Năm Thánh tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được bắt đầu vào ngày 19.6.2018 và kết thúc vào ngày 24.11.2018. Và tại TGP Huế, Thánh Lễ Khai Mạc được cử hành vào lúc 19g00 ngày 19.6.2018 tại Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam.
Trước Thánh Lễ là phần Rước Kiệu Xương Thánh của các Vị Tử Đạo tại Huế, các đoàn thể tham gia Rước Kiệu khởi đi từ Trung Tâm Mục Vụ Huế và di chuyển lên Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam. Có thể nói sau 18 năm (dịp kỷ niệm 150 thành lập Giáo phận Huế năm 2000) thì trong Giáo phận lại có cuộc Rước Kiệu trọng thể với quãng đường đi và số lượng người tham dự đông đảo như vậy.
Tại Trung Tâm Mục Vụ TGP Huế, mọi người tham dự có dịp được lắng nghe tiểu sử Các Thánh Tử Đạo trong Giáo phận Huế. Và đúng 19g00, Cha Antôn Dương Quỳnh, Tổng Đại Diện TGP Huế làm dấu Thánh giá, chào chúc bình an và tuyên bố lý do của cuộc Rước Kiệu tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay.
Sau đó, bắt đầu đoàn kiệu với thứ tự đi đầu là Thánh Giá, đèn hầu, di ảnh của 117 Vị Thánh Tử Đạo Việt Nam, các em Lễ Sinh Phủ Cam, các hội đoàn: Legio, Phan Sinh tại thế, Dòng Ba Carmêlô, đại diện Hội Đồng Giáo Xứ trong các Giáo hạt, các Dòng tu trong Giáo phận, Đại Chủng Sinh, Linh mục Đoàn, di ảnh 16 Thánh Tử Đạo của Giáo phận Huế, Cha Tổng Đại Diện Antôn chủ sự và cuối cùng là Bàn kiệu Xương Thánh Các Thánh Tử Đạo.
Từng đoàn người di chuyển với những bài hát và những lời kinh để tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Trên tay mỗi người đều cầm những ánh nến lung linh, tạo cho màn đêm thêm huyền ảo, thiêng liêng và tuyệt vời. Hình ảnh này một lần nữa tái hiện lại khung cảnh ngày xưa khi Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hiên ngang tiến ra pháp trường để làm chứng cho đức tin, và cũng là khung cảnh đó thì phần thưởng xứng đáng chính là từng đoàn người nối tiếp nhau hiên ngang bước vào Cánh Cửa Nước Trời sau những ngày tháng gian khổ vì đạo Chúa.
Khi đến trước tiền đường Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam, với hàng ngàn giáo dân quy tụ xung quanh chật kín cả khuôn viên, quý Cha Hạt trưởng, Cha Quản xứ Chính Tòa và Cha Quản Nhiệm La Vang đã cung nghinh hào quang Xương Thánh, lên đặt trên đài cao đã dựng sẵn trước tiền đường. Các em thiếu nhi Giáo xứ Chính Tòa dâng vũ khúc “Đây bài ca ngàn trùng” để mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Sau đó, quý Cha đại diện cho Linh mục đoàn, đại diện các Dòng tu nam nữ, Hội Đồng Giáo xứ và các ban ngành đoàn thể lần lượt niệm hương trước Thánh Tích Các Thánh Tử Đạo.
Đoàn rước tiếp tục tiến vào Nhà thờ, bắt đầu Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam do Cha Antôn Dương Quỳnh, Tổng Đại Diện TGP Huế chủ tế.
Mở đầu Thánh lễ, Cha Antôn nói lên ý nghĩa của Thánh Lễ hôm nay, những giá trị về sự hy sinh của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, và trong suốt 300 năm truyền giáo với nhiều gian khổ, đau thương của các vị thừa sai, thì hôm nay trên chính trên mảnh đất truyền giáo Việt Nam đã trổ sinh nhiều hoa trái.
Giáo Hội Việt Nam càng ngày càng lớn lên chính nhờ máu Các Thánh Tử Đạo đã đổ ra, với tình yêu sắt son, kiên trung của các Ngài là tấm gương để mỗi người noi theo, và qua Thánh Lễ này nguyện dâng lên Thiên Chúa để Năm Thánh này được tốt đẹp, mang lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho mọi người.
Sau bài Tin Mừng, cha Đaminh Phan Hưng, Tổng Thư Ký Hội Đồng Mục Vụ TGP Huế, Trưởng Ban tổ chức Năm Thánh đã có những tâm tình chia sẻ với cộng đoàn hiện diện.
Trước hết, Ngài nói lên tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và vui mừng hãnh diện vì những chứng nhân anh dũng ngày xưa, đã dám sống mầu nhiệm hạt lúa được gieo vào lòng đất, chấp nhận chết đi để mang lại nhiều hoa trái. Ngài nhắc lại sự kiện cách đây đúng 30 năm, ngày 19.6.2018 tại quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chia sẻ niềm vui với con dân đất Việt đang tề tựu trong lễ tuyên phong hiển thánh cho 117 Vị Tử Đạo Việt Nam rằng: “Anh chị em là dòng giống các Vị Tử Đạo! Là dòng giống những người được tuyển chọn! Nguyện chúc cho mùa lúa vàng của anh chị em muôn năm tồn tại trong hoan lạc!”.
Ngài cho thấy trong 117 Vị được tuyên phong Hiển thánh gồm có: 8 vị giám mục, 50 linh mục, 59 giáo dân, đặc biệt có một phụ nữ là Thánh Anê Lê Thị Thành mẹ của sáu người con. Đây chỉ là con số tiêu biểu cho hơn 300 ngàn Vị Tử Đạo trong thời gian 300 năm Giáo Hội Việt Nam bị bách hại qua các thời đại.
Ngài nhấn mạnh cho thấy nét độc đáo nơi cái chết của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam mà chúng ta tự hào chính là tình yêu. Một tình yêu mà chính Chúa Giêsu, Đấng sáng lập Giáo Hội đã rao giảng, đã sống và đã chết. Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam đã đi vào quỹ đạo của tình yêu ấy, lấy yêu thương xóa tan hận thù, lấy cái chết hiến mạng cho người mình yêu: người mình yêu đó là Thiên Chúa cao cả, là quê hương dân tộc yêu dấu, là những con người và gia đình làng xóm ruột thịt. Ngài dẫn chứng cụ thể như một Phaolô Tống Viết Bường, một người con của Phủ Cam cứ mỗi lần bị đem ra tra khảo về niềm tin và buộc bỏ đạo thì ông luôn trả lời: “Lâu nay tôi chỉ thờ một Thiên Chúa dựng nên vạn vật, lẽ nào bây giờ lại bỏ Chúa tôi?”. Hay như một Giuse Lê Đăng Thị Giáo xứ Kẻ Văn, làng Văn Quỹ, Quảng trị khi sắp bị hành hình đã kêu lớn tiếng: “Vạn phúc! Vạn phúc! Tôi sắp được tử đạo”. Có ai sắp bị đem chém mà lại reo lên cách vui mừng như thế! …
Cuối cùng, Cha Đaminh mời gọi mỗi người hãy noi gương Các Thánh Tử Đạo, sống tinh thần của các ngài: tinh thần của Tin Mừng, giá trị của Tin mừng là yêu thương, tha thứ, phục vụ, quên mình….nhất là trong giai đoạn các giá trị tinh thần cao quý đang ngày càng xuống dốc ở xã hội Việt Nam, làm băng hoại tàn phá các mối tương quan tốt đẹp giữa người với người, giữa gia đình và xã hội, mà theo cách ví von của thánh Augustinô, có một cuộc xung đột giữa hai tình yêu: một bên là lòng yêu mến Thiên Chúa đến độ coi rẻ chính mình và một bên là lòng yêu mình đến độ coi rẻ Thiên Chúa. Ngài khẳng định: chỉ có những giá trị của Tin Mừng yêu thương mà Các Thánh Tử Đạo đã một lần đổ máu ra để minh chứng, những giá trị đó sẽ làm cho con người nên người hơn, nhân văn hơn, hạnh phúc hơn. Những giá trị Tin Mừng đó sẽ làm cho xã hội an bình trật tự hơn, nề nếp hơn, vì được dựng xây trên nền tảng của tình thương, công lý và sự thật.
Sau lời nguyện hiệp lễ, quý Cha Hạt trưởng, Cha Quản xứ Chính Tòa và Cha Quản Nhiệm La Vang đã cung nghinh hào quang Xương Các Thánh Tử Đạo, để đặt bên cánh trái của Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam, là nơi có phần mộ của Đức Cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền. Tiếp đến, cộng đoàn tham dự được lắng nghe Sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao về việc lãnh nhận Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh này.
Kết thúc Thánh lễ, Cha Antôn chủ tế cùng với quý Cha ban phép lành với Ơn Toàn Xá cho tất cả mọi người tham dự. Năm Thánh tại TGP Huế chính thức được mở ra, nhiều Nhà thờ được Đấng Bản Quyền trong Giáo phận cho phép làm địa điểm hành hương để lãnh nhận Ơn Toàn Xá như: Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam, Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang, Nhà thờ Dương Sơn, Nhà thờ An Truyền, Nhà thờ Nước Ngọt, Nhà thờ Hà Úc.
Tác giả bài viết: Ban Truyền Thông TGP Huế
Nguồn tin: tonggiaophanhue.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (Năm) là một y sĩ và là thầy giảng; sinh năm 1768 tại Mỹ Hương, Quảng Bình; chết 10 tháng 7 năm 1840 tại Ðồng Hới. Ngài bị bắt năm 1838 vì thuộc Hội Thừa Sai Balê. Trong hai năm tù ngài chăm lo cho các tù nhân và chịu đựng nhiều cuộc tra tấn. Bị xử giảo (thắt...