ĐTC họp báo trên máy bay từ Maroc về Roma

Trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Maroc về Roma chiều tối ngày 31-3-2019, ĐTC đã đề cập đến việc đón tiếp người di dân, nạn lạm dụng tính dục, ma quỷ trong những hoạt động này và vụ ĐHY Barbarin từ chức nhưng không được ĐTC chấp nhận.

ĐTC Phanxicô đã về đến Roma bằng an lúc gần 9 giờ tối chúa nhật 31-3 vừa qua, kết thúc tốt đẹp chuyến viếng thăm mục vụ gần 2 ngày tại Maroc. Trong chuyến bay khoảng 3 tiếng đồng hồ từ thủ đô Rabat về Roma, như thường lệ, ĐTC đã thực hiện một cuộc họp báo với 69 ký giả cùng đi trong chuyến bay. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn ĐTC:

 Xây tường và hàng rào chống di dân

 H. Trong diễn văn trước chính quyền tại Maroc, ĐTC đã nói: hiện tượng di dân không giải quyết được bằng những hàng rào thể lý, nhưng cạnh nước Maroc này, Tây ban nha đã dựng hai hàng rào kẽm gai có dao sắc bén để ngăn chặn những người muốn vượt qua. Và Tổng thống Trump của Mỹ trong những ngày này tuyên bố muốn hoàn toàn đóng biên giới và hơn nữa ông muốn ngưng viện trợ cho 3 nước Trung Mỹ. Vậy ĐTC muốn nói gì với chính phủ 3 nước ấy?

 ĐTC: Trước tiên: những người xây tường, dù là bằng kẽm gai sắc bén hay bằng dao hoặc bằng gạch, sẽ trở thành tù nhân của những bức tường họ dựng lên. Thứ hai: tôi đã thấy một đoạn kẽm gai với những con dao sắc bén ấy. Tôi thành thực nói rằng tôi xúc động và rồi khi rời nơi ấy ra đi, tôi đã khóc. Tôi khóc vì không tưởng tượng nổi sự tàn ác như vậy. Tôi không tưởng nghĩ được sự kiện có những ngườichết đuối trong Địa Trung Hải. Chúng ta hãy lập những cây cầu ở các cửa.

 Xây hàng rào và xây tường không phải là cách giải quyết vấn đề trầm trọng như vấn đề di cư. Tôi hiểu: đối với một chính phủ, vấn đề này giống như một củ khoai nóng bỏng phải cầm trong tay, nhưng họ phải giải quyết nó một cách khác, một cách nhân đạo. Khi tôi thấy những kẽm gai ấy với những con dao sắc bén, tôi không thể tin nổi. Rồi một lần tôi có dịp xem một phim về nhà tù với những người tị nạn bị xua đuổi, bị giam trong đó.

 Có những nhà tù không chính thức, những nhà tù của những kẻ buôn người.. Những điều ấy làm đau lòng.. có những phụ nữ và trẻ em trong đó, có những người đàn ông, và những cuộc tra tấn mà đoạn phim trình bày thật là không thể tưởng tượng nổi. Đó là những phim quay lén, với những nhà vệ sinh..

 Có nước không cho người di dân vào, vì không có chỗ. Nhưng có những nước khác, có tình nhân đạo của Liên hiệp Âu Châu, toàn Liên hiệp Âu Châu. Ta để cho họ chết đuối trên biển hay sao, ta đuổi họ đi dù biết rằng bao nhiêu người sẽ rơi vào tay những kẻ buôn người, những kẻ bán phụ nữ và trẻ em, họ sẽ giết hoặc tra tấn các đàn ông để biến thành nô lệ hay sao? Một lần tôi đã nói với một nhà lãnh đạo chính quyền mà tôi tôn trọng, tôi nói tên ông, ông là Alexis Tsipras [thủ tướng Hy Lạp] và khi nói về những điều ấy cũng như những hiệp định không để cho người di dân nhập cư, ông giải thích cho tôi về những khó khăn, nhưng ông cũng thành tâm nói câu này: “Các quyền con người ở trên những hiệp định”: câu nói này đáng được giải Nobel”.

 Nhiều người Công giáo ủng hộ hạn chế di dân

 ** H. Chính trị Âu Châu hoàn toàn đi ngược lại những gì ĐTC nói. Âu Châu trở thành một pháo đài chống người di dân. Chính sách này phản ánh dư luận của các cử tri. Phần lớn các cử tri là những người Công Giáo. ĐTC cảm thấy thế nào trước tình trạng đau buồn ấy?

 ĐTC: Tôi thấy có bao nhiêu người thiện chí, không phải chỉ có người Công Giáo mà thôi, những người tốt lành, thiện chí, có phần bị sợ hãi xâm chiếm, và bài giảng thông thường của những người mỵ dân là sự sợ hãi. Người ta gieo vãi sự sợ hãi rồi đưa ra những quyết định. Sợ hãi là khởi đầu của những chế độ độc tài. Chúng ta hãy trở lại thế kỷ vừa qua, khi cộng hòa Weimar ở Đức sụp đổ, tôi nhiều lần lập lại điều này. Nước Đức bấy giờ cần có một lối thoát, với những lời hứa và sợ hãi, và Hitler tiến lên. Chúng ta biết kết quả của những sự kiện đó.

 ”Chúng ta hãy học bài học lịch sử, đây không phải là điều mới mẻ: người ta gieo sợ hãi và gặt hái sự tàn ác, khép kín và cả sự son sẻ. Các bạn hãy nghĩ đến mùa đông dân số ở Âu Châu. Cả chúng ta cũng có tình trạng đó ở Italia: mức gia tăng dân số dưới số không. Hãy nghĩ đến sự thiếu ký ức lịch sử: Âu Châu được thành hình nhờ di dân và đây là điều làm cho đại lục phong phú. Chúng ta hãy nghĩ đến lòng quảng đại của bao nhiêu nước, ngày nay đang gõ cửa Âu Châu, với những người di dân Âu Châu từ năm 84 ngược về trước, 2 thời hậu chiến tranh, những đợt di dân ồ ạt, Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nam Mỹ. Cha tôi đã di cư sang Nam Mỹ sau thế chiến thứ hai và được đón tiếp.. Tôi nhớ ơn..

 Đúng vậy, để nói đủ hơn, hiện nay chúng ta không có nhu cầu tìm kiếm những người di cư vì chiến tranh hoặc vì đói.. Nhưng nếu Âu Châu rất quảng đại trong việc bán võ khí cho Yemen để sát hại các trẻ em, vậy điều mà Âu Châu đang làm có hợp lý không? Đó là một ví dụ, nhưng Âu Châu đang bán võ khí. Rồi có vấn đề đói khát. Nếu Âu Châu muốn là mẹ chứ không là bà nội bà ngoại, thì phải đầu tư, phải tìm cách giúp đỡ một cách khôn ngoan, nâng cao bằng giáo dục, bằng đầu tư. Đó không phải là lời của tôi nhưng là lời bà thủ tướng Melkel đã nói. Đó là điều mà bà thi hành khá nhiều: nghĩa là không dùng võ lực để ngăn chặn việc xuất cư, nhưng bằng quảng đại, đầu tư giáo dục, kinh tế, v.v. đó là điều rất quan trọng.

 Thứ hai là phải hành động cách nào: Hiển nhiên là một nước không để nhận tất cả mọi người di dân, nhưng toàn Âu Châu có thể phân chia số người di dân, toàn Âu Châu. Vì sự đón tiếp phải thực hiện với con tim mở rộng, rồi phải đồng hành, thăng tiến và hội nhập. Nếu một nước không thể hội nhập thì phải nghĩ nay đến việc nói với các nước khác: Anh có thể nhận bao nhiêu, để mang lại một cuộc sống xứng đáng cho dân chúng. Cần có lòng quảng đại, ý muốn tiến bước, nhưng chúng ta không thể tiến bằng sự sợ hãi, với những bức tường, chúng ta sẽ bị nhốt trong các bức tường.

 Củng cố đối thoại

 ** H. ĐTC đã gặp Vua Maroc và thấy ý chí của Nhà Vua muốn đối thoại. Vậy cần phải làm gì cụ thể để củng cố đối thoại?

 ĐTC: Khi có một cuộc đối thoại huynh đệ, thì luôn có một tương quan ở nhiều cấp độ. Xin cho phép tôi dùng một hình ảnh: đối thoại không thể là điều ở trong phòng thí nghiệm, nó phải giống như con người, nghĩa là với tâm trí, với đôi tay, và ta ký những hiệp ước. Ví dụ lời kêu gọi chung về thành Jerusalem là một bước tiến không phải do chính quyền Maroc hay Vatican, nhưng là do những anh chị em tín hữu chịu đau khổ, khi thấy Jerusalem ”Thành Hy vọng” vẫn chưa có tính chất đại đồng như mọi người mong muốn: Do thái, Hồi giáo, Kitô. Tất cả chúng ta đều mong muốn điều đó. Vì thế chúng tôi đã ký kết ước muốn ấy: đó là một ước muốn, một lời kêu gọi tình huynh đệ tôn giáo là biểu tưởng tại Thành Jerusalem cũng là thành của chúng ta. Tất cả chúng ta là công dân của Jerusalem, tất cả các tín hữu.

 Ma quỷ và nạn lạm dụng tính dục

 **H. ĐTC thường tố giác hoạt động của ma quỷ, như ngài đã làm trong Hội nghị thượng đỉnh mới đây về việc bảo vệ trẻ vị thành niên. Vậy phải làm gì để chống lại ma quỷ, nhất là về những xì căng đan lạm dụng tính dục trẻ em?

 ĐTC: Sau bài diễn văn của tôi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh về việc bảo vệ trẻ vị thành niên ấy, một tờ báo đã viết: Giáo Hoàng này ”ma giáo”, ban đầu ông nói lạm trụng tính dục trẻ em là một vấn đề của thế giới, rồi của Giáo Hội, và sau cùng rửa tay, gán tội cho ma quỷ.

 Nhận định như thế thật là đơn giản hóa vấn đề! Một triết gia người Pháp, trong thập niên 1970, đã đưa ra một sự phân biệt mà tôi thấy là mang lại nhiều ánh sáng. Ông nói: ”Để hiểu một tình trạng cần phải trình bày tất cả những giải thích và tìm kiếm ý nghĩa của chúng”. Điều ấy có nghĩa gì về phương diện xã hội? về mặt bản thân hoặc tôn giáo? Tôi tìm cách đưa ra mọi giải thích. Nhưng có một điều mà người ta không thể hiểu nếu không để ý đến mầu nhiệm sự ác. Hãy nghĩ đến nạn ấu dâm, dâm ô trẻ em trên mạng. Đã có hai hội nghị quan trọng về vấn đề này, một tại Roma và một tại Abu Dhabi. Tôi tự hỏi làm sao nạn lạm dụng ấy trở thành điều xảy ra hằng ngày? Làm sao mà khi nói về các thống kê nghiêm túc, nếu bạn muốn thấy một vụ lạm dụng trẻ em trực tuyến thì có thể vào mạng, họ cho bạn thấy. Tôi không nói dối.

 Tôi tự hỏi: các giới hữu trách có thể không làm gì sao? Trong Giáo Hội chúng tôi cố gắng làm tất cả những gì có thể để chấm dứt tai ương ấy, làm tất cả những gì có thể. Trong bài diễn văn vừa nói, tôi đã đề ra những biện pháp cụ thể. Trước Hội nghị Thượng Đỉnh, khi các vị Chủ tịch HĐGM gửi cho tôi danh sách những biện pháp, tôi đã chuyển cho tất cả mọi người? Phải chăng những kẻ trách nhiệm về những điều nhơ bẩn ấy là những người vô tội? Và những người kiếm lợi với những hành động ấy thì sao? Tại Buenos Aires, với hai vị hữu trách các thành phố, chúng tôi đã làm một qui định không có tính chất bó buộc đối với các khách sạn hạng sang, tại quầy tiếp khách của các khách sạn có đề bảng: ”tại khách sạn này không được phép có quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên”. Nhưng không khách sạn nào muốn đặt bảng đó. Họ nói chống chế: ”không thể làm như vậy, nó có vẻ nói rằng chúng tôi là những người bẩn. Xin hãy biết rằng chúng tôi không để cho những quan hệ tình dục với trẻ em xảy ra tại đây, nhưng chúng tôi không đặt bảng như vậy”.

 Một chính quyền không thể khám phá ra nơi nào họ làm những phim dâm ô với trẻ em sao? Tất cả những phim ấy đều quay trực tiếp. Để nói rằng tai ương thế giới ấy thật lớn nhưng cũng để nói rằng ta không thể hiểu hiện tượng ấy nếu không nhắc đến ác quỷ, đó là một vấn đề cụ thể. Để giải quyết vấn đề đó, có hai bài báo mà tôi khuyên đọc, một bài của Gianni Valente đăng trên Vatican Insider nói về những người theo thuyết Donato. Nguy cơ đối với Giáo Hội là ngày nay người ta theo thuyết Donato, đề ra những qui luật nhân trần, mà quên đi các chiều kích khác. Cầu nguyện, thống hối đền tội, phải chăng chúng ta không quen làm những điều đó? Cần làm cả hai. Để chiến thắng thần dữ không phải là rửa tay khi nói ”ma quỷ làm điều ấy”: không phải vậy. chúng ta phải chiến đấu chống ma quỷ, nhưng chúng ta cũng phải đưa ra những biện pháp con người.

 Tác phẩm thứ hai do báo Civilta Cattolia ấn hành. Tôi cũng đã viết một cuốn sách hồi năm 1987 ”Những lá thư sầu muộn”, đó là những lá thư của cha Tổng quyền dòng tên khi dòng sắp bị giải tán. Tôi đã viết một lời tựa, các tu sĩ đã học hỏi về những thư mà tôi đã viết cho các GM và dân chúng Chile. Làm sao thực hiện cả hai phần: phần khoa học và phần thiêng liêng. Tôi cũng đã làm như vậy với các GM Mỹ: các đề nghị có tính chất quá phương pháp, nhưng không có ý chí, và chiều kích linh đạo bị lơ là. Tôi muốn nói với các bạn: Giáo Hội không phải là duy cộng đồng (congregazionista), nhưng là Công Giáo, trong đó GM và cả Giáo Hoàng phải hành động như một mục tử. Nghĩa là với những biện pháp kỷ luật, nhưng cả các biện pháp như thống hối, cầu nguyện, xưng thú tội. Tôi biết ơn nếu quí vị học hai điều: phần con người và phần thiêng liêng”.

 ĐTC không chấp nhận đơn từ chức của ĐHY Barbarin

 **H. Thưa ĐTC, liên quan ĐHY Philippe Barbarin, bên Pháp: tuần qua Hội đồng tư vấn giáo phận Lyon đã bỏ phiếu hầu như nhất trí yêu cầu tìm một giải pháp lâu dài cho việc ĐHY rút lui. ĐTC là người vẫn đề cao công nghị tính của Giáo Hội, ĐTC có thể lắng nghe lời kêu gọi này của một giáo phận ở trong một tình trạng khó khăn như thế hay không?

 ĐTC: ĐHY Barbarin là một người của Giáo Hội, đã từ chức, nhưng tôi không thể chấp nhận việc từ chức ấy về phương diện luân lý, vì xét về mặt pháp lý, cả trong luật pháp truyền thống của thế giới, cũng có nguyên tắc một người được coi là vô tội bao lâu vụ án còn được cứu xét. ĐHY Barbarin đã kháng án và vụ án còn đang mở ngỏ. Sau khi tòa án cấp cao tuyên án, chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra. Nhưng luôn luôn với nguyên tắc một bị cáo là vô tội cho đến khi có phán quyết chung kết. Đây là điều quan trọng vì đi ngược lại với sự kết án hời hợt của báo chí, của giới truyền thông. Có thể là ĐHY không vô tội, nhưng có nguyên tắc vừa nói. Một lần tôi đã nói về một vụ ở Tây Ban Nha, sự kết án của báo chí đã làm tàn đời các linh mục và sau đó tòa án đã xác nhận các LM ấy vô tội. Vậy trước khi báo chí lên án, chúng ta hãy suy nghĩ hai lần. ĐHY đã chọn một giải pháp lương thiện, nghĩa là nói: ”Tôi không rút lui, tôi chỉ tự ý nghỉ một thời gian và để cho vị Tổng đại diện điều hành giáo phận cho đến khi tòa án tuyên bố phán quyết chung kết”.

Tác giả bài viết: G. Trần Đức Anh OP - Vatican

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tiểu sử các Thánh mang tên Xóm

Giuse Lê Ðăng Thị (1825-1860)

Giuse Lê Ðăng Thị, Sinh năm 1825 tại Kẻ Văn, Quảng Trị, Giáo dân, Cai Ðội, bị xử giảo ngày 24/10/1860 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức. Đức Piô X suy tôn ông Giuse Lê Đăng Thị lên hàng Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh....

LOGO PHỤNG VỤ
Linh mục quản xứ
lm1
GIUSE HUỲNH ĐÌNH HÀO
GIỜ LỄ
gio le 1
Kết nối mạng xã hội
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Đăng nhập thông qua Facebook
KẾT NỐI

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây