Sứ điệp Phục sinh 2018 của Đức Thánh Cha Phanxicô

Sau Thánh lễ Phục sinh, vào đúng giữa trưa, ĐTC bắt đầu phần thứ 2 của buổi lễ, tức là nghi thức công bố sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành với ơn toàn xá cho Roma và toàn thế giới, gọi là ”Urbi et Orbi”.

ĐTC xuất hiện trên bao lớn chính của đền thờ thánh Phêrô, giữa tiếng vỗ tay hân hoan của các tín hữu, trong khi ban nhạc của quân đội Italia và tòa thánh trổi quốc thiều Vatican và Italia. Hai vị Hồng y phó tế tháp tùng ĐTC là ĐHY Renato Martino, trưởng đẳng phó tế, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh công lý và hòa bình, và ĐHY Raffaele Farina, dòng Don Bosco, nguyên là thư viện trưởng và văn khố trưởng của Tòa Thánh Vatican.

Sau đây là nguyên văn sứ điệp Phục sinh của ĐTC:

Anh chị em thân mến, chúc mừng Lễ Phục sinh!

Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết.

Lời loan báo này vang dội trong Giáo Hội trên toàn thế giới, cùng với bài ca Alleluia: Đức Giêsu là Chúa, Chúa Cha đã cho Ngài sống lại và Ngài sống mãi mãi giữa chúng ta.

Chính Chúa Giêsu đã báo trước cái chết và sự sống lại của Ngài qua hình ảnh ”hạt lúa”. Ngài nói: ”Nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó trơ trọi một mình; trái lại nếu chết đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12, 24). Và đó là điều đã xảy ra: Chúa Giêsu, hạt lúa được Thiên Chúa gieo vào lòng đất, đã bị tội lỗi thế gian giết chết, Ngài ở trong mộ hai ngày; nhưng trong cái chết của Ngài có chứa đựng tất cả quyền năng tình thương của Thiên Chúa, quyền năng ấy đã bùng lên và biểu lộ trong ngày thứ ba, ngày mà chúng ta đang cử hành hôm nay: ngày Phục Sinh của Chúa Kitô.

Các tín hữu Kitô chúng ta tin và biết rằng sự sống lại của Chúa Kitô là niềm hy vọng chân thực của thế giới, niềm hy vọng không bao giờ làm thất vọng. Đó là sức mạnh của hạt lúa, sức mạnh tình thương hạ mình xuống và hiến thân đến cùng, và thực sự đang đổi mới thế giới. Sức mạnh này cũng mang lại hoa trái ngày nay trong lịch sử chúng ta, một lịch sử mang đậm bao nhiêu bất công và bạo lực. Sức mạnh ấy mang lại hoa trái hy vọng và phẩm giá tại những nơi còn lầm than và loại trừ, nơi có đói khổ và thiếu công ăn việc làm, giữa những người di tản và tị nạn - bao nhiêu lần họ bị xua đuổi vì nền văn hóa gạt bỏ ngày này-, giữa các nạn nhân của nạn buôn bán ma túy, buôn người và những thứ nô lệ thời nay.

Và hôm nay chúng ta cầu xin những thành quả hòa bình cho toàn thế giới, bắt đầu từ nước Siria yêu quí bị tang thương, dân tộc này bị kiệt quệ vì chiến tranh chưa thấy viễn tượng chấm dứt. Trong ngày lễ Phục Sinh này, ước gì ánh sáng của Chúa Kitô Phục sinh soi sáng lương tâm của tất cả các vị có trách nhiệm về chính trị và quân sự, để họ chấm dứt ngay cuộc tàn sát hiện nay, tôn trọng công pháp nhân đạo và tạo điều kiện dễ dàng cho việc đưa các đồ cứu trợ mà các anh chị em chúng ta đang cần cấp thiết, đồng thời bảo đảm những điều kiện thích hợp cho những ngừơi di tản được hồi hương.

Chúng ta cũng khẩn cầu hoa trái hòa giải cho Thánh Địa, cả trong những ngày này bị thương tổn vì những cuộc xung đột đang diễn ra, những xung đột không tha những người yếu đuối vô phương tự vệ; cầu cho Yemen và toàn Trung Đông, để việc đối thoại và tôn trọng lẫn nhau vượt trên những chia rẽ và bạo lực. Ước gì các anh chị em chúng ta trong Chúa Kitô, nhiều khi bị bạo lực đè nén và những bách hại, trở thành những chứng nhân sáng ngời của Chúa Phục Sinh và chứng tỏ chiến thắng của sự thiện trên sự ác.

Trong ngày này, chúng ta cầu xin những hoa trái hy vọng cho tất cả những người đang khao khát một cuộc sống xứng đáng hơn, nhất là tại những miền thuộc Phi châu đang đau khổ vì nạn đói, những xung đột kinh niên và nạn khủng bố. Ước gì an bình của Chúa Phục Sinh chữa lành những vết thương tại Nam Sudan: mở rộng các tâm hồn cho cuộc đối thoại và cảm thông lẫn nhau. Chúng ta không quên các nạn nhân của xung đột, nhất là các trẻ em! Ước gì không thiếu tình liên đới dành cho những người buộc lòng phải rời bỏ quê hương và thiếu thốn những điều cần thiết nhất để sống.

Chúng ta cầu xin những thành quả của đối thoại cho bán đảo Triều Tiên, để những cuộc đối thoại hiện nay thăng tiến hòa hợp và bình định cho vùng này. Ước gì những người có trách nhiệm trực tiếp hành động một cách khôn ngoan với tinh thần phân định để thăng tiến thiện ích của dân tộc Triều Tiên và kiến tạo những tương quan tín nhiệm giữa lòng cộng đồng quốc tế.

Chúng ta cầu xin hoa trái hòa bình cho Ucraina, để những bước tiến cổ võ hòa hợp được củng cố và những sáng kiến nhân đạo dành cho dân chúng được thực hiện dễ dàng.

Chúng ta cầu khẩn hoa trái an ủi cho nhân dân Venezuala, như các vị chủ chăn tại đây đã viết, họ đang sống trong một miền đất xa lạ trên chính quê hương của họ. Ước gì nhờ sức mạnh Phục sinh của Chúa Giêsu, dân tộc này tìm được con đường công chính, an bình và hợp với con người để sớm ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo đang kìm kẹp họ và không thiếu sự đón tiếp cũng như sự trợ giúp cho những người dân Venezuela buộc lòng phải rời bỏ quê hương của họ.

Xin Chúa Kitô Phục Sinh mang lại những thành quả của đời sống mới cho các trẻ em, vì chiến tranh và đói khổ, đang lớn lên mà không hy vọng, bị thiếu giáo dục và không được săn sóc sức khỏe; và cho cả những người già bị nền văn hóa ích kỷ gạt bỏ, thứ văn hóa này gạt ra ngoài những ai không ”sản xuất”.

Chúng ta khẩn cầu những hoa trái khôn ngoan cho những người trên toàn thế giới đang có những trách nhiệm chính trị, để họ luôn tôn trọng phẩm giá con người, tận tụy hoạt động phục vụ công ích và đảm bảo sự phát triển, an ninh cho công dân của họ.

Anh chị em thân mến!

Lời này cũng được gửi đến chúng ta, như đã được nói với các phụ nữ chạy đến mộ Chúa: ”Tại sao các bà tìm người sống nơi những ngừơi chết? Người không ở đây, Người đã sống lại rồi!” (Lc 24,5-6). Sự chết, cô đơn và sợ hãi không còn là tiếng nói cuối cùng nữa. Có một lời đi xa hơn và chỉ có Thiên Chúa mới có thể nói lên: đó là lời Phục Sinh (Xc Gioan Phaolô 2, Những lời cuối buổi đi đàng Thánh Giá, 18-4-2003). Với sức mạnh của tình yêu Thiên chúa, sức mạnh ”đánh bại sự ác, rửa sạch tội lỗi, trả lại sự vô tôi cho các tội nhân, niềm vui cho những người sầu khổ, phá tan oán ghét, bẻ gẫy sự cứng cỏi của những người cường quyền, thăng tiến hòa hợp và hòa bình” (bài ca công bố Phục Sinh)

Cầu chúc tất cả anh chị em Phục sinh tốt đẹp!
 

Sau đó ĐTC đã ban phép lành trọng thể cho các tín hữu đang hiện diện cũng như mọi người theo dõi qua các phương tiện truyền thông. Sau khi ban phép lành toàn xá cho các tín hữu, ĐTC một lần nữa chúc mừng Phục sinh các tín hữu đến từ các nơi trên nước Ý và từ các quốc gia khác, cũng như những người đang theo dõi trên đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.

ĐTC cầu xin niềm vui và hy vọng của Chúa Giêsu Kitô phục sinh mang lại sức mạnh cho những người cao niên – ký ức quý giá của xã hội, và các bạn trẻ - tương lai của Giáo hội và nhân loại.

ĐTC cũng cám ơn các tín hữu đã hiện diện trong ngày lễ Phục sinh – ngày lễ quan trọng nhất của niềm tin Kitô giáo, bởi vì đay là ngày lễ của ơn cứu độ của chúng ta, ngày lễ của tình yêu Chúa dành cho chúng ta.

ĐTC cám ơn về món quà là các bông hoa được mang đến từ Hòa lan để trang trí cho quảng trường thánh Phêrô. Và cuối cùng, ĐTC nhắc nhở các tín hữu hãy loan báo, bằng lời nói và đời sống của mình tin vui “Chúa Giêsu Phục sinh”. (REI 01/04/2018)

 

Tác giả bài viết: Giuse Trần Đức Anh OP và Hồng Thủy OP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tiểu sử các Thánh mang tên Xóm

Anrê Trần Văn Trông (1814-1835)

Anrê Trần Văn Trông, sinh 1814 tại Kim Long, Huế; chết 28 tháng 11, 1835 tại An Hòa, Huế. Anrê Trông là một binh sĩ trẻ tuổi, một thợ dệt tơ của nhà vua, và thuộc Hội Thừa Sai Balê. Khi triều đình khám phá ra sự liên hệ này năm 1834, ngài bị bắt, bị truất hết chức tước, và bị giam...

LOGO PHỤNG VỤ
Linh mục quản xứ
lm1
Phaolô Trần Văn Quang
GIỜ LỄ
Kết nối mạng xã hội
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Đăng nhập thông qua Facebook
KẾT NỐI

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây