Chờ đợi nhưng phải tỉnh thức – Chủ nhật I MV B

Tại chùa Tô Châu, có một nhà sư tên Viên Phủ Trung, tu hành đắc đạo, nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 5 tấc, có một cái nắp đậy mở được.

Khách  đến  chơi trông thấy cười và nói rằng:

-“Ngài chế ra cái này dùng để làm gì?”.

Vị sư trả lời:

– “Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Ta thực lấy làm lạ: người đời ai ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời chẳng biết cái chết là gì!

Như ta đây, mỗi khi có việc không được như ý, ta cầm lấy cái này mà ngắm xem, là tức khắc trong lòng được yên ổn, mà muôn nghìn sự tư lự đều biến tan đi” (trích trong sách Lẽ Sống).      

Nhà sư Viên Phủ Trung quả là một con người biết đón chờ cái chết trong sự tỉnh thức:

 

  1. Mùa Vọng là gì?

Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta bước vào Mùa Vọng.

Nói đến Mùa Vọng, người ta nghĩ ngay đến sự chờ đợi. Nhưng là chờ đợi trong hy vọng.

Nơi cuộc đời của mỗi người, chúng ta cũng đã trải qua rất nhiều lần chờ đợi, hay chính bây giờ, vẫn đang chờ một cái gì đó!

Sự chờ đợi có thể là tích cực, và cũng có thể là tiêu cực.

Nếu sự chờ đợi mà biết chắc nó sẽ đến, thì trong lòng luôn háo hức, mong ngóng và đợi trông giây phút đó sớm đến. Khi đến, nó sẽ đem lại niềm vui mừng khôn xiết.

Nếu sự chờ đợi mà biết chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra thì đây là một sự chờ đợi trong thất vọng.

Với người Công Giáo, Giáo Hội mời gọi con cái mình sống tinh thần Mùa Vọng trong niềm vui vì chúng ta có niềm hy vọng nơi sự chờ đợi.

Niềm hy vọng ấy là: ngoài việc sống lại tinh thần của dân Dothái khi xưa đón đợi Chúa Cứu Thế, chúng ta còn được mời gọi sống tinh thần đón đợi Ngài đến với mỗi người cũng như nhân loại qua ngày cánh chung lần thứ hai trong vinh quang, oai hùng, khải hoàn với tư cách là vị Vua quyền năng, chí công và xót thương để phán xét và thưởng công mỗi người.

Như vậy, sống tinh thần Mùa Vọng không chỉ dừng lại nơi quá khứ để hoài niệm về một biến cố! Nhưng nó còn đi xa hơn, đó là giúp chúng ta đi vào trọng tâm của sứ điệp yêu thương mà Thiên Chúa ban tặng cho con người nơi Mầu Nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Từ đó, chúng ta được mời gọi chuẩn bị tâm hồn thật tương xứng với hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa trao tặng cho con người.

  1. Chờ đợi nhưng phải thức

Như đã trình bày ở trên, Mùa Vọng là mùa chờ đợi, nhưng sự chờ đợi của chúng ta phải luôn gắn liền với tinh thần tỉnh thức.

Tuy nhiên, tỉnh thức như thế nào cho xứng hợp với tinh thần của Mùa Vọng?

Thưa, trước hết: cần loại bỏ những thứ đam mê của tội lỗi. Nếu mải mê và chạy theo cám dỗ và ngủ lỳ trong tội, thì con người sẽ trở nên bạc nhược. Bởi vì, tội lỗi được ví như bức màn che lấp con mắt tâm linh; như hòn đá cản lối bước đi; như đám bèo cản dòng sông chảy….

Thứ đến: cần loại bỏ danh vọng. Danh vọng là thứ rất hấp dẫn con người. Nó làm cho con người nhiều khi mất cả nhân cách để đi tìm cho được danh vọng. Vì thế, đã không ít người tìm đủ mọi cách như nói xấu, vu vạ người khác, hay mua chuộc, kéo bè kéo cánh…, để miễn sao đạt được danh vọng. Tuy nhiên, có những thứ danh vọng hão huyền, nhưng con người lại cứ mê mẩn chạy theo. Chính vì vậy nên họ đi hoài, đi mãi mà không tới đích, đến khi hết giờ mới chợt nhận ra mình đã đi theo ảo vọng.

Tiếp theo: cần loại bỏ những bóng đêm của ham mê xác thịt. Hấp lực của giới tính nó có thể làm thăng hoa con người, để mỗi người sống hài hòa với nhau và cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng. Tuy nhiên, nó cũng là con dao hai lưỡi cho những ai thượng tôn nó! Khi đã ưu tiên cho nó ở vị trí đặc biệt, thường nó sẽ làm cho chúng ta nhu nhược và sa đà vào những con đường ăn chơi xa đọa, làm mất đi ý nghĩa nguyên thủy khi lý trí đã bị thuần hóa….

Hơn nữa: cần loại bỏ thói ích kỷ. Ích kỷ là chỉ biết nghĩ cho mình, không biết quan tâm đến người khác. Người sống trong sự ích kỷ được ví như con ốc thu mình trong cái vỏ bọc dầy cộm của mình, nên họ thường hay rơi vào tình trạng bảo thủ, kiêu ngạo và thiếu sự liên đới, quan tâm đến anh chị em. Sự ích kỷ được ví như con đường cụt, hay ao tù. Nó sẽ làm cho con người bị cùng đường không lối thoát hay phải sống chung với những xú uế nhơ nhớp….

Cuối cùng: loại bỏ những tham lam về tiền của cách thái quá. Người ta thường nói: đồng tiền liền với ruột. Vì thế, con người thường chạy đua trong cuộc chiến kiếm tiền. Vì tiền, nhiều người đã bất chấp tất cả, ngay cả khi phải cướp đi mạng sống của người vô tội; hay buôn gian bán lận; lừa đảo…. Chính vì thế, đồng tiền nó đã làm lu mờ lương tâm, và lẽ tất yếu, không còn nhạy bén với ơn Chúa nữa.

Như vậy, chúng ta có thể nói, Mùa Vọng là mùa tỉnh thức. Tuy nhiên, tỉnh thức là phải biết phân định để chọn cho mình những gì phù hợp với giá trị Tin Mừng.

  1. Sứ điệp Lời Chúa

Trong đời sống thực tế hôm nay nơi con cái của Giáo Hội cũng như của nhân loại nói chung, người ta quá dửng dưng với tinh thần tỉnh thức. Người ta rất ngại nói hay bàn tới những chuyện đạo đức! Như vậy, đồng nghĩa với việc con người ít quan tâm đến chuyện đời sau!

Nhiều người có suy nghĩ rằng: đời còn dài, chưa đi đâu mà vội! Vì thế, họ thường viện đủ mọi lý do để “đáo hạn” với Chúa.

Tuy nhiên, sự thật đã chứng minh cho thấy: đã có biết bao cuộc ra đi quá bất ngờ! Mới tối qua còn chung mâm, đêm chung giường, thế mà sáng dạy, một người đã ra đi vĩnh viễn. Hay cũng có những trường hợp vừa mới tay bắt mặt mừng vì những thành công, chiến thắng…, nhưng chỉ trong chốc lát, tin tử nạn đã được báo về. Hoặc có biết bao người khỏe mạnh, béo tốt, nhưng chỉ một cơn gió thoảng qua cũng đã làm cho họ trở nên bất động. Rồi biết bao người làm lớn, lắm tiền, nhiều bạc, ăn uống sung túc, cuộc sống giàu sang…, nhưng chỉ tích tắc đã để lại tất cả và ra đi với hai bàn tay trắng!

Từ những thực tế ấy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay gửi đến cho mỗi chúng ta, đó là: “Hãy tỉnh thức”; “hãy sẵn sàng”.

Tỉnh thức để đón chờ Chúa đến. Ngày đó đến như kẻ trộm lúc đêm khua; như câu chuyện lụt hồng thủy thời ông Noe; thình lình như chuyện hai người đàn ông đang làm ruộng hay hai người đàn bà đang kéo cối xay, một người được đem đi và người kia bị bỏ lại.

Nếu không tỉnh thức, chắc chắn chúng ta sẽ không thể là người được cứu sống như những người được ở trong tàu ông Noe. Không tỉnh thức, căn nhà tâm hồn của chúng ta cũng sẽ bị đào ngạch, khoét vách để kẻ trộm lấy đi những giá trị tâm linh của mình. Và, nếu không tỉnh thức, chúng ta cũng sẽ bị để lại như những người bất hạnh….

Mong sao trong Mùa Vọng này, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để thức tỉnh lương tâm, biết nhạy bén với những dấu chỉ để ăn năn sám hối, ngõ hầu không bị vướng mắc vào cạm bẫy của ma quỷ khi chủ trương cho rằng: đời còn dài, cứ ăn chơi trác táng, đến đâu lo đến đó. Nghĩ như thế, ấy là chúng ta đã mắc câu của Satan, và lẽ tất yếu, mỗi người sẽ phải lãnh bản án mà Thiên Chúa cũng đã dành cho thế giới của chúng khi xưa, đó là bị ném vào nơi khóc lóc và nghiến răng.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết tỉnh thức để đón đợi ngày Chúa đến với chúng con trong vinh quang của ngày cánh chung với tâm hồn trong sạch và tinh thần sẵn sàng. Amen.

 

Tác giả bài viết: Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, SS

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tiểu sử các Thánh mang tên Xóm

Matthêu Nguyễn Văn Phượng (1808-1861) 

Matthêu Nguyễn Văn Phượng (Ðắc), Sinh năm 1808 tại Kẻ Lái, Quảng Bình, Trùm họ, Cũng như Anrê Dũng-Lạc, ngài dùng tên hiệu. Bị xử trảm (chết chém) ngày 26/05/1861 tại Ðồng Hới dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô...

LOGO PHỤNG VỤ
Linh mục quản xứ
lm1
GIUSE HUỲNH ĐÌNH HÀO
GIỜ LỄ
gio le 1
Kết nối mạng xã hội
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Đăng nhập thông qua Facebook
KẾT NỐI

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây