Bài giảng trong Thánh Lễ Nhậm Chức của Đức Tân TGM Giuse Nguyễn Chí Linh


"Mây vương khói chiều,


Xứ Huế đẹp yêu kiều.

Ngơ ngẩn lòng du khách những chiều xưa."

Kính thưa cộng đoàn,

Có lẽ hôm nay, Đức Tân Tổng Giám Mục Giuse, cũng như cộng đồng Dân Chúa Tổng Giáo phận Huế không nghĩ đến một thành phố Huế như trong câu hát ấy, dù đã đi vào tâm hồn bao nhiêu người như quý khách đây từ khắp cả nước đang hiện diện. Thay vào đó, vì đang ở trong Nhà Thờ Chính Tòa để tham dự một sự kiện trọng đại của Tổng Giáo phận Huế, nên chúng ta cùng nhau lần bước theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha Phanxicô: tri ân quá khứ, say mê hiện tại và hy vọng tương lai.

Tổng Giáo phận Huế đã có một bề dày lịch sử vẻ vang. Vào những năm đầu thế kỷ 17, thời các chúa Nguyễn đã đặt thủ phủ ở đây, những vị thừa sai đầu tiên đã đem Tin Mừng đến Huế. Đến năm 1789, thời vua Cảnh Thịnh, Hội Thánh tuy còn non trẻ, nhưng đã vững mạnh. Hai biến cố quan trọng ghi dấu lịch sử Tổng Giáo phận: tại Huế, cha thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu, linh mục thuộc giáo phận Đông Đàng Ngoài, về quê thăm mẹ già, bị bắt và được ơn tử đạo; ở La Vang, Đức Mẹ hiện ra an ủi đoàn con khốn khó trong cơn bách hại. Sau đó, những trang sử hào hùng tiếp nối vào thời các vua Minh Mạng và Tự Đức: các thánh tử đạo thuộc đủ mọi thành phần: Phaolô Tống Viết Bường, Phanxicô Kính, Anrê Trần Văn Trông, Phanxicô Phan, Tôma Trần Văn Thiện, Simon Phan Đắc Hòa, Micae Hồ Đình Hy, Phanxicô Trần Văn Trung, Giuse Lê Đăng Thị, Matthêu Nguyễn Văn Phượng...

Năm 1960 Tổng Giáo phận được chính thức thiết lập. Lần lượt các vị mục tử được gửi đến phục vụ Dân Chúa và đồng bào: Đức Tổng Giám Mục Phêrô Ngô Đình Thục như một Chiến sĩ của Đức Kitô, Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền ước mong Nên mọi sự cho mọi người, Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể muốn đem Đức Kitô đến Cho muôn dân được sống, Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng nhận sứ vụ Như một người phục vụ. Hôm nay, với khẩu hiệu và cũng là nguyện ước Xin cho họ nên một, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh được Chúa gửi đến để tiếp nối kế hoạch ân sủng của Thiên Chúa đối với Tổng Giáo phận.

Xin phép trích dẫn bài giảng của Đức Cha Phát Diệm, Phó Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh Giáo phận Thanh Hóa ngày 04.01.2017 vừa qua:

“Khi tri ân quá khứ, Giáo phận Thanh Hóa không thể không nói đến công lao của Đức Tổng Giám Mục Giuse, người đã thi hành nhiệm vụ giám mục trong suốt 12 năm rưỡi. Chỉ còn một tuần nữa, ngài sẽ chính thức nhận nhiệm vụ Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế. Ngài sẽ rời xa nơi đây, nhưng chắc chắn không ai quên được nụ cười luôn nở trên môi, lúc nào cũng muốn chọc ghẹo mọi người, từ già tới trẻ, từ giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân, để kết nối tình thân ái, để kiến tạo niềm vui. Chắc không ai quên được châm ngôn trong sứ vụ giám mục của ngài: "Xin cho họ nên một". Không ai không biết đến những khẩu hiệu được viết thật lớn như muốn ghi khắc sâu đậm nơi tâm khảm mọi người: "Hiệp thông là di sản ngàn đời của giáo phận Thanh Hóa" hay "Mỗi vị khách là một hồng ân". Đó là những tuyên ngôn của một kế hoạch mục vụ đặt nền tảng trên hiệp thông.

Nhờ tinh thần hiệp thông ấy, sau 12 năm rưỡi phục vụ, ngài đã để lại cho giáo phận không phải chỉ là các cơ sở vật chất bề thế, chưa kể sắp tới đây còn mọc lên một ngôi nhà cao tầng nữa, nhưng nhất là một linh mục đoàn trẻ trung, đoàn kết, nhiệt thành; một thế hệ chủng sinh nhiều khả năng và đầy nhiệt huyết; một hội dòng đông đảo nữ tu tràn đầy niềm vui trong đời tận hiến; một cộng đoàn Dân Chúa hiệp thông, quảng đại, nhất là một thế hệ trẻ năng động, dấn thân, trưởng thành từ những khóa Men Phục Sinh được tổ chức hằng năm.

Đó là lời giới thiệu sinh động về vị đến nhân danh Chúa để tiếp nối những trang sử oanh liệt của Tổng Giáo phận Huế.

"Huế là thơ, Huế là mơ"

Có thể nói với quá khứ huy hoàng, không chỉ sông Hương núi Ngự là thơ và là mơ, mà chính Tổng Giáo phận với Mẹ La Vang và các Thánh Tử Đạo đã thực sự là thơ và là mơ. Như ước nguyện của Chúa Giêsu trước ngưỡng cửa mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta tràn đầy hy vọng Đức Tân Tổng Giám Mục sẽ cùng với mọi thành phần trong Tổng Giáo phận, duy trì và tăng cường mối dây hiệp nhất hiện có với Đức Kitô và với nhau, để Huế ngày càng đóng vai trò cầu nối cho toàn thể Giáo tỉnh và toàn thể Hội Thánh tại Việt Nam. Có thể Huế là vị trí thuận lợi cho sứ mạng ấy của Đức Tân Tổng Giám Mục trong cương vị Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Hơn thế nữa, ước nguyện "nên một" của Chúa Giêsu không dừng lại nơi các môn đệ, nhưng mở rộng đến mọi người, đến toàn thế giới. Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa: quy tụ muôn loài trong trời đất, dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô. Gần chúng ta hơn, là quê hương Việt Nam thân yêu. Một người con nổi tiếng của Huế từng mơ ước:

Hãy xóa hết dấu tích buồn xưa.

Ngài mai đây, những con đường nam bắc nở hoa...

Ngày nam, đêm bắc, tình chan trong mắt

Sẽ thấy trăm bình minh ngọt ngào.

Như vậy, không chỉ Huế là thơ, Huế là mơ: cả Việt Nam là thơ và là mơ; cả thế giới là thơ và là mơ. Nếu vào một buổi chiều, từ Chùa Thiên Mụ, có ai ngắm hoàng hôn trên sông Hương, sẽ thấy: Mặt trời của sông Hương không chỉ là một cái đĩa nhỏ, nhưng là một sao chổi rực rỡ với cái đuôi dài lấp lánh và lung linh. Chúng ta có thể thấy như một đĩa dầu mênh mông đang nuôi dưỡng một tim đèn uy nghi bừng cháy.

Tri ân quá khứ Đức Tin hào hùng, say mê hiện tại vì "Tín nghĩa ân tình, nay hội ngộ, Hòa bình công lý đã giao duyên", chúng ta hy vọng tương lai Trời Mới Đất Mới.

Hiệp với Chúa Giêsu và Đức Tân Tổng Giám Mục, hiệp với toàn thể Tổng Giáo phận Huế, chúng ta cùng tha thiết thưa với Chúa Cha:
Lạy Cha, xin hãy cho mọi người hiệp nhất nên một

Như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha.

Xin Cha cho mọi người nên một trong chúng ta

Để cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con.

Nguyện xin Mẹ La Vang dang rộng vòng tay, đón tất cả con cái Việt Nam để mọi người nên một trong Đức Kitô.

Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt

(Giám mục Bắc Ninh)
 

Nguồn tin: tonggiaophanhue.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tiểu sử các Thánh mang tên Xóm

Giuse Lê Ðăng Thị (1825-1860)

Giuse Lê Ðăng Thị, Sinh năm 1825 tại Kẻ Văn, Quảng Trị, Giáo dân, Cai Ðội, bị xử giảo ngày 24/10/1860 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức. Đức Piô X suy tôn ông Giuse Lê Đăng Thị lên hàng Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh....

LOGO PHỤNG VỤ
Linh mục quản xứ
lm1
GIUSE HUỲNH ĐÌNH HÀO
GIỜ LỄ
gio le 1
Kết nối mạng xã hội
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Đăng nhập thông qua Facebook
KẾT NỐI

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây