Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam: ‘Noel không còn là lễ của riêng người Công giáo’
Đức Tổng Giám mục Giáo phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã trao đổi với VnExpress nhân dịp Giáng sinh.
– Từng làm cha xứ rồi đến Giám mục ở nhiều địa phận, cảm nhận của Đức Tổng Giám mục về việc chuẩn bị Noel của bà con Công giáo?
– Trong Công giáo có hai đại lễ là Giáng sinh (tưởng nhớ Chúa Giê su sinh ra) và Phục sinh (Chúa Giê su sống lại). Về ý nghĩa thì lễ Phục sinh quan trọng hơn. Nhưng về cách thể hiện thì Giáng sinh lớn hơn. Khắp nơi giáo dân đều chuẩn bị trang trí nên Giáng sinh tưng bừng và rộn ràng hơn lễ Phục sinh.
Tâm thế đón Giáng sinh của giáo dân toàn thế giới giống nhau. Nhưng cách thể hiện thì phụ thuộc vào tài chính của từng nơi, từng gia đình. Người có điều kiện thì mua sắm, trang trí tưng bừng hơn, người nghèo tổ chức đơn giản.
Ở TP HCM và các tỉnh thành phía Nam, việc trang trí thiên về hiện đại, ánh sáng và đa màu sắc. Miền Bắc lại trang trí thiên về tả chân, tức là tái dựng cảnh Chúa Giê su được hạ sinh đơn sơ trong máng cỏ, hang bò lừa. Điều này thể hiện rõ nhất ở hang đá được làm bằng mái tranh, giấy bổi…
Các dòng tu thì không đơn giản chỉ là trang trí mà còn diễn đạt, gửi gắm thông điệp cho người tham quan hiểu về ý nghĩa của Giáng sinh. Việc trang trí cho người ngoài đạo hiểu được ý nghĩa của Giáng sinh cũng dần được chú trọng. Và xã hội cũng đã có sự chuyển hóa theo chiều hướng chấp nhận cách phô diễn niềm tin của người Công giáo thông qua việc trang trí Giáng sinh.
– Ngài đánh giá như thế nào về sự lan tỏa không khí Giáng sinh tới cộng đồng, gồm cả người không theo Công giáo?
– Ban đầu, Giáng sinh chỉ là lễ dành cho người tin vào Đức Ki tô – đấng sáng lập ra đạo. Ở Bắc Phi do hầu hết người dân đều theo Công giáo nên vừa là lễ mang màu sắc tôn giáo, vừa trở thành lễ hội. Ở Nam Mỹ thì Giáng sinh là dịp để tặng quà cho nhau, mức tiêu thụ sản phẩm do đó cũng tăng vào dịp này và trở thành lễ hội dân gian.
Ngày nay, Giáng sinh – Noel dần được thương mại hóa ở một số nơi và trong nhiều lĩnh vực. Ở các nước tiên tiến, lễ là dịp phục vụ cho việc kinh doanh, giới thiệu, bán sản phẩm. Ở nhiều nước Phật giáo hay đạo Hồi, các doanh nghiệp khi quảng cáo sản phẩm cũng lồng ghép vào sự kiện Noel. Trên phương tiện truyền thông, Noel cũng được nhắc đến với mật độ ngày càng nhiều.
Còn ở Việt Nam, Noel giờ đã trở thành lễ hội của nhiều người, không còn phân biệt là lễ của người Công giáo nữa. Thông điệp lớn nhất mà lễ Giáng sinh truyền tải được là ý nghĩa của hòa bình. Khách quan mà nói, mọi người đón chào Noel đã sẵn sàng vứt bỏ đi những xích mích cá nhân, những mâu thuẫn về kinh tế, quan hệ xã hội…
– Nhiều người hưởng ứng Noel, nhưng chưa hiểu ý nghĩa, thông điệp của ngày này, mong Ngài giải thích rõ hơn?
– Đối với người tin vào Chúa thì sự ra đời của Chúa Giê su có nghĩa là nhân loại nhận một tặng phẩm. Chúa Giê su đến thế gian để bắt đầu một trang sử mới cho toàn thể nhân loại, theo nghĩa từ trời xuống, là một sứ giả được Chúa Cha phái đến để thay đổi thế giới. Dĩ nhiên Ngài không dùng giải pháp quân sự, chính trị nào mà chỉ đem đạo yêu thương đến thế gian.
Đạo yêu thương thì tôn giáo nào cũng rao giảng. Nhưng người Công giáo tin vào huấn lệnh của Chúa là con người yêu thương nhau bằng một tình yêu thiên linh chứ không phải chỉ yêu nhau bằng bản năng. Nói cho dễ hiểu hơn con người yêu thương nhau bằng lệnh của Thiên Chúa từ trời ban xuống.
Những người Công giáo đều nhận thức được lễ Giáng sinh là quan trọng nhất trong cuộc đời của mình. Giáo dân ngay khi còn nhỏ đã được giảng dạy giáo lý, trực tiếp tham gia vào các hoạt động Giáng sinh, đọc Kinh thánh và đều hiểu được ý nghĩa của mầu nhiệm này.
Sau này, nhiều người ngoại đạo hiếu kỳ về lễ Giáng sinh cũng đã tìm hiểu trên Internet hoặc trực tiếp trao đổi với các linh mục, tu sĩ, giáo dân. Nhiều dòng tu, giáo xứ, xóm đạo cũng kết hợp hướng dẫn khi người không theo Công giáo tham quan nhà thờ, hang đá. Nhưng để hiểu cặn kẽ về ý nghĩa đại lễ này thì phải tiếp cận với Thánh kinh, đọc sách và qua các kênh thông tin chính thức.
– Không chỉ người Công giáo, cả những người ngoại đạo cũng cảm nhận được không khí linh thiêng trong lễ Giáng sinh. Mọi người nên làm gì để được ban phước lành trong dịp này cũng như năm mới?
– Chúa Giáng sinh đến tạo một lịch sử mới, một cuộc sống mới nên những người tin vào Chúa phải chuẩn bị đón tiếp Ngài bằng một tâm hồn trong sạch. Trong đạo Công giáo, trước Giáng sinh một tháng là Mùa Vọng để mọi người tĩnh tâm, sám hối về những tội lỗi mình mắc phải. Hai tuần trước đại lễ, các linh mục cử hành bí tích giải tội cho giáo dân để thanh tẩy con người, xứng đáng lãnh nhận ơn lành.
Còn những người chưa tin vào Chúa thì chắc chắn Chúa cũng yêu thương và cũng muốn ban ơn lành. Miễn là người đó có thiện chí muốn làm lan tỏa tình thương và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là thông điệp mà ngay trong lễ Giáng sinh các Thiên Thần hát bên hang đá Bê lem: Vinh danh Thiên Chúa trên trời/ Bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Hạnh phúc của con người phụ thuộc vào thái độ hai chiều. Bao gồm việc mình sống cho xứng đáng, tôn vinh Thiên Chúa và phải luôn có tâm tính làm cho cuộc sống xung quanh mình, cho tha nhân, đồng loại ngày càng hạnh phúc, tốt đẹp hơn. Khi con người có được cảm nhận tốt nhất về tình thương yêu thì sẽ đối xử với nhau tích cực hơn.
Giáng sinh là thời gian người Công giáo dành cho việc cầu nguyện, thờ phụng, gặp gỡ và thăm hỏi nhau, giúp đỡ người nghèo, tặng quà hoặc tổ chức vui chơi cho các em nhỏ…. Trên thế giới, rất nhiều nơi đã cho người lao động, học sinh, sinh viên nghỉ từ một đến hai tuần vào dịp Noel.
– Ngài mong muốn điều gì cho cộng đồng, đất nước trong mùa Noel, năm mới?
– Theo xác tín của cá nhân tôi, đạo của Chúa Giê su có thể giải quyết được nhiều rắc rối, thử thách của nhân loại. Nói một cách đơn giản, nếu mọi người đều yêu thương nhau theo tinh thần của Chúa Giê su đem đến thì sẽ thịnh vượng và có cuộc sống bình an. Đó cũng là điều tôi muốn cầu chúc cho tất cả mọi người.
Nguyễn Đông
Nguồn: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Micae Hồ Ðình Hy, Sinh năm 1808 tại Như Lâm, Thừa Thiên, Giáo dân, Quan Thái Bộc, bị xử trảm ngày 22 tháng 5 năm 1857 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức. Đức Piô X suy tôn quan Thái bộc Hồ Đình Hy lên bậc Chân Phước ngày 02-05-1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên...