Rước lễ: cuộc gặp gỡ để trở nên giống Chúa Giêsu ​​​​​​​

DTC
Sáng thứ tư 21/03/2018, trước khi bắt đầu bài giáo lý, ĐTC đã chúc mừng mùa xuân đến hơn 20 ngàn tín hữu hiện diện trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô. ĐTC cũng dùng cơ hội này để nhắc nhở các tín hữu rằng mùa xuân là mùa những cây cối mạnh khỏe, có gốc rễ chắc chắn đâm chồi nẩy lộc sinh hoa. Cũng thế, cuộc sống Kitô giáo phải là một cuộc sống sinh hoa, trong việc bác ái, việc thiện khi gắn bó với gốc rễ của mình là Chúa Giêsu và cuộc sống này được vun tưới  bằng việc cầu nguyện và các bí tích. ĐTC cầu chúc mùa xuân này là mùa xuân nở hoa, như Phục sinh; một mùa xuân nở hoa các việc lành, các nhân đức, làm điều tốt cho nhau và ĐTC nhắc các tín hữu đừng bao giờ cắt bỏ gốc rễ của cuộc sống của mình nơi Chúa Giêsu.

Tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh lễ, ĐTC nói về ý nghĩa của việc rước lễ. Tiến trình của Thánh lễ với các phần khác nhau được sắp xếp để đến đỉnh điểm là lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô, trong bí tích, chứ không phải chỉ lãnh nhận cách “thiêng liêng” mà chúng ta có thể lãnh nhận ở nhà và nói: “Chúa Giêsu, con muốn lãnh nhận Ngài cách thiêng liêng.”

ĐTC giải thích: "Chúng ta cử hành Thánh Thể để nuôi dưỡng chúng ta bằng Chúa Kitô, Đấng ban chính mình cho chúng ta trong Lời Ngài cũng như trong Bí tích của bàn thờ, để đồng hóa chúng ta với Ngài. Chính Đức Kitô đã nói: 'Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy.' (Ga 6,56) Hành động Chúa Giêsu ban Mình và Máu Ngài cho các môn đệ trong bữa Tiệc ly ngày nay vẫn tiếp diễn qua sứ vụ của linh mục và phó tế, các thừa tác viên phân phát Bánh sự sống và Chén cứu độ cho các tín hữu."

"Trong Thánh lễ, sau khi đã bẻ Bánh được thánh hiến, là Mình Chúa Giêsu,  linh mục đưa Bánh thánh lên cho các tín hữu thấy trong khi mời gọi họ tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể. Chúng ta biết những lời vang lên trên bàn thờ: 'Phúc cho ai được mời đến dự Tiệc của Thiên Chúa: Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.' Được cảm hứng từ một đoạn trong sách Khải huyền – 'Phúc cho ai được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên' (Kh 19,9), nói là tiệc cưới, vì Chúa Giêsu là hôn phu của Giáo hội – lời mời này kêu gọi chúng ta thưởng nếm sự liên kết mật thiết với Chúa Kitô, suối nguồn của niềm vui và sự thánh thiện. Đây là một lời mời mang lại niềm vui và thúc đẩy việc kiểm điểm lương tâm dưới ánh sáng đức tin. Nếu từ một mặt, thật sự, chúng ta nhìn thấy khoảng cách phân tách chúng ta khỏi sự thánh thiện của Chúa Kitô, thì mặt khác chúng ta tin rằng Máu của Ngài 'được đổ ra để tha thứ tội lỗi.' Chúng ta đã được tha thứ tội lỗi khi lãnh nhận bí tích rửa tội và đã được tha thứ và sẽ được tha thứ mỗi khi chúng ta lãnh nhận bí tích hòa giải. Anh chị em đừng quên rằng Chúa Giêsu luôn tha thứ. Ngài không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta. Chúng ta đừng mệt mỏi cầu xin ơn tha thứ. Chính thánh Ambrosio khi suy nghĩ về giá trị cứu độ của Máu Chúa Giêsu đã thốt lên: 'Tôi là người luôn phạm tội, tôi phải luôn cần đến thuốc men' (De sacramentis, 4,28: PL 16, 446A). Trong niềm tin này, cả chúng ta cũng hướng nhìn về Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian và chúng ta cầu khẩn Ngài: 'Lạy Chúa, con chẳng đáng tham dự vào bàn tiệc của Ngài: nhưng chỉ một lời và con sẽ được cứu độ.'"

Nếu chúng ta di chuyển xếp hàng tiến đến bàn thờ để rước lễ, thực tế là chính Chúa Kitô Ngài đến gặp chúng ta để làm cho chúng ta trở nên giống như Ngài. ĐTC giải thích thêm về điểm này: "Nuôi dưỡng mình bằng Thánh Thể có nghĩa là để cho chúng ta thay đổi khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể. Thánh Augustinô giúp chúng ta hiểu điều này khi thánh nhân thuật lại ánh sáng mà thánh nhân nhận được khi nghe Chúa Kitô nói: 'Ta là thức ăn cho những người lớn. Hãy lớn lên và con sẽ ăn Ta. Không phải là con sẽ biến đổi Ta trong con, như thức ăn trở thành thịt của con; nhưng con sẽ được biến đổi trong Ta.' (Confessioni VII, 10, 16: PL 32, 742)." 

"Mỗi khi chúng ta rước lễ, chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu hơn, chúng ta biến đổi hơn trong Chúa Giêsu. Như bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu Chúa, cũng thế những ai lãnh nhận Mình và Máu Chúa với đức tin được biến đổi trong Thánh Thể sự sống. Khi vị linh mục trao Mình Thánh Chúa cho anh chị em và nói: 'Mình Thánh Chúa Kitô', anh chị em trả lời: 'Amen', cụ thể là anh chị em nhận ra ơn phúc và dấn thân để trở thành Mình Chúa Kitô. Trong khi chúng ta liên kết với Chúa Kitô, tách chúng ta ra khỏi sự ích kỷ của chúng ta, Thánh thể mở rộng tâm hồn chúng ta ra và liên kết chúng ta với tất cả những người là một trong Chúa. Đây là sự mầu nhiệm của Thánh Thể: chúng ta trở nên chính điều mà chúng ta nhận lãnh."

"Giáo hội rất mong muốn rằng cả các tín hữu cũng được rước Mình Thánh Chúa được thánh hiến trong cùng một Thánh Lễ; và dấu hiệu của bữa tiệc Thánh Thể được thể hiện bằng tình trạng sung mãn hơn nếu việc Rước Lễ được thực hiện dưới hai hình Bánh và Rượu, dù học thuyết Công giáo dạy rằng khi rước lễ dưới một hình Bánh hoặc Rượu tín hữu cũng nhận được toàn thể Chúa Kitô (cfr Ordinamento Generale del Messale Romano, 85; 281-282). Theo thực hành của Giáo hội, tín hữu xếp hàng lên rước lễ và tín hữu đứng hoặc quỳ với lòng thành kính, tùy theo Hội đồng Giám mục quy định, nhận Thánh thể bằng miệng , hoặc nơi nào cho phép, nhận trên bàn tay, tùy theo mình muốn. (cfr OGMR, 160-161). Sau khi rước lễ, cầu nguyện trong thinh lặng, hoặc đọc một thánh vịnh hay một thánh thi ngợi khen, giúp chúng ta giữ trong lòng mình món quà đã nhận lãnh (cfr OGMR, 88)."

"Phụng vụ Thánh Thể được kết thúc với lời nguyện hiệp lễ, sau rước lễ. Trong lời nguyện này, linh mục thay mặt tất cả, dâng lên Chúa để cám ơn Ngài đã cho chúng ta được tham dự bàn tiệc của Ngài và xin rằng Thánh thể mà chúng ta lãnh nhận biến đổi cuộc sống chúng ta. Lời cầu nguyện ngày nay có ý nghĩa, trong đó chúng ta xin Chúa rằng “sự tham dự vào bí tích của Ngài trở thành  thuốc cứu độ cho chúng ta, chữa lành chúng ta khỏi sự dữ và củng cố chúng ta trong tình bạn với Ngài.” (Messale Romano, Mercoledì della V settimana di Quaresima)."

Vào cuối buổi tiếp kiến. ĐTC chào các nhóm tín hữu thuộc các ngôn ngữ với lời nhắc nhở họ siêng năng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, làm cho mầu nhiệm Tình yêu của Bí tích hiện thực hóa trong cuộc sống hàng ngày của họ qua các việc lành bác ái. ĐTC cũng nhắc các tín hữu đừng mỏi mệt xin ơn Chúa tha thứ trong bí tích hòa giải và trong đau khổ hãy liên kết hơn với thập giá Chúa Kitô, bằng cách phấn đấu trong tha thứ và giúp đỡ lẫn nhau. 

ĐTC cũng chào đặc biệt các tín hữu Ai len đã mang bức ảnh Thánh gia, là bức icon của Đại hội gia đình lần 9 sẽ được tổ chức tại Dublin, thủ đô Ai len vào tháng 8 tới đây. Đồng thời ĐTC loan báo rằng ngài có ý định thăm Dublin, Ailen, từ 25-26 tháng 8, nhân đại hội gia đình thế giới. Ngài cám ơn các chính quyền dân sự, các Giám mục, Giám mục Dublin và những người cộng tác để chuẩn bị chuyến viếng thăm này. (REI 21/03/2018)

 

Tác giả bài viết: Hồng Thủy

Nguồn tin: vi.radiovaticana.va

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tiểu sử các Thánh mang tên Xóm

Matthêu Nguyễn Văn Phượng (1808-1861) 

Matthêu Nguyễn Văn Phượng (Ðắc), Sinh năm 1808 tại Kẻ Lái, Quảng Bình, Trùm họ, Cũng như Anrê Dũng-Lạc, ngài dùng tên hiệu. Bị xử trảm (chết chém) ngày 26/05/1861 tại Ðồng Hới dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô...

LOGO PHỤNG VỤ
Linh mục quản xứ
lm1
Phaolô Trần Văn Quang
GIỜ LỄ
Kết nối mạng xã hội
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Đăng nhập thông qua Facebook
KẾT NỐI

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây