Bài giảng trong Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại TGP Huế

20062018khaimac 5


Kính thưa anh chị em quý mến trong Chúa Kitô.

Thật là một cảnh tượng đẹp tuyệt vời, hiếm thấy, trong buổi tối hôm nay. Buổi tối mà toàn thể TGP Huế, với ánh nến lung linh huyền ảo, linh thiêng, lần đầu tiên kiệu rước cung nghinh trọng thể 16 vị tiền nhân anh dũng tử vì đạo trên quê nhà giáo phận, hòa nhịp với anh chị em giáo hữu trên toàn quốc, khai mạc Năm Thánh tôn vinh 117 Vị Tử Đạo tại Việt nam.

Thật là đẹp! Xin Tạ ơn Thiên Chúa và vui mừng hãnh diện vì những chứng nhân anh dũng, cha ông chúng ta, dám sống mầu nhiệm hạt lúa được gieo vào lòng đất, chấp nhận chết đi để mang lại nhiều hoa trái (x. Ga 12,23-25).

Hình ảnh của buổi tối khai mạc Năm Thánh tôn vinh các Đấng Tử Đạo hôm nay gợi nhớ sự kiện cách đây đúng 30 năm, tại quảng trường Phêrô rộng lớn, ngày 19.6.1988, vị cha chung hoàn vũ là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị, đã chia sẻ niềm vui với con dân đất Việt đang tề tựu trong lễ phong hiển thánh 117 vị tử đạo Việt Nam, với những lời chúc bất hủ như sau: “Anh chị em là dòng giống các vị Tử đạo! Anh chị em là dòng giống những người được tuyển chọn! Nguyện chúc cho mùa lúa vàng của anh chị em muôn năm tồn tại trong hoan lạc!”.

Thật đáng tự hào được làm con dòng cháu giống của 117 Vị Hiển thánh ấy, gồm 8 vị giám mục, 50 linh mục, 59 giáo dân, trong số đó có một phụ nữ là Thánh Anê Lê Thị Thành mẹ của sáu người con. Đây chỉ là con số tiêu biểu cho hơn 300 ngàn Vị Tử Đạo trong thời gian 300 năm Giáo Hội Việt Nam bị bách hại. Thật vậy, trải qua sáu triều Vua: Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, 6 triều vua với 53 sắc dụ cấm đạo đã cướp đi mạng sống của trên 130 ngàn người Công Giáo được ghi nhận trong sổ sách.

Đó là chưa kể con số rất đông các tín hữu bị chết mất tích trong các đợt bắt Đạo vì lưu đày, từng trăm ngàn người đã chết lưu lạc trên núi, trong rừng sâu nước độc mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kể ra trong bài giảng tuyên phong Hiển thánh sáng hôm ấy!

Đó còn là chưa kể rất nhiều tín hữu phải chết do cuộc Phân Sáp dưới triều Vua Tự Đức. Đó cũng  là chưa kể con số hơn mười mấy vạn người Công Giáo bị chết khi Phong trào Văn Thân nổi lên, mà hôm nay, chỉ cần rảo mắt một vòng quanh khắp hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng trị, đó đây vẫn còn thấy những lăng mộ ghi danh các Vị tử vì đạo, đó đây còn thấy như hiển hiện những dấu tích của máu chảy đầu rơi, thiêu sống, có khi thiêu sống cả 6, 7 trăm người một lượt như ở Giáo xứ Trí Bưu dạo nào.

Như thế, con số Tử Đạo phải tính lên đến 300 ngàn người trong vòng 300 năm, 3 thế kỷ. Nếu tính theo tỷ lệ, 100 năm có 100 ngàn Vị Tử Đạo. Và theo tỷ lệ này, cứ một năm, có một ngàn Vị Tử Đạo; và cứ một ngày, có hơn hai Vị Tử Đạo! Đến độ tác giả  cuốn “Lịch Sử Những Cuộc Bách Hại Đạo tại Việt Nam”, ông Trần Minh Tiết, một luật sư Việt Nam nổi tiếng ở Pháp, viết: “Các Vị Tử Đạo Việt Nam, nếu xếp hàng 4 mà diễu hành trước khán đài, thì phải kéo dài tới 6 tiếng đồng hồ”.

Chúng ta hãnh diện tự hào vì có  các thánh tử đạo là tiền nhân, là cha ông. Phải! Thư mục vụ của HĐGMVN viết: “Năm 2018, Giáo Hội Việt Nam sẽ kỷ niệm 30 năm Toà Thánh nâng 117 Vị Tử Đạo lên hàng Hiển thánh. Đây là một dấu son trong lịch sử và là niềm tự hào của Giáo Hội Việt Nam”. Nhưng chúng ta sẽ tự hào về điều gì nơi các thánh tử đạo Việt Nam? Cái chết của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam có gì là độc đáo so với những cái chết vì lý tưởng, vì tôn giáo mà tôn giáo nào cũng có, triết thuyết nào cũng có, ý thức hệ nào cũng có! Đâu là nét độc đáo của những cái chết cao đẹp anh dũng của các thánh tử đạo tại Việt Nam, và Các Thánh Tử Đạo trên khắp hoàn vũ?

Thưa đó là tình yêu. Nét độc đáo nơi cái chết của các ngài là tình yêu. Một tình yêu mà Chúa Giêsu, Đấng sáng lập Giáo Hội, chính Ngài, chính ngài đã rao giảng, đã sống và đã chết cho lý tưởng tình yêu ấy.

Nhiều người đã lầm to khi cứ nghĩ là Chúa Giêsu ảo tưởng, xảo ngôn, nói cho có, khi dạy bảo hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. (x.Lc 6,28). Hóa ra Người nói thật, và Người thực hành điều loan báo ngay trên chính bản thân mình.

Martin Luther King, nhà cách mạng giải phóng nạn kỳ thị chủng tộc da đen của Mỹ, cũng là một mục sư Tin Lành đạo đức, đã giảng thâm thúy về biến cố tình yêu tha thứ của Chúa Giêsu trên đồi Canvê  như sau: “Nét đẹp tuyệt vời nhất của Chúa Giêsu là khi trên Thánh giá, phải chịu đóng đinh, đầu đội vòng gai, đau đớn khôn xiết, thì thay vì nguyền rủa, oán hờn, tru tréo, Người đã ngẩng đầu lên cầu nguyện với Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ chẳng biết việc họ làm”. Ðây đích thực là đỉnh cao của tình yêu, là giờ đẹp nhất của Ðức Giêsu, vì Người đã làm cho cái không tưởng trở thành cái hiện thực, làm cho cái sự dữ xấu xa trở thành lời chúc phúc chúc lành, làm cho cái chết tủi nhục đau thương trở thành sự sống và sống tràn trào phong nhiêu.

Bị đóng đinh vì hận thù, Người đáp lại bằng tình yêu.

Bởi đó mà từ cái chết thấm đẫm tình yêu trên đồi cao năm xưa ấy, cái chết ấy trở thành một cái chết lên tiếng gọi mời: tình yêu gọi mời tình yêu, “nhìn Chúa đẫm máu trên đồi cao, từng đoàn người anh dũng tiến ra pháp trường”. Họ anh dũng tiến ra pháp trường bởi vì họ thấm cảm chân lý này: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” (Ga 15,18-19)

Không gì rõ hơn nữa, cái thế gian mà Thiên Chúa đã yêu thương đến nỗi trao ban chính Con Một cho họ, thì thế gian ấy đã giết chết người Con yêu dấu! Vậy đó, vậy mà Thiên Chúa vẫn yêu thương và yêu thương họ đến cùng. 

Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam đã đi vào quỹ đạo của tình yêu ấy, lấy yêu thương xóa tan hận thù, lấy cái chết hiến mạng cho người mình yêu: người mình yêu đó là Thiên Chúa cao cả, là quê hương dân tộc yêu dấu, là những con người và gia đình làng xóm ruột thịt. 

Phải, yêu mến Thiên Chúa nên các Ngài sẵn sàng đổ máu ra minh chứng cho một niềm tin son sắt, như một Phaolô TỐNG VIẾT BƯỜNG người Phủ Cam cứ mỗi lần  bị đem ra tra khảo về niềm tin và buộc bỏ đạo. Bao giờ ông cũng trả lời: “Lâu nay tôi chỉ thờ một Thiên Chúa dựng nên vạn vật, lẽ nào bây giờ lại bỏ Chúa tôi?”. Hay như một Giuse Lê Đăng Thị Giáo xứ Kẻ Văn, làng Văn Quỹ, Quảng Trị khi sắp bị hành hình đã kêu lớn tiếng: “Vạn phúc! Vạn phúc! Tôi sắp được tử đạo”. Có ai sắp bị đem chém mà lại reo lên cách vui mừng như thế!

Các ngài còn là người yêu mến quê hương dân tộc hết lòng, nên một quan thái bộc như Micae Hồ Đình Hy, người Nhu Lâm, tỉnh Thừa Thiên Huế tâu vua:” “Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước. Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô.”

Hay như một cai đội Nguyễn Văn Trung làng Phan Xá, tỉnh Quảng Trị, cương quyêt không bước qua Thập giá, không bỏ đạo, trái lại còn dõng dạc tuyên bố:“Tôi là người Công giáo. Tôi sẵn sàng đi đánh giặc để bảo vệ tổ quốc, nhưng không bao giờ tôi bỏ đạo”.

Một sự biện phân tuyệt vời, đâu ra đó. Đừng gán ép vu khống là Các Thánh Tử Đạo không yêu nước thương nòi. Xin đừng! phải nói ngược lại mới đúng, các ngài yêu quê hương dân tộc hơn ai hết, xây dựng quốc gia và làm rạng danh giống nòi Lạc Hồng, lưu danh sử sách đến muôn đời, hơn ai hết.   

Và Các Thánh Tử Đạo còn là người yêu gia đình, ăn ở như bát nước đầy với người làng trên xóm dưới, nên đã được mọi người quý mến.  Khi Thánh Micae HỒ ĐÌNH HY trên đường bị dẫn độ ra pháp trường để chém đầu, bà con lương giáo đều đi tiễn biệt, đều bùi ngùi thương tiếc vị quan thanh liêm tốt bụng.

Kính thưa anh chị em,

Lời chúc thiêng liêng của vị Thánh Giáo Hoàng trong lễ phong hiển thánh 117 vị anh hùng tử đạo Việt Nam sáng ngày 19.6.1988, vẫn vang vọng một thông điệp được gửi đến cho mỗi người chúng ta, nhân ngày khai mạc Năm Thánh này: “Anh chị em là dòng giống các vị Tử đạo! dòng giống những người được tuyển chọn“. Phải rồi! Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Mỗi người chúng ta hãy noi gương các ngài, sống tinh thần của các ngài: tinh thần của Tin Mừng, giá trị của Tin Mừng, là yêu thương, tha thứ, phục vụ, quên mình….nhất là trong giai đoạn các giá trị tinh thần cao quý đang ngày càng xuống dốc ở xã hội Việt Nam, làm băng hoại tàn phá các mối tương quan tốt đẹp giữa người với người, giữa gia đình và xã hội, mà theo cách ví von của Thánh Augustinô, có một cuộc xung đột giữa hai tình yêu: một bên là lòng yêu mến Thiên Chúa đến độ coi rẻ chính mình và một bên là lòng yêu mình đến độ coi rẻ Thiên Chúa.

Chỉ có những giá trị của Tin Mừng yêu thương mà Các Thánh Tử Đạo đã một lần đổ máu ra để minh chứng, những giá trị đó sẽ làm cho con người nên người hơn, nhân văn hơn, hạnh phúc hơn. Những giá trị Tin Mừng đó sẽ làm cho xã hội an bình trật tự hơn, nề nếp hơn, vì được dựng xây trên nền tảng của tình thương, công lý và sự thật.

Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã can đảm phi thường làm chứng cho Chúa. Xin giúp chúng con hôm nay biết sống cho Đạo, đạo làm người và Đạo làm con cái Chúa, để trở thành chứng tá như cha ông ngày xưa. Amen

 

Tác giả bài viết: Linh mục Đaminh Phan Hưng

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tiểu sử các Thánh mang tên Xóm

Anrê Trần Văn Trông (1814-1835)

Anrê Trần Văn Trông, sinh 1814 tại Kim Long, Huế; chết 28 tháng 11, 1835 tại An Hòa, Huế. Anrê Trông là một binh sĩ trẻ tuổi, một thợ dệt tơ của nhà vua, và thuộc Hội Thừa Sai Balê. Khi triều đình khám phá ra sự liên hệ này năm 1834, ngài bị bắt, bị truất hết chức tước, và bị giam...

LOGO PHỤNG VỤ
Linh mục quản xứ
lm1
GIUSE HUỲNH ĐÌNH HÀO
GIỜ LỄ
gio le 1
Kết nối mạng xã hội
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Đăng nhập thông qua Facebook
KẾT NỐI

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây