Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Trong số các người tham dự cũng có một số tín hữu Việt Nam.
Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển đề tài giáo lý bí tích Rửa Tội là cánh cửa của niềm hy vọng. Ngài giải thích đoạn thư thánh Phaolo gửi tín hữu Galát viết rằng: “Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô” (Gl 3,26-28).
Mở đầu bài huấn dụ ĐTC cho tín hữu biết xưa kia các nhà thờ đều quay về hướng đông. Cửa vào ở hướng tây, nhưng khi đi dọc theo lòng nhà thờ tín hữu hướng về phiá đông. Biểu tượng quan trọng này đối với người xưa theo dòng lịch sử đã mai một từ từ. Là những người thời đại tân tiến chúng ta rất ít quen tiếp nhận các dấu chỉ của vũ trụ, và hầu như không bao giờ nhận ra một đặc điểm loại này. Phiá tây là điểm chiều tà, nơi ánh sáng chết lịm. Phiá đông, trái lại, là nơi bóng tối bị chiến thắng bởi ánh sáng đầu tiên của hừng đông, và nhắc cho chúng ta nhớ tới Chúa Kitô, Mặt Trời mọc lên từ chân trời của thế giới (x. Lc 1,78).
Các lễ nghi xưa kia của bí tích Rửa Tội dự kiến rằng các tân tòng nói lên phần đầu của việc tuyên xưng đức tin bằng cách đứng quay về phiá tây. Chính trong thế đứng đó họ được hỏi: “Anh em có từ bỏ Satan, việc phục vụ nó và các việc làm của nó không?” Các kitô hữu tương lai trả lời: “Thưa con từ bỏ”. Rồi họ hướng về phiá cung thánh ở hướng đông, là nơi nảy sinh ánh sáng, và các ứng viên lãnh bí tích Rửa Tội được hỏi: “Anh em có tin vào Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần không?” Lần này họ trả lời: “Con tin”.
** Trong thời đại tân tiến chúng ta đã đánh mất đi phần nào sự hấp dẫn của lễ nghi này: chúng ta đã đánh mất đi sự nhậy cảm đối với ngôn ngữ của vũ trụ. Dĩ nhiên là chúng ta vẫn còn tuyên xưng đức tin với câu hỏi riêng của việc cử hành vài bí tích. Nó còn nguyên vẹn trong ý nghĩa của nó. Nhưng là kitô hữu có nghĩa là gì? ĐTC trả lời:
Nó muốn nói rằng nhìn ánh sáng, tiếp tục tuyên xưng niềm tin vào ánh sáng, cả khi thế giới bị bao trùm bởi đêm đen và bóng tối.
Các kitô hữu không được miễn trừ khỏi bóng tối, bên ngoài cũng như bên trong. Họ không sống ngoài thế giới, nhưng nhờ ơn thánh của Chúa Kitô đã nhận lãnh trong bí tích Rửa Tội, họ là những người nam nữ “được định hướng”: họ không tin vào bóng tối nữa, nhưng tin vào ánh sáng ban ngày; họ không ngã quỵ trước tối tăm, nhưng tin vào bình minh; họ không bị cái chết đánh bại, nhưng hướng tới việc sống lại; họ không bị bẻ gẫy bởi sự dữ, bởi vì họ luôn tin tưởng nơi các khả thể vô tận của sự thiện.
Đó là niềm hy vọng kitô của chúng ta. Ánh sáng của Chúa Giêsu, ơn cứu rỗi mà Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta với ánh sáng của Ngài và cứu chúng ta khỏi bóng tối.
ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: chúng ta là những người tin rằng Thiên Chúa là Cha: đó là ánh sáng! Chúng ta không mồ côi, chúng ta có một Cha và Cha chúng ta là Thiên Chúa. Chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã xuống giữa chúng ta, đã bước đi trong chính cuộc sống của chúng ta, trỏ thành người đồng hành, nhất là với những người nghèo nàn và giòn mỏng nhất : đó là ánh sáng! Chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần hoạt động không ngừng cho thiện ích của nhân loại và của thế giới, và cả các đớn đau lớn nhất của lịch sử cũng sẽ được vượt thắng: đó là niềm hy vọng nâng chúng ta dậy mỗi sáng! Chúng ta tin rằng mỗi trìu mến, mỗi tình bạn, mỗi ước mong tốt lành, mỗi tình yêu thương, kể cả những tình yêu thương nhỏ bé và bị bỏ rơi nhất, một ngày kia sẽ tìm thấy sự thành toàn của chúng nơi Thiên Chúa: đó là sức mạnh thúc đẩy chúng ta hăng say ôm vào lòng cuộc sống mỗi ngày!
** Và đó là niềm hy vọng của chúng ta: sống trong hy vọng và sống trong ánh sáng, trong ánh sáng của Thiên Chúa Cha, trong ánh sáng của Chúa Giêsu Cứu Thế, trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, là Đấng thúc đẩy chúng ta tiến tới trong cuộc sống.
Thế rồi còn có một dấu chỉ khác nữa rất đẹp của phụng vụ rửa tội nhắc cho chúng ta biết tầm quan trọng của ánh sáng. Vào cuối lễ nghi một cây nến, mà ánh sáng của nó được lấy từ cây nến phục sinh, được trao cho cha mẹ - nếu đó là một em bé - hay cho chính người đuợc rửa tội, nếu họ là người lớn. ĐTC giải thích thêm như sau:
Đây là cây nến lớn mà trong đêm lễ Phục Sinh vào trong nhà thờ hoàn toàn tối để biểu lộ mầu nhiệm Phục Sinh của Giêsu. Từ cây nến này mọi người đều thắp sáng lên cây nến của mình và chuyền ánh sáng cho các người bên cạnh: trong dấu chỉ này có việc lan truyền sự Phục Sinh của Chúa Giêsu trong các cuộc sống của tất cả mọi kitô hữu. Sự sống của Giáo Hội là sự lây nhiễm của ánh sáng. Cuộc sống của Giáo Hội – tôi sẽ nói một từ hơi mạnh một chút – cuộc sống của Giáo Hội là sự lây nhiễm của ánh sáng. Kitô hữu chúng ta càng có nhiều ánh sáng của Chúa Giêsu bao nhiêu, trong Giáo Hội càng có nhiều ánh sáng của Chúa Giêsu bao nhiêu, thì Giáo Hội lại càng sống động bấy nhiêu. Cuộc sống của Giáo Hội là sự lây nhiễm cuả ánh sáng.
Khích lệ đẹp nhất mà chúng ta có thể trao cho nhau là sự khích lệ luôn nhớ tới bí tích Rửa Tội của chúng ta. Tôi muốn hỏi anh chị em: có bao nhiêu người nhớ ngày rửa tội của mình? Đừng trả lời vì có người sẽ xấu hổ! Anh chị em hãy nghĩ xem…”Con không nhớ”. Tốt, hôm nay, các bài làm ở nhà đây, hãy đến hỏi mẹ, hỏi cha, hỏi dì, hỏi cậu, hỏi ông nội bà ngoại xem “Con được rửa tội ngày nào vậy?” Và như thế anh chị em sẽ không quên nữa! Đã rõ chưa? Anh chị em có làm điều này không? Hôm nay anh chị em học hay nhớ ngày rửa tội của mình, là ngày sinh, là ngày của ánh sáng là ngày, trong đó chúng ta đã bị lây nhiễm bơi ánh sáng của Chúa Kitô. Bài tập ở nhà đấy nhé, nhớ lại ngày rửa tội của mình. Rõ chưa? Tốt lắm.
Chúng ta được sinh ra hai lần: lần đầu tiên vào trong cuộc sống tự nhiên, lần thứ hai nhờ gặp gỡ với Chúa Kitô, trong giếng rửa tội. Ở đó chúng ta đã chết cho cái chết, để sống như con cái của Thiên Chúa trong thế giới này. Ở đó chúng ta đã trở thành người như chưa bao giờ chúng ta có thể tưởng tượng. Đó là lý do tại sao chúng ta tất cả đều phải phổ biến hương thơm của Dầu mà chúng ta đã được xức ngày lãnh bí tích Rửa Tội. Sống và hoạt động trong chúng ta Thần Khí của Chúa Giêsu là trưởng tử của nhiều anh em, của tất cả những người đối lập với sự không thể chống trả của bóng tối và cái chết.
** Thật là ơn thánh nào, khi một kitô hữu thực sự trở thành một “cristoforo” Cristoforo có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là một người mang Chúa Giêsu, vào trong thế giới! Nhất là đối với những người đang trải qua các tình trạng tang chế, tuyệt vọng, tối tăm và thù hận. Và người ta hiểu được điều này từ biết bao nhiêu sự nhỏ nhặt: từ ánh sáng mà một kitô hữu giữ gìn trong đôi mắt, từ sự thanh thản sâu thẳm không bị trầy xước trong những ngày phức tạp nhất, từ ước muốn bắt đầu yêu thương trở lại và bước đi tuy đã sống kinh nghiệm của biết bao thất vọng. Trong tương lai khi người ta sẽ viết lịch sử thời đại của chúng ta, người ta sẽ nói gì về chúng ta? Rằng chúng ta đã có khả năng hy vọng, hay chúng ta đã đặt ánh sáng của chúng ta dưới cái thùng? Nếu chúng ta trung thành với bí tích Rửa Tội của mình, chúng ta sẽ phổ biến ánh sáng niềm hy vọng của Thiên Chúa. Bí tích Rửa Tội là khởi đầu của niềm hy vọng, niềm hy vọng của Thiên Chúa và chúng ta sẽ có thể truyền lại cho các thế hệ tương lai các lý lẽ của cuộc sống. Và để tôi không quên, đâu là bài làm ở nhà vậy? Anh chị em nói đi chứ? Tôi chả nghe thấy gì cả, hãy nhớ ngày rửa tội của mình!
ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Pháp,
Haiti, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nigeria, Iraq, Nhật Bản, Hoa Kỳ, đặc biệt là tín hữu Toà Thượng Phụ Canđê do ĐC Shlemon Warduni hướng dẫn. Ngài cầu mong trong mùa hè nghỉ ngơi mọi người có dịp nhớ lại ngày mình lãnh nhận bí tích Rửa Tội và được sinh vào cuộc sống là con cái Thiên Chúa.
Chào các tín hữu Ba Lan ĐTC nhớ lại kỷ niệm của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm ngoái. Ngài nói tôi cảm tạ Chúa về đức tin hăng say của người trẻ mà Chúa Thánh Thần đã dấy lên trong các ngày ấy và tiếp tục củng cố trong tim họ. Ước chi họ là các lính canh của niềm hy vọng cho các thế hệ tương lai! Tôi cũng nhớ tới gương mặt của ĐHY Frantisek Macharski mà hôm nay là kỷ niệm một năm ngài qua đời. Ký ức về vị chủ chăn vĩ đại này thật sống động. Ngài đã là người tận hiến cho con người trong niềm tin tưởng nơi Chúa Giêsu từ bi.
Trong số các tín hữu Ý ĐTC chào đặc biệt các nữ tu Phan Sinh thừa sai Thánh Tâm, các nữ tu thiên thần của thánh Phaolô, các nữ tu Murialde của thánh Giuse, về Roma tham dự tổng tu nghị. Ngài cũng chào các nhóm giáo xứ và hiệp hội, cách riêng hiệp hội hợp tác xã Auxilium và các trẻ em được hội trợ giúp. ĐTC cầu chúc chuyến viếng thăm Roma gia tăng nơi mỗi người uớc muốn dấn thân tin vào Chúa Giêsu và Tin Mừng của Chúa hơn. ĐTC nhắc lại bài tập ngài đã ra cho mọi người làm ở nhà là nhớ lại ngày chịu Phép Rửa Tội của mình. Ngài cầu mong giới trẻ, các người đau yếu và các đôi tân hôn đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng và lòng tín thác nơi tình yêu của Chúa.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người
Tác giả bài viết: Linh Tiến Khải
Nguồn tin: vi.radiovaticana.va
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (Năm) là một y sĩ và là thầy giảng; sinh năm 1768 tại Mỹ Hương, Quảng Bình; chết 10 tháng 7 năm 1840 tại Ðồng Hới. Ngài bị bắt năm 1838 vì thuộc Hội Thừa Sai Balê. Trong hai năm tù ngài chăm lo cho các tù nhân và chịu đựng nhiều cuộc tra tấn. Bị xử giảo (thắt...