâm sai De La Baume, Tòa Thánh đã bổ nhiệm thừa sai François Lefèbvre làm Giám mục ĐDTT thay 2 Đức cha chính, phó Alexandris và Valêrô Rist qua đời năm 1738. Sau lễ tấn phong tháng 1-1743, tân Giám mục vào địa phận, đặt trụ sở tại Phường Đúc.
- Khâm sai Tông tòa lần II
Nhưng dù có khôn ngoan cách mấy thì phán quyết của Đức Khâm sai De La Baume cũng không thề làm thỏa mãn các thành viên tham dự. Đại diện Dòng Phanxicô, Đức Hồng y Trajanode Aquaviva, với sự hỗ trợ của vua Tây Ban Nha Felipe V sang Rôma điều đình. ĐGH Bênêđictô XIV ban hành tông hiến “Quantopere Caritas Christi” trả lại cho Dòng Phanxicô những nhà thờ, họ đạo mà họ mất quyền sở hữu do phán quyết của Đức Khâm sai De La Baume. Đồng thời cử Đức cha Hilariô de Giêsu làm Khâm sai Tông tòa lần II.
Sau 13 khóa họp Đức Khâm sai Hilariô truyền dạy phải thực hiện tông hiến “Quantopere Caritas Christi”, theo đó ngài xác định lại lãnh thổ các giáo khu, họ đạo, phân công trách nhiệm cho cả 4 hội dòng đang hoạt động. Nhưng phán quyết mới không làm thay đổi địa bàn truyền giáo từ phán quyết cũ: “Giữ nguyên quyết định của Đức Khâm sai lần I, giao cho các giáo sĩ Dòng Tên 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị với các Trung tâm Truyền giáo Bố Chính, Đồng Hới, Vĩnh Linh, Bái Trời, Dinh Cát với khoảng 50 họ đạo, trên dưới 5000 giáo dân28”.
Với những phán quyết hợp tình hợp lý của 2 vị Khâm sai Tông tòa, các cha Dòng Tên hợp pháp ở lại truyền giáo trên cánh đồng do chính mình khai phá. Nhờ đó, giáo đoàn Dinh Cát biết và ghi ơn các cha Dòng Tên thế hệ thứ hai đã “đổ mồ hôi sôi nước mắt” trên cánh đồng truyền giáo này:
+ Cha Têphanô Lopèz – Cha sở họ Đồng Giám.
Năm 1740 Đức Khâm sai De La Baume kinh lược Dinh Cát đã đến thăm ngài. Ngài sáng lập “Thánh Binh Đoàn Trẻ”, còn gọi là “Đạo Binh Thiếu Nhi”,một tổ chức như “Hùng Tâm Dũng Chí” hay “Nghĩa Binh Thánh Thể” sau này. Năm 1750, ngài bị trục xuất trong cuộc bắt đạo Võ Vương.
+ Cha Phanxicô da Costa – Cha sở họ Dinh Cát (tức Trà Bát).
Năm 1740 Đức Khâm sai De La Baume đến thăm ngài, viếng nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Trong bản phúc trình ngày 20-7-1742, chính cha De La Court có viết về ngài: “là vị thừa sai kỳ cựu, một người rất đơn sơ, ít đau ốm, hăng say lo việc truyền giáo, đời sống thánh thiện, nhiều nhân đức29”.Ngài bị trục xuất năm 1750.
+ Một linh mục Dòng Tên khác, cha Giuse Neugebauer, trước khi ra phục vụ vùng Đất Đỏ, Quảng Bình, đã từng ở Dinh Cát30.
Lẽ ra sau 2 lần Khâm sai Tông Tòa thành công, việc đạo địa phận nói chung, Dinh Cát nói riêng trở nên tốt đẹp. Nhưng bất đồ Võ Vương, một người rất thiện cảm với đạo Công giáo bỗng thay đổi thái độ, hạ lệnh bắt đạo, trục xuất giáo sĩ vào năm 1750.
Hai đại biểu Dòng Tên cuối cùng ở Dinh Cát, cha Lopèz và cha Da Costa bất đắc dĩ phải ra đi. Tiếp đó là cuộc chia tay vô thời hạn do lệnh Tòa Thánh bãi bỏ Dòng Tên trên toàn thế giới vào năm 1773. Chấm dứt giai đoạn truyền giáo rực rỡ và mối lương duyên Dòng Tên – Dinh Cát.
Quyền truyền giáo tại Dinh Cát được giao lại cho các linh mục Hội Thừa Sai Paris với sự có mặt của các cha Gioan Labartette, Halbout, Moutoux, Longer…
V. DINH CÁT THỜI CHIẾN TRANH TRỊNH – NGUYỄN – TÂY SƠN
Năm 1765 Võ Vương mất, quyền thần Trương Phúc Loan cấu kết bè đảng lập Phúc Thuần mới 11 tuổi lên ngôi. Quyền hành do một tay Loan thao túng. Triều đình họ Nguyễn suy mạt.
Năm 1771 Nguyễn Nhạc phất cờ khởi nghĩa ở đất Phù Ly, nay là huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
- Dinh Cát thời quân Trịnh chiếm đóng Phú Xuân
Năm 1774 quân Trịnh do tướng Hoàng Ngũ Phúc cầm đầu đưa quân vào Ái Tử. Năm 1775 chiếm Phú Xuân, áp dụng chính sách tôn giáo lỏng lẻo. Thừa sai Gioan Labartette trong thư đề ngày 21-6-1775 cho biết:
“Việc đạo hết sức tốt đẹp.Vì mọi người phải tất bật lo cho cuộc sống nên không ai để ý đến chuyện bắt đạo.Tất cả chúng tôi đều đi lại công khai, không có chuyện gì phải e dè cả31”.
Tháng 10-1775 tướng Hoàng Ngũ Phúc bị bệnh, chết trên đường về Bắc. Phó tướng Bùi Thế Đạt lên thay.
Năm 1776 nhân lúc tự do, cha Gioan Labartette rời Phú Xuân ra thăm Dinh Cát,“vì đã gần 30 năm nay chẳng có một vị linh mục nào đến với họ32”.Sau đó vì Dinh Cát có nội biến, cha Gioan ra Di Loan.
Cùng thời gian, tướng Bùi Thế Đạt dẹp yên loạn Lâm, Mộc ở Dinh Cát, được triệu hồi về kinh.Tướng Phạm Ngô Cầu được cử vào thay. Nhưng “Ngô Cầu là người ngược, hoạnh, tham, nhiễu, dày xéo nhân dân, tính tình lại khiếp nhược, đa nghi…33”
Năm 1779, Cầu hạ lệnh phá đạo, triệt hạ hết nhà thờ. Để yên thân, giáo dân phải tham gia việc cúng bái, hoặc phải lòi tiền. Hiện tượng bắt đạo tái lập vào năm 1783, quan trấn thủ Dinh Cát cho lính khủng bố người Công giáo, đòn roi, tống ngục, hầu tòa không ngoài mục đích đòi tiền chuộc mạng, giáo dân oan ức kêu tới Phú Xuân. Để xoa dịu, Phú Xuân hạ lệnh cách chức các quan có liên hệ, trọng phạt kẻ hành hung người Công giáo…
Bấy giờ chiến tranh đã cắt giáo phận Đàng Trong làm 3 miền không liên lạc được nhau.Đức cha Pigneau de Béhaime (Bá Đa Lộc) đang ở miền Nam mất liên lạc với Qui Nhơn và Thuận Hóa. Vì thế, để linh động theo tình hình mới, năm 1784 Tòa Thánh sắc phong thừa sai Gioan Labartette làm Giám mục Phó kế vị.
- Dinh Cát thời Quang Trung hoàng đế ở Phú Xuân
Năm 1786 Tây Sơn làm chủ Phú Xuân.Năm 1789 Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Quang Trung.
Vua Quang Trung là một vị minh quân, lại sinh ra trong một gia đình Công giáo, không ác cảm với đạo, không chủ trương phá đạo, nhưng để chiến thắng thù trong giặc ngoài, nhà vua cho áp dụng chính sách quân sự thời chiến: Chùa chiền, nhà thờ được trưng dụng làm kho lương, trại quân, chuông đồng, đồ thờ tự bằng đồng được dùng đúc vũ khí. Mọi người phải chấp hành luật động viên, phải đăng ký để được cấp tín bài gọi là thẻ “Thiên hạ đại tín”. Tại các giao lộ đều có trạm gác, mỗi làng đều có điếm canh, lính luân phiên túc trực đêm ngày…
Việc đi lại, làm ăn đã khó nói chi đến việc truyền giáo! Đức cha G. Labartette và các thừa sai khác phải ẩn mình.Dinh Cát là thành lũy bảo vệ các ngài.
Trong thư đề ngày 6-1-1791, Đức cha G. Labartette tỏ ra rất buồn phiền vì “thời khốn khổ” này:
“Từ khi có cuộc chiếm đóng tai tiếng của Tây Sơn, mặc dù chưa có lệnh cấm đạo nhưng tình cảm của giáo dân còn tệ hại hơn cả những khi bắt đạo.Trong thời bách hại ít ra là trong lòng vẫn còn nhớ Chúa, vẫn có thể lén lút thi hành việc đạo đức.Trái lại, trong thời gian khốn khổ ấy tất cả mọi người đều bị vùi dập dưới họa chiến tranh.Riêng năm rồi, 1790, so với những năm trước, giáo dân giảm một phần ba.Việc truyền giáo bị ngưng trệ, số đàn ông chết mất phân nửa.Có họ đạo số giáo dân chết lên đến 100 người34”.
Trong thời gian 6 năm (1786-1792) làm chủ Phú Xuân, vua Quang Trung chỉ có một lần truyền lệnh lùng bắt các thừa sai vào năm 1790, vì nghi là có liên lạc với chiếc tàu Âu xuất hiện ở biển Qui Nhơn:
“Biết chắc nơi ở của Đức cha và các thừa sai, quân lính vội vã đổ về hướng Dinh Cát, nhưng không tìm được thừa sai nào, vì các ngài được mật báo đã di tản đi nơi khác. Quan quân tức giận sục sạo nhà dân để tìm bằng chứng về sự có mặt của các thừa sai.Chúng đã tìmthấy sách kinh và ảnh tượng. Để lấy cung, lính đã hành hạ giáo dân…35”
Năm 1792 vua Quang Trung đột ngột băng hà.
- Dinh Cát thời Cảnh Thịnh bắt đạo. Sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang36.
Năm 1792 vua Quang Trung đột ngột băng hà, con là Quang Toản lên ngôi hiệu là Cảnh Thịnh. Vua Cảnh Thịnh còn nhỏ nên mọi quyền hành lọt vào tay Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Năm 1795 Tuyên bị hại, giáo phận tưởng trút được một gánh nặng, nhưng năm 1797 quan Nội hầu Lê Văn Lợi, kẻ bụng dạ hẹp hòi, muốn phá đạo, tâu vua rằng: “Người Tây phương rất xảo quyệt. Họ lại có người về phe với họ ở trong nước, rất có thể gây loạn.Vậy xin hoàng đế hạ lệnh bắt hết các giáo sĩ Tây phương và linh mục bổn quốc”.
May thay trong triều có một vị quan Công giáo, Thượng thư Hồ Công Diệu, tâu vua rằng: “Thần nghe nói đạo Thiên Chúa truyền dạy vâng theo phép nước, thảo kính cha mẹ, sao lại có thể xúi dân làm loạn được?”
Thấy việc bắt đạo là không tránh khỏi, Công Diệu mật báo cho Đức cha Gioan ở Di Loan. Thừa sai Doussain trong thư đề ngày 21-7-1797 cho biết“Có mật lệnh bắt các cha, nhưng nhờ quan Công giáo ở đền Tây Sơn báo tin nên Đức cha dạy các cha ở Quảng Trị ẩn trốn”.
Ngày 7-8-1798, tại Phú Xuân, vào lúc giữa trưa bốn toán lính cùng lúc đột nhập vào bốn họ đạo lớn là Phủ Cam, Phường Đúc, Kim Long và Dương Sơn. Tại Phường Đúc lính hùng hổ đập phá nhà thờ, tu viện, đánh đập dã man các nữ tu và giáo dân. Để cứu mạng họ, linh mục Emmanuen Nguyễn Văn Triệu đã ra nộp mình.
Sau Huế, lính tiếp tục lùng sục vùng Dinh Cát, bố ráp các họ Trí Bưu, Thạch Hãn rồi Di Loan… Quan quân được mật lệnh bắt cho bằng được Đức cha Gioan và các thừa sai, nhưng nhờ mật báo các ngài đã lẩn tránh.
Giáo dân Dinh Cát theo thói quen bao đời nay, hễ có bắt đạo là trốn vào vùng rừng núi La Vang hẻo lánh với hy vọng là quan quân sẽ không tìm đến nơi rừng thiêng nước độc này.
Nơi hiểm địa La Vang giáo dân phải chịu biết bao điều khổ sở: đói khát, rét lạnh, thú dữ, bệnh tật… Tuy nhiên, mọi giáo hữu đều vững lòng trông cậy, đêm ngày họp nhau cầu nguyện, than khóc, kêu xin Đức Mẹ cứu giúp.
Một hôm, vào lúc ban đêm, mọi giáo hữu đang đọc kinh cầu nguyện thì Đức Mẹ hiện ra trên đám cỏ, dưới gốc cây đa, rực rỡ tươi đẹp vô ngần. Đức Mẹ mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần hậu cận. Đức Mẹ tỏ vẻ nhân từ và âu yếm, an ủi các giáo hữu và dạy hái lá quanh đó nấu uống sẽ lành các chứng bệnh.
Đức Mẹ hiện ra nhiều lần như vậy.
Từ đó truyền khẩu ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI LA VANG cho tới ngày nay.
Ban Truyền Thông Tổng Giáo Phận Huế
Phụ lục:
[1]Tương ứng với tỉnh Quảng Trị ngày nay.
[2]Tương ứng với tỉnh Thừa Thiên – Huế + phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam ngày nay.
[3] Vô Danh Thị. Dương Văn An (nhuận sắc):Ô Châu Cận Lục, tr.65-66.
[4]Xem chú thích 3, tr.66.
[5]Tạp chí Cửa Việt, số 3, 1990, tr.90.
[6]Trước thuộc địa bàn xã Triệu Thuận, nay thuộc xã Triệu Đại.
[7] Cả nước chia làm 5 đạo, đạo Hải Tây gồm các lộ Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa.
8 Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục. Tập 1, Quyển nhứt, tr.60.
9Nay thuộc xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong.
10 Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược. Q.II, tr.87.
11 Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục. Tập 1. Quyển nhứt, tr.109.
12 Chợ Thuận hiện nay là Trung tâm Thương mại của 4 xã Triệu Đại, Triệu Thuận, Triệu Long, Triệu Hòa.
13 Phan Thuận An: Kinh thành Huế, tr 34-35.
14Xem chú thích 13 cùng trang.
15Tức là hoàng tử Nguyễn Phúc Nguyên, con thứ 6 của Nguyễn Hoàng.Bấy giờ Nguyễn Hoàng đang ở Thăng Long giúp vua Lê, Nguyễn Phúc Nguyên thay cha lãnh đạo Thuận Quảng.
16Romanet du Cailland, page 191.
17 Phạm Đình Khiêm: Minh Đức Vương Thái Phi, tr.26.
18 Đan Điền đại giang: Vùng Đan Điền chỉ có sông Bồ, nhưng sông Bồ không phải đại giang, chỉ có phá Tam Giang. Vậy sử ghi Đan Điền đại giang phải chăng là phá Tam Giang?
19 Lm Nguyễn Hồng: Lịch sử truyền giáo. Q1, tr.243-249.
20Còn gọi là Trà Liên, địa điểm đóng thành Dinh Cát.
21 Nhiều tác giả: Tiểu sử các linh mục giáo phận Huế. Cuốn 1, tr.7.
22Xem chú thích 21, cùng trang.
23Bài Công việc truyền giáo ở địa phận Dinh Cát. Tb.Vì Chúa, số 45, ngày 20-8-1937, tr.3.
24Một số họ đạo còn nguyên tên như hiện nay, một số thay đổi hiểu được và số khác thay đổi khó hiểu. Dẫn theo bài Công việc truyền giáo ở địa phận Dinh Cát, đã dẫn.
25Lm Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc:Linh địa La Vang, tr.12.Đối chiếu bản 1 có một số họ đạo đạo đổi tên, khó xác định.
26Lm Bùi Đức Sinh: Giáo hội Công giáo ở Việt Nam. Ronéo. Q.II, tr.90.
27Xem chú thích 26, tr.92-93.
28 Trần Quang Chu: Hành hương Giáo phận Huế. Tập 1, tr.184.
29 Andrien Launay: Histoire de la missions de Cochinchine. Tome II, p.103.
30 Andrien Launay: Histoire de la missions de Cochinchine. Tome II, p.72.
31Andrien Launay: Histoire de la missions de Cochinchine. Tome II, p.101.
32Lm Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc. Linh địa La Vang,tr.17.
33Phan Khoang:Việt sử xứ Đàng Trong, tr.303.
34 Trần Quang Chu: Hành hương giáo phậnHuế. Tập 1, tr.243-244.
35Xem chú thích 34, tr.248.
36Trần Quang Chu: Hành hương Giáo phận Huế. Tập 1, tr.262-265.