I. Nguyên nghĩa của chữ ''Adventus''
Giáo Hội dịch danh từ Hylạp παρουσία (''parousia'' có nghĩa là ''ĐẾN'') sang chữ Latinh là ''Adventus'' do động từ ''advenire: đến'' (1) có quá khứ phân từ (past participle) là ''adventum'': ĐÃ ĐẾN! Người Đức và Anh bỏ âm /us/ của ''adventus'' để có danh từ ''Advent, advent''. Người Pháp cũng vậy, còn bỏ mẫu tự ''d'' để có chữ ''avent''. Tuy nhiên, họ vẫn giữ lại mẫu tự ấy trong câu tục ngữ ''Advienne que pourra'' và cách nói thông dụng ''quoiqu'il advienne'' (dù xảy ĐẾN thế nào chăng nữa) như trong bài ca ''Oui Devant Dieu'' (Ngày Thành Hôn). Sau này, trong tiếng Pháp, có chữ ''avenir'' là lược từ (ellipse) của thành ngữ ''temps à venir'' là tương lai: futur.
Bài Thánh Ca ''Il est né le divin Enfant'' có câu: ''Chantons tous son avènement!'', xin tạm dịch: ''Tất cả chúng ta hãy ca khen việc Ngài ĐẾN, giáng thế, giáng trần, lên ngôi vua!'' như lời Thiên Sứ báo cho Trinh Nữ: ''Ngài sẽ ngự trị trên nhà Giacob đến muôn đời và vương quyền của Ngài sẽ vô tận.'' (Luca 1,33) Danh từ ''avènement'' do động từ cổ ''avenir'' đồng nghĩa với ''venir'': ĐẾN.
II. Ý nghĩa chữ VỌNG trong tiếng Việt giúp hiểu thêm Mầu Nhiệm của Mùa Vọng
''Vọng'' là ''nhìn, hướng lòng về, tin tưởng, TRÔNG CHỜ''. Ví dụ: danh vọng (2) viễn vọng kính; vọng về quê cũ; bài ca vọng cổ; Hòn Vọng Phu; thờ vọng Đức Thánh Trần; Nhiều làng ''vọng tế'' vị thần...; đền thờ vọng Liễu Hạnh ở Hà Nội; đặt hy vọng vào tuổi trẻ là rường cột của Quốc Gia; hy vọng có ngày gặp lại nhau; hết hy vọng rồi!...Chữ ''vọng'' còn có nghĩa ''ĐẾN từ xa, từ nơi khác'', chẳng hạn: Tiếng chày giã gạo từ đầu thôn vọng lại; Đứng ngoài sân, nói vọng vào.
III. Ý nghĩa MÙA VỌNG của Giáo Hội
Là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu và là Hiền Mẫu noi gương MẸ của Chúa Cứu Thế, để luôn sống các Mầu Nhiệm của Ngài mà Đỉnh Cao là Phục Sinh, Giáo Hội gọi Mùa Vọng là ''khởi điểm'' của Năm Phụng Vụ. Mùa Vọng 2012 bắt đầu vào Chúa Nhật, 02.12. Đức Giáo Hoàng nêu lên ý nghĩa của Mùa Vọng là: sự HIỆN DIỆN, VIẾNG THĂM, TRÔNG ĐỢI. Mùa Vọng cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa vẫn Ở ĐÓ, Ngài không rời bỏ thế gian, mà Ngài ĐẾN VIẾNG THĂM chúng ta bằng nhiều cách khác nhau. Chúng ta, dù đang bận rộn bởi bao sinh hoạt, được Mùa Vọng mời gọi tạm dừng lại trong thinh lặng để NHẬN BIẾT rõ ràng sự HIỆN DIỆN của Thiên Chúa.''
IV. Suy gẫm về lời dạy của Vị Cha Chung
A. Sự hiện diện
Thiên Chúa Ngôi Hai đã ĐẾN trong cung lòng Trinh Nữ Maria. Ngài lại Ở GIỮA CHÚNG TA (EMMANUEL) như lời xác tín của Thánh Gioan: ''Ngài đã ĐẾN nơi nhà của Ngài, nhưng (và) người nhà đã không tiếp nhận Ngài... Lời đã trở thành xác phàm và CƯ NGỤ GIỮA CHÚNG TÔI và chúng tôi được ngắm vinh quang của Ngài, vinh quang của Con Một từ nơi Cha...''
B. Sự hiện diện của Ngài hôm nay
Đức Thánh Cha xác tín: ''Thiên Chúa vẫn Ở ĐÓ!'' Thật vậy, như đã hứa trước khi về Trời, Ngài ''ở lại'' với chúng ta mọi ngày, trong Thánh Lễ, nơi Nhà Tạm, bằng Tình Yêu Quan Phòng, qua Vũ Trụ chứng minh có Ngài là Lời Vĩnh Hằng dựng nên mọi sự như lời chúc tụng trong Thánh Lễ: ''Trời và đất đầy vinh quang Chúa!'' (Pleni sunt caeli et terra gloria tua!)
C. Sự hiện diện của Ngài trong nhân loại
Con người được dựng nên theo Hình Ảnh của Thiên Chúa! (Sáng Thế Ký 1,26) Chính vì thế, Thánh Phaolô dạy: ''Adam thứ nhất được dựng nên bởi ADAM THỨ HAI, từ Ngài ông ta NHẬN được linh hồn mà sống.'' Là Kitô hữu, tôi MẶC LẤY Chúa Kitô như Thánh Phaolô cũng đã xác tín: ''Tôi sống VÌ Chúa sống TRONG tôi.'' Khi xứng đáng rước Mình Thánh Chúa, tôi có Ngài HIỆN DIỆN trong lòng là điều hết sức cảm động như Linh Mục Nguyễn Văn Thích viết nhạc: ''Chúa Thiên Đàng NGỰ GIỮA lòng tôi! Phước phận này sao đáng, Chúa ôi! Kìa chín trời còn đang chật hẹp, huống chi nữa chút phận bèo trôi!'' Ngoài ra, Chúa Giêsu còn HIỆN DIỆN sống động trong những ''NGƯỜI-KHỐN-KHỔ-NHƯ-NGÀI'' bởi Ngài đã phán: ''Vì xưa Ta đói, mà các con đã CHO Ta ăn, Ta khát, mà các con đã CHO Ta uống...'' (Matth. 25,35)
D. Sự viếng thăm
Trong Cựu Ước, ''Thiên Chúa vô hình'' VIẾNG THĂM dân Ngài để nhìn thấy cảnh khổ cực của họ ở Aicập... Còn trong Tân Ước, Thiên Chúa là ''Lời nhập Thể và nhập Thế'' ngõ hầu được GẦN GŨI nhân loại và diễn nghĩa sống động của TÌNH YÊU CHÍNH LÀ THIÊN CHÚA như trong Tin Mừng theo Thánh Luca 7,16: ''Mọi người kinh hãi và tôn vinh Thiên Chúa: Một ngôn sứ vĩ đại đã XUẤT HIỆN giữa chúng ta vì Thiên Chúa đã VIẾNG THĂM dân Ngài." Chúa Giêsu cũng phán: ''Ta ở tù, mà các con đã VIẾNG THĂM Ta.'' Sau Thiên-Chúa-Tình-Yêu, Mẹ Maria là Gương Mẫu của Đức ''thương người''! Thật vậy, được Thiên Sứ VIẾNG THĂM theo lệnh Thiên Chúa, sau khi hiểu rõ lý do là CỨU DÂN, Trinh Nữ liền ''xin vâng'' để, nơi Nàng, thành sự Giao Ước Mới, qua đó, Thiên Chúa Ba Ngôi đã VIẾNG THĂM Nàng như trong Luca 1,35. Vừa được cưu mang Thai Nhi Giêsu, Trinh Nữ đã nhanh chân lặn lội lên miền sơn cước, ''đem'' CHÚA ĐẾN THĂM bà Êlidabet và Gioan Tiền Hô mới được sáu tháng trong bụng bà ấy. Mẹ tạo cơ hội cho CHÚA Ở ĐÓ chừng ba tháng! Trong hang chiên lừa, Mẹ và Dưỡng Phụ Giuse tiếp đón mục đồng và ba nhà chiêm tinh ĐẾN THỜ LẠY Chúa Hài Nhi. Cuộc đời Chúa Cứu Thế là ngày, tháng, năm dài của sự VIẾNG THĂM biết bao nhiêu người qua những lần Ngài TIẾP XÚC với họ. Như thế, Mẹ Maria là Đấng Cộng Tác vào Kế Hoạch Cứu Rỗi của Thiên Chúa bởi vì Mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng Chúa Giêsu.
E. Sự trông đợi
Trinh Nữ là ''Gạch Nối'' giữa Tân Ước và Cựu Ước vì Mẹ là Gương Mẫu của sự TRÔNG ĐỢI CHÚA ĐẾN. Chẳng những TRÔNG ĐỢI, Mẹ còn là CUNG ĐIỆN HỒNG ÂN để Thiên Chúa NGỰ ĐẾN. ''Có Mẹ, nhờ Mẹ, cùng Mẹ'' trong đời như ở tiệc cưới Cana, bên Thánh Giá và trên ''Lầu TRÔNG ĐỢI Thánh Linh'', hôm nay, Giáo Hội dạy người tin: ''ĐẾN với Chúa Giêsu qua Mẹ Maria.'' (AD IESUM PER MARIAM)
Tân Ước không ghi lại ba mươi năm Chúa Giêsu sống với Mẹ, mà chỉ kể sơ lược, vỏn vẹn vài sự kiện, chẳng hạn việc Chúa sinh ra, Mẹ dâng Ngài vào Đền Thánh, hai Ông Bà lạc mất Ngài. Tuy nhiên, Tân Ước cũng nhắc tới sự TRÔNG ĐỢI của Tiên Tri Ximêon và của nữ Tiên Tri Anna. Hai Vị này là biểu tượng cho Dân Chúa trong Cựu Ước và Dân Mới của Ngài là Giáo Hội hôm nay. Hơn thế nữa, theo Lời Chúa trối: ''Này là Mẹ con! Này là con Bà!'', Mẹ được Thánh Gioan RƯỚC VỀ nhà của Ông, tức Bà là Mẹ của Giáo Hội. Cho nên, trong suốt bốn mươi ngày TRÔNG ĐỢI Thánh Linh, Mẹ đã cận kề bên CON CỦA MẸ là GIÁO HỘI TIÊN KHỞI để, ''qua Mẹ, với Mẹ, bên Mẹ'', họ thấy vững tâm ''trong lúc TRÔNG ĐỢI Chúa Thánh Thần ĐẾN''!
V. Kết luận
SỐNG Mùa Vọng là THỰC HÀNH các Đức: Tin, Cậy, Mến như câu đọc trong Thánh Lễ: ''Con tuyên xưng: Chúa đã chết đi. Con tuyên xưng: Ngài đã sống lại. Trong VINH QUANG, mai Ngài lại ĐẾN, đón chúng con lên Trời, về với Chúa Cha.'' Không chỉ là trông chờ Mùa Giáng Sinh, mà trong từng ''lúc, ngày, đêm'' và cả đời xin Chúa ''Ở LẠI trong tôi, ĐẾN với người khác'' trước khi Ngài ĐẾN LẠI để xét xử toàn thể nhân loại. Giờ chết sẽ ĐẾN nên tôi phải năng ĐẾN với Chúa vì Ngài cũng chờ tôi ĐẾN. Venite adoremus Dominum: Hãy ĐẾN thờ lạy Chúa.
Tác giả bài viết: Đaminh Phan văn Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Micae Hồ Ðình Hy, Sinh năm 1808 tại Như Lâm, Thừa Thiên, Giáo dân, Quan Thái Bộc, bị xử trảm ngày 22 tháng 5 năm 1857 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức. Đức Piô X suy tôn quan Thái bộc Hồ Đình Hy lên bậc Chân Phước ngày 02-05-1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên...