ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi gặp gỡ chung hằng tuần sáng thứ tư hôm qua trong đại thính đường Phaolô VI.
Trong bài huấn dụ ngài đã quảng diễn ý nghĩa đoạn Phúc Âm nói về người đàn bà tội lỗi đến khóc trên chân Chúa, lấy tóc lau chân và xức dầu thơm trên chân Chúa, khi Ngài đến dự tiệc tại nhà ông biệt phái Simon, như thánh Luca kể trong chương 7: “Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: "Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít." Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Tội của chị đã được tha rồi." Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: "Ông này là ai mà lại tha được tội? "Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an."
ĐTC nói: chúng ta đã thấy phản ứng của những người được ông biệt phái Simon mời dự tiệc: ”Ông ấy là ai mà lại tha cả tội nữa?” (Lc 7,49). Chúa Giêsu vừa làm một cử chỉ gây gương mù gương xấu. Một phụ nữ trong thành phố mà mọi người đều biết là người tội lỗi đã vào nhà ông Simon, cúi xuông chân Chúa Giêsu và đổ dầu thơm trên chân Ngài. Mọi người ở bàn tiệc đều lẩm bẩm: “Nếu ông là một ngôn sứ, thì sẽ không được chấp nhận các cử chỉ của loại đàn bà như chị ta. Sự khinh bỉ. Các phụ nữ ấy, tội nghiệp, chỉ phục vụ để được viếng thăm bởi cả các người lãnh đạo, hay để bị ném đá thôi. Theo tâm thức thời đó, giữa thánh nhân và người tội lỗi, giữa người trong sạch và người ô uế, phải có sự tách biệt rõ ràng. ĐTC giải thích:
** Nhưng thái độ của Chúa Giêsu thì khác hẳn. Ngay từ đầu sứ vụ của mình tại Galilea, Ngài đến gần các người phong cùi, các người bị quỷ ám, mọi người đau yếu và bị gạt bỏ ngoài lề xã hội. Một thái độ loại này đã không phải là điều thường tình, đến độ sự thiện cảm này của Chúa Giêsu đối với các người bị loại trừ, các người “không thể đụng chạm đến”, sẽ là một trong các điều khiến cho người đương thời khó chịu. Nơi đâu có một người đau khổ, Chúa Giêsu lo lắng cho họ và nỗi khổ đau đó trở thành nỗi khổ đau của Ngài. Chúa Giêsu không giảng dậy rằng cần phải chịu đựng nó với sự anh hùng, theo kiểu của các triết gia khắc kỷ. Chúa Giêsu chia sẻ nỗi khổ đau của con người, và khi Ngài gặp họ từ nội tâm dấy lên thái độ định tính cho Kitô giáo : đó là lòng thương xót. Trước nỗi khổ đau của con ngưòi Chúa Giêsu cảm thấy thương xót. Con tim của Chúa Giêsu thương xót. Chúa Giêsu cảm thương. Dịch sát chữ là Ngài cảm thấy lòng dạ run rẩy. Biết bao lần chúng ta gặp trong các Phúc Âm các phản ứng loại này. Con tim của Chúa Kitô nhập thể và vén mở cho thấy con tim của Thiên Chúa, là Đấng nơi đâu có một người nam nữ đau khổ là muốn cho họ được chữa lành, được giải thoát và có cuộc sống tràn đầy.
Vì thế Chúa Giêsu rộng mở vòng tay cho người tội lỗi. Cả ngày nay nữa có biết bao người tiếp tục một cuộc sống sai lạc, bởi vì họ không tìm thấy ai sẵn lòng nhìn họ một cách khác, với đôi con mắt hay đúng hơn với trái tim của Thiên Chúa, nghĩa là nhìn họ với niềm hy vọng. Trái lại Chúa Giêsu trông thấy một khả thể phục sinh cả nơi người đã có biết bao lựa chọn sai lầm chồng chất. Chúa Giêsu luôn luôn ở đó với con tim rộng mở. Ngài mở toang lòng thương xót Ngài có trong tim; Ngài tha thứ, giang cánh tay ra, hiểu và tới gần… Đó, Chúa Giêsu là như thế!
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: đôi khi chúng ta quên rằng đối với Chúa Giêsu đây không phải là một tình yêu dễ đàng, rẻ tiền. Các Phúc Âm ghi nhận các phản ứng tiêu cực đầu tiên đối với Chúa Giêsu chính trong lúc Ngài tha thứ tội lỗi cho một người (x. Mt 2,1-12). Đó đã là một người khổ đau hai lần: bời vì ông không thể bước đi, và bởi vì ông cảm thấy mình đã “lầm lỗi”. Và Chúa Giêsu hiểu rằng nỗi khổ đau thứ hai lớn hơn nỗi khổ đau thứ nhất, đến độ Ngài tiếp nhận ông ta ngay lập tức với một lời loan báo sự giải thoát: “Con ơi, các tội con đã được tha!” (c. 5). Ngài giải thoát họ khỏi cảm tường áp bức vì thấy mình lầm lỡ.
Và chính khi đó vài ký lục - những người tin mình hoàn thiện: tôi nghĩ tới biết bao tín hữu công giáo tin mình hoàn thiện và khinh bỉ người khác… điều này thật đáng buồn – vài ký lục hiện diện đã coi các lời của Chúa Giêsu là gương mù gương xấu. Chúng vang lên như một sự phạm thượng, bởi vì chi có Thiên Chúa mởi có thể tha tội.
Chúng ta quen sống kinh nghiệm tha tội, có lẽ một cách “quá rẻ tiền”, đôi khi chúng ta phải nhớ lại chúng ta đã đắt giá chừng nào đối với tình yêu của Thiên Chúa. Mỗi người trong chúng ta thật là đắt giá: sự sống của Chúa Giêsu! Ngài ban sự sống dù chỉ cho một người trong chúng ta thôi, cho từng người trong chúng ta. ĐTC giải thích thêm như sau:
** Chúa Giêsu không đi đến thập giá vì chữa lành người bệnh, vì rao giảng tình bác ái, vì công bố các phúc thật. Con Thiên Chúa đi đến thập giá nhất là bởi vì Ngài tha thứ tội lỗi; Ngài tha tội, bởi vì Ngài muốn sự giải thoát hoàn toàn, vĩnh viễn trái tim của con người. Bởi vì Ngài không chấp nhận rằng con người tàn lụi cuộc đời họ với “hình xâm” không thể xoá bỏ được này, với tư tường không thể được tiếp đón bởi trái tim xót thương của Thiên Chúa. Và với các tâm tình này Chúa Giêsu đến gặp gỡ những người tội lỗi, trong số đó chúng ta là những người đầu tiên.
Như thế những người tội lỗi được tha thứ. Họ không chỉ được trấn an trên bình diện tâm lý: sự tha thứ trấn an chúng ta biết bao, vì được giải thoát khỏi ý thức lỗi lầm. Chúa Giêsu còn làm hơn thế nữa : Ngài cống hiến cho những người đã lầm lạc niềm hy vọng của một cuộc sống mới , một cuộc sống được ghi dấu bởi tình yêu thương. “Nhưng mà lậy Chúa, con là một cái giẻ rách” – “Nhưng con hãy nhìn tới phiá trước và Ta tạo cho con một trái tim mới”. Đó là niềm hy vọng Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta.
Mátthêu người thu thuế trở thành tông đồ của Chúa Kitô: Mátthêu là một người phản bội quê hương, một tay khai thác dân chúng. Dakêu ông nhà giầu thối nát: ông này chắc là đã có một bằng tiến sĩ nhờ hối lộ. Dakêu, ông nhà giầu thối nát của thành Giêricô biến thành một ân nhân của người nghèo. Người phụ nữ thành Samaria đã từng có 5 đời chồng và giờ đây chung sống với một người đàn ông khác, cảm thấy được hứa ban “một thứ nước hằng sống” sẽ có thể vọt lên luôn mãi bên trong chính nàng (x. Ga 4,14). Và như thế Chúa Giêsu thay đổi con tim. Ngài cũng làm như vậy với tất cả chúng ta.
Thật là tốt cho chúng ta, khi nghĩ rằng Thiên Chúa đã không chọn, như là chất liệu đầu tiên để làm thành Giáo Hội Ngài, những con người đã không bao giờ sai lầm. Giáo Hội là một dân tộc gồm những người tội lỗi, sống kinh nghiệm lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa. Thánh Phêrô đã hiểu hơn sự thật về chính mình khi nghe tiếng gà gáy, hơn là từ các hăng hái quảng đại của mình, khiến cho ông ưỡn ngực, làm cho ông cảm thấy mình cao hơn các người khác.
** Anh chị em thân mến, chúng ta tất cả là các người tội lỗi đáng thương, cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng có sức mạnh biến đổi chúng ta và trao ban cho chúng ta niềm hy vọng; và điều này Chúa làm mỗi ngày. Và Ngài làm! Và đối với người đã hiểu sự thật nền tảng này, Thiên Chúa ban thưởng sứ mệnh đẹp hơn của thế giới, có nghĩa là tình yêu thương đối với các anh chị em và việc loan báo của một lòng thương xót mà Chúa không từ chối với ai hết. Và đó là niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta hãy tiến bước với niềm tin tưỏng nơi sụ tha thứ, nơi tình yêu thương xót của Chúa Giêsu.
ĐTC đã chào các nhóm hành hương nói tiếng Pháp. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Malta, Nigeria, đảo Guam và Hoa Kỳ. Ngài cầu chúc mọi người trở thành dấu chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa và niềm hy vọng trong gia đình và trong cộng đoàn. Chào các nhóm nói tiếng Đức ĐTC nói mùa hè cống hiến cho chúng ta các dịp hay đẹp để sống kinh nghiệm niềm vui sống tình yêu của Chúa Kitô trong gia đình và giữa bạn bè với nhau. Chúa dậy chúng ta yêu thương nhau, tha thứ và tận hiến cho tha nhân. ĐTC cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng như Ba Lan. Ngài hiệp ý với các tín hữu Ba Lan đi hành hương đền thánh Đức Bà Jasna Gora và xin Đức Mẹ Nữ Vương Ba Lan tiếp nhận sự mệt nhọc và lời cầu của họ để lấy được từ Chúa Giêsu các ơn lành tràn đầy cho họ, cho gia đình và quốc gia Ba Lan. Ngài chúc mọi người làm chứng nhân cho tình yêu, lòng thương xót và tha thứ của Chúa giữa lòng xã hội.
Chào các tín hữu đến từ Ai Cập, Thánh Địa và các nước nói tiếng A Rập ĐTC nhắc cho mọi người nhớ sứ mệnh đầu tiên và nền tảng của Giáo Hội là “một trạm cứu thương ngoài chiến trường” và là một nơi chữa lành, thương xót, tha thứ và là nguồn hy vọng cho mọi người khổ đau, tuyệt vọng, nghèo túng, tội lỗi và bị xã hội gạt bỏ.
Trong các nhóm nói tiếng Ý ĐTC chào các nữ tu thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm Clarét đang họp tổng tu nghị, các nữ tu Bác ái thánh Giovanna Antida chuẩn bị vĩnh thệ. Ngài cầu chúc các chị luôn là chứng nhân tươi vui của ơn gọi đời thánh hiến.
Chào đông đảo các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC cầu mong việc gặp gỡ các nơi giầu văn hoá nghệ thuật và niềm tin là dịp giúp họ hiểu biết chứng tá của biết bao nhiêu chứng nhân Tin Mừng, như thánh Lorenzo Giáo Hội mừng kính hôm nay. Ngài cầu chúc các người đau yếu kết hiệp các khổ đau của họ với thập giá của Chúa Giêsu để cứu rỗi thế giới. Ngài nhắn nhủ các đôi tân hôn biết xây dựng cuộc sống gia đình trên nền tảng vững chắc của lòng trung thành với Tin Mừng và Tình Yêu Thiên Chúa.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.
Tác giả bài viết: Linh Tiến Khải
Nguồn tin: vi.radiovaticana.va
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Matthêu Nguyễn Văn Phượng (Ðắc), Sinh năm 1808 tại Kẻ Lái, Quảng Bình, Trùm họ, Cũng như Anrê Dũng-Lạc, ngài dùng tên hiệu. Bị xử trảm (chết chém) ngày 26/05/1861 tại Ðồng Hới dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô...