Thánh Lễ Nhậm chức Giám quản Phan Thiết của Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm

Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm chủ sự Thánh lễ Nhậm chức Giám Quản Giáo Phận Phan Thiết tại Nhà thờ Chính Tòa, vào lúc 09g00 sáng thứ Bảy ngày 01 tháng 4 năm 2017.
Đoàn đồng tế gồm Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc -TGM Sài gòn - Trưởng giáo tỉnh TGP Sài gòn, Đức cha Giuse Võ Đức Minh – Giám mục Giáo phận Nha trang,  Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri – Giám mục Giáo phận Cao bằng Lạng sơn, cha Tổng Đại Diện Giáo phận Sài gòn, quý cha trong Hội đồng Tư vấn Giáo phận Bà rịa, linh mục đoàn Phan thiết. Đông đảo quý tu sĩ nam nữ, đại diện các giới các đoàn thể cấp giáo phận, quý hội đồng mục vụ các giáo xứ và cộng đoàn Dân Chúa cùng hiệp thông tạ ơn sốt mến.

Đoàn rước từ Nhà xứ tiến vào Nhà thờ, cộng đoàn hát vang bài ca nhập lễ: xin hiệp nhất chúng con, nên một trong tình yêu yêu Chúa…

Khởi đầu thánh lễ, Cha FX Phạm Quyền - Niên trưởng, nhận văn thư từ Đức cha Tôma và công bố sắc lệnh bổ nhiệm Giám Quản Tông Tòa của Tòa Thánh.

Sau đó Đức Tân Giám Quản, cha Niên Trưởng và cha Thư Ký TGM tiến đến bàn để sẵn ấn ký biên bản.

Tiếp đến, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Trưởng Giáo Tỉnh Sài Gòn, giới thiệu Đức Cha Tân Giám Quản với cộng đoàn Dân Chúa: Tôi giới thiệu với quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể anh em Giáo Phận Phan Thiết, Đức Cha Tân Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Phan Thiết - Tôma Nguyễn Văn Trâm, chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Cha thật nhiều để ngài có sức khỏe mà chu toàn nhiệm vụ tại Giáo Phận rộng lớn này. Xin cám ơn tất cả anh em.

Đức Tân Giám Quản khởi sự Thánh Lễ, ngài ngỏ lới với cộng đoàn phụng vụAnh chị em thân mến, chúng ta tập hợp quanh bàn tiệc này đây để cùng nhau hiệp dâng thánh lễ, dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ tri ân vì biết bao ơn lành Chúa đã ban cho Giáo phận, cho mỗi người chúng ta. Xin Chúa luôn tuôn đỗ ơn của Chúa trên mỗi người để chúng ta cùng nhau xây dựng hiệp nhất yêu thương trong Giáo Phận. Thánh lễ hôm nay là dịp giỗ 30 ngày Đức Cha Giuse, xin Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót và Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành ban cho Đức Cha Cố Giuse ơn hạnh phúc trong thiên quốc.

Đức cha Tôma giảng lễ.

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

Trong bài diễn từ giã biệt các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn và cái chết thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các ngài và cho tất cả các thế hệ kitô hữu tương lai là chính chúng ta. Đây là lời cầu xin ơn hiệp nhất trong Hội Thánh. Chúa Giêsu nhìn thấy trước các viễn ảnh chia rẽ phân ly hay bất hoà bất thuận đang mấp mé ở ngay tam cấp bước vào đường thập giá của Người như việc hai anh em nhà Giêbêđê, Giacôbê và Gioan xin được ngồi hai bên tả hữu trong vương quốc của Người, như việc 10 môn đệ kia bất bình. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng ai muốn làm lớn, phải trở nên người phục vụ anh em mình.

Qua trích đoạn Tin Mừng Gioan mà chúng ta vừa nghe công bố, Chúa Giêsu đề ra một phương dược chữa trị các bất an, đó là các môn đệ hãy sống trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi và các ngài phải thực hiện sự hiệp nhất với nhau. Chỉ trong một trích đoạn ngắn, Chúa Giêsu lập đi lập lại những 7 lần cụm từ “ở trong” và 4 lần cụm từ “nên một”. Ở trong, nghĩa là kết hiệp mật thiết với Chúa Cha và Chúa Con. Nên một, nghĩa là ở trong tình yêu của Thiên Chúa. Người cầu xin Chúa Cha cho các môn đệ đang ở bên Người được nên một như “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha .. .để họ nên một như chúng ta là một”. Sự hiệp nhất nên một giữa Cha và Con vừa là khuôn mẫu, vừa là nguồn mạch cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu, giữa giám mục, linh mục, các tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân. Chúng ta được mời gọi ở trong nhau, gắn kết với nhau cách khắng khít như Cha và Con. Điều này không thể thực hiện được, nếu chúng ta không được đưa vào trong mối tương quan thân thiết giữa Cha và Con: “để họ cũng ở trong Chúng Ta”. Các Kitô hữu chỉ hiệp nhất khi họ được sống trong nguồn hiệp nhất là Tình yêu của Thiên Chúa. Trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, ta thấy có một tương quan ba chiều giữa Cha, Con và các môn đệ. “Con ở trong họ và Cha ở trong Con.. .Cha đã yêu thương họ như đã yêu thương Con”. “Tình Cha yêu thương Con ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa”. Mối tương quan này sâu lắng đến mức có sự ở lại trong nhau một cách đích thực và sâu xa giữa Cha, Con và các kitô hữu. Hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, hiệp nhất giữa Thiên Chúa và chúng ta, hiệp nhất giữa mọi người chúng ta. Hiệp nhất trong Thiên Chúa là Tình yêu.

Hiệp nhất và yêu thương là những yếu tố cần thiết để cộng đoàn được sống và sống dồi dào như Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện với Chúa Cha: “để họ nên một như Chúng Ta là một” (Ga 17, 22). Trong tình hiệp nhất yêu thương đó, sự hiệp thông trong chiều đứng nối kết con người với Thiên Chúa chính là nền tảng và điều kiện thiết yếu cho mối hiệp thông theo chiều ngang giữa con người với con người. Như thế tình yêu hiệp nhất với Thiên Chúa phải trở thành động lực và chuẩn mực cho sự hiệp thông với mọi người. Sự hiệp thông nầy vừa là đòi hỏi chính yếu vừa là lời chứng cần thiết mà Hội Thánh phải bày tỏ trước mặt mọi người: “Con ở trong họ và Cha ở trong Con để họ hoàn toàn nên một, như vậy thiên hạ sẽ nhận biết là chính Cha đã sai Con”.

Hiệp nhất là yêu cầu thiết yếu để một tổ chức xã hội được tồn tại và phát triển, và hơn bất cứ đoàn thể nào, cộng đồng tôn giáo không thể kiên vững nếu thiếu hiệp nhất và từ tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi và từ mỗi thành phần Dân Chúa là tất cả chúng ta.

Sự hiệp nhất còn đòi hỏi mỗi người chúng ta phải biết sống các tương quan nhân bản, nghĩa là biết kính trọng mọi người, biết tôn trọng ý kiến của người khác, biết chấp nhận những khác biệt về cá tính, khả năng và trình độ văn hoá. Chúng ta có thế áp dụng nguyên tắc của thánh Augustinô: “Luôn hiệp nhất trong những điều chính yếu, được tự do trong những điều chưa xác định, nhưng trong tất cả, phải có tình yêu thương”.

Bài trích Sách Đệ Nhị Luật ghi rõ lệnh truyền của Thiên Chúa là nếu dân Israel biết trở về cùng Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh của Ngài, thì chính Ngài sẽ đoái thương tập họp họ lại từ muôn dân nước để họ trở nên dân tộc sở hữu riêng của Ngài.

Thánh Phaolô đã khuyên bảo các tín hữu Êphêsô hãy biết sống trong tình thương như Đức Kitô, Đấng đã yêu thương và phó mình làm của lễ thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa Cha vì phần rỗi của loài người chúng ta.

Các linh mục và phó tế thân mến, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và anh chị em tín hữu thân mến,

Hôm nay tôi đến với anh chị em để cùng đồng hành với anh chị em, cùng nhau xây dựng và củng cố sự hiệp nhất và yêu thương mà Chúa Kitô truyền dạy các môn đệ của Người hôm qua và cả chúng ta hôm nay. Các giám mục tiền nhiệm, các linh mục và anh chị em đã không ngừng vun đắp và xây dựng sự hiệp nhất và tình yêu thương. Tôi mong muốn tiếp nối bước chân các ngài và cùng với anh chị em làm cho hạt giống Lời Chúa ngày càng phát triển và bám rễ sâu trong đời sống đức tin và đức ái của chúng ta, đồng thời cùng nhau củng cố và kiện toàn sự hiệp nhất yêu thương nơi mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận thân yêu này.

Nguyện xin Chúa Giêsu Kitô là Mục Tử nhân lành yêu thương và liên kết chúng ta trong tình yêu của Người để chúng ta trở nên nhân chứng sống động và nhiệt thành loan truyền nền văn minh tình thương qua việc thực thi hiệp nhất và yêu thương nơi gia đình, giáo xứ, môi trường sống xã hội và nơi giáo phận chúng ta. Amen

Sau lời nguyện hiệp lễ, cha Niên trưởng dâng tâm tình tri ân.

Trọng kính Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Trưởng giáo tỉnh tổng giáo phận Sài Gòn,

Trọng kính Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm,Giám mục giáo phận Bà Rịa, kiêm Giám quản tông tòa giáo phận Phan Thiết,

Trọng kính Đức cha Giuse Võ Đức Minh, giám mục giáo phận Nha Trang,

Trọng kính Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri,giám mục giáo phận Lạng Sơn

Kính thưa cha Tổng Đại Diện tổng giáo phận Sài Gòn, quý cha trong Hội Đồng Tư vấn giáo phận Bà Rịa.

Kính thưa quý viện phụ, quý cha, quý Bề trên các hội dòng, quý phó tế, quý tu sĩ nam nữ, chủng sinh và ông bà anh chị em giáo dân trong ngoài giáo phận.

Cách nay một tháng, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục giáo phận Phan Thiết đã được Chúa gọi về. Trong bài phát biểu hôm lễ an táng, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam đã nói: “hôm nay chúng ta cùng hiện diện ở Phan Thiết để nói lời tạm biệt đau buồn vói Đức cha Giuse, người đã đi qua ‘bến bờ bên kia’ cách đột ngột, trong lúc còn đang độ tuổi rất tốt để dẫn dắt giáo phận yêu quý của mình.” Vâng, đó là đại tang đau buồn của toàn giáo phận Phan Thiết, như lời Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Giám mục phụ tá giáo phận Long Xuyên chia sẻ trong lễ an táng: “từ kỳ diệu đến ngỡ ngàng”.

Nhưng giữa cảnh tang thương này, chúng con được Chúa nâng đỡ với niềm hy vọng vào lời hứa: “Thầy sẽ không để các con mồ côi...” (Ga 14,18). Thật vậy, ngày 14/3/2017, Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc đã bổ nhiệm và thiết lập: Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám mục chính tòa giáo phận Bà Rịa, làm Giám Quản Tông Tòa giáo phận Phan Thiết. Đó là niềm an ủi lớn lao cho giáo phận Phan Thiết. Chúng con xin tạ ơn Chúa và tri ân Tòa Thánh, cách riêng Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Phaolo Bùi Văn Đọc, Trưởng giáo tỉnh tổng giáo phận Sài Gòn, đã lo liệu cho giáo phận chúng con sớm có Đức cha Giám Quản, chỉ trong vòng 2 tuần lễ sau khi giáo phận trống tòa.

Và hôm nay Đức cha Tôma chính thức đến nhận nhiệm vụ Giám quản. Với niềm hân hoan, chúng con trân trọng chào đón và cám ơn Đức cha đã quảng đại chấp nhận nhiệm vụ Giám quản giáo phận Phan Thiết. Các thành phần dân Chúa trong giáo phận xin vâng phục và kính mến Đức cha. Như lời Đức cha nhắn nhủ chúng con trong bài chia sẻ sau phần phụng vụ Lời Chúa, chúng sẽ toàn tâm toàn lực cộng tác với Đức cha Giám Quản, để xây dựng giáo phận hiệp nhất trong yêu thương. Xin Đức cha thương đón nhận và chăn dắt đoàn chiên giáo phận chúng con.

Những bó hoa tươi thắm dâng lên quý Đức cha với trọn lòng hiếu thảo.

Đức tân Giám quản đáp từ.

Trước hết ngài bày tỏ lòng biết ơn đến quý Đức cha : “Giáo phận Phan thiết và con chân thành cám ơn Đức Tổng Giám Mục và quý Đức Cha đến hiện diện, chứng dám và chúc lành cho Giáo phận chúng con và cho con trong ngày con lãnh nhận chức vụ Giám Quản Giáo Phận này, xin thương cầu nguyện cho chúng con".

Rồi ngài ngỏ lời với quý linh mục, phó tế, chủng sinh tu sĩ nam nữ anh chị em tín hữu đang hiện diện, cũng như tại các giáo xứ.

Này tôi xin đến để phục vụ anh chị em. Tôi không hề nghĩ rằng, tôi đến với anh chị trong tư cách Giám Quản Tông Tòa, vì đơn giản vì tôi đã đến tuổi nghỉ hưu, tôi đã đệ đơn xin Tòa Thánh cho tôi được từ nhiệm khỏi chức vụ giám mục giáo phận Bà Rịa. Tôi hí hửng chờ đợi ngày Tòa Thánh chấp thuận và tôi sẽ được tự do sau 25 năm phục vụ Giáo Hội và Giáo Phận trong tác vụ giám mục của mình.

Nhưng Chúa quan phòng định liệu cách khác. Ngày Thứ tư lễ tro vừa qua, Chúa đã gọi Đức Cha Giuse về với Chúa, tôi thương tiếc một vị giám mục trẻ năng động, tài năng đã phục vụ giáo phận Phan Thiết và tôi đồng cảm với giáo phận này, vì anh chị em mất vị chủ chăn, tôi đã thầm mong ban tư vấn giáo phận sẽ bầu ra vị giám quản tạm thời điều hành giáo phận cho đến khi Tòa Thánh bổ nhiệm giám mục mới.

Sáng thứ hai mồng 6 tháng 3, tôi đã cùng với các Đức Cha đến tham dự lễ an táng Đức Cha Giuse, và tôi được biết ban tư vấn ngày hôm sau đó sẽ bầu vị giám quản. Tôi cầu nguyện cho ban tư vấn bầu vị giám quản theo ý Chúa. Tôi đã có dịp bắt tay chia buồn với nhiều linh mục Phan Thiết trong ngày hôm ấy.

Sau trưa ngày lễ an táng Đức Cha Giuse, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đến gặp tôi ở Tòa Giám Mục Bà Rịa, và nói lên đề nghị của ngài. Ngài nói: tôi xét thấy cần phải đặt một giám quản tông tòa, thay vì bầu giám quản giáo phận cho giáo phận Phan Thiết. Tôi nghĩ đến Đức Cha, Đức Cha có bằng lòng để tôi đề nghị tên Đức Cha với Tòa Thánh không ?. Tôi ngỡ ngàng, ngạc nhiên và bối rối. Tôi không quen biết nhiều về Phan Thiết, về các cha, về cách sinh hoạt của giáo phận, về các tu sĩ và giáo dân. Tôi đã trình bày với Đức Tổng Giám Mục Girelli về sự bối rối và ái ngại này. Nhưng ngài khích lệ: tôi hiểu rõ tâm trạng của Đức Cha và tôi tin rằng Đức Cha sẽ giúp cách hiệu quả giáo phận Phan Thiết trong giai đoạn giao thừa này.

Tôi sợ hãi thưa với Đức Tổng Giám Mục Girelli : con là người của Chúa, là người thuộc về Giáo Hội, con phải vâng lời Giáo Hội, và bề trên của Giáo Hội, xin đức tổng toàn quyền và giúp đỡ để giáo phận Phan Thiết chóng có giám mục chính tòa. Về phần con, con vẫn xin được từ nhiệm khỏi chức vụ tại giáo phận Bà Rịa.

Và 8 ngày sau đó, 14.3.2017,  Đức Tổng Giám Mục Girelli gọi điện thoại báo tin rằng: tòa thánh bổ niệm tôi làm giám quản tông tòa giáo phận Phan Thiết và nói tôi hãy báo tin này cho tòa giám mục Phan Thiết, Đức Tổng Giám Phaolô Tổng Giám Mục Sài Gòn cũng gọi điện thoại cho tôi và báo tin này.

Và thưa anh chị em thân mến, này đây tôi đang đến với anh chị em trong sự khiếm khuyết của mình.

Với tất cả sự tín thác vào tình thương của Chúa quan phòng, và với sự tín thác vào các linh mục và phó tế, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và anh chị em giáo dân; chính lòng đạo đức, lòng nhiệt thành và gắn kết của tất cả các anh chị em sẽ bắt đầu một cuộc khởi hành mới, từ Mua Chay Thánh nhiều đau thương này đến lễ Phục Sinh trần đầy niềm tin và hy vọng cho giáo phận thân yêu này.

Trong ngày lễ đặc biệt này, tôi muốn bổ nhiệm cho anh chị em linh mục tổng đại diện, để cùng với tôi giúp đỡ các cha, các tu sĩ nam nữ, và anh chị em tín hữu.

Sau khi tham khảo ý kiến một số linh mục trong và ngoài ban tư vấn, tôi bổ nhiệm linh mục Giuse Hồ Sĩ Hữu, chánh xứ Vinh Tân làm tổng đại diện giáo phận Phan Thiết kể từ ngày hôm nay, người sẽ cùng với tôi giải quyết các vấn đề, người sẽ hiện diện tại Tòa Giám Mục với anh chị em, người sẽ thi hành chức năng của mình mà giáo luật ban cho tổng đại diện Giáo Phận.

Thưa anh chị em,

Nguyện chúc anh chị em đầy tràn ơn sủng và niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì phần rỗi và sự sống của tất cả chúng ta.

Xin cám ơn anh chị em và xin cầu nguyện cho tôi. Xin cám ơn.

Sau thánh lễ, quý cha về Tòa Giám Mục, Đức cha Tôma trao đổi những công việc mục vụ, sau đó dùng cơm trưa trong tình huynh đệ.


 

Tác giả bài viết: Lm Giuse Nguyễn Hữu An, lược ghi

Nguồn tin: gpphanthiet.com

 Từ khóa: nhà thờ, thứ bảy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tiểu sử các Thánh mang tên Xóm

Matthêu Nguyễn Văn Phượng (1808-1861) 

Matthêu Nguyễn Văn Phượng (Ðắc), Sinh năm 1808 tại Kẻ Lái, Quảng Bình, Trùm họ, Cũng như Anrê Dũng-Lạc, ngài dùng tên hiệu. Bị xử trảm (chết chém) ngày 26/05/1861 tại Ðồng Hới dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô...

LOGO PHỤNG VỤ
Linh mục quản xứ
lm1
GIUSE HUỲNH ĐÌNH HÀO
GIỜ LỄ
gio le 1
Kết nối mạng xã hội
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Đăng nhập thông qua Facebook
KẾT NỐI

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây