Lúc 2 giờ rưỡi chiều, ĐTC đã đến Trung tâm thể thao Hoàng Thân Moulay Abdellah ở thủ đô Rabat, cách Tòa Sứ thần Tòa Thánh 8 cây số để cử hành thánh lễ duy nhất trong chuyến viếng thăm này. Hoàng thân Moulay Abdella là con út của Vua Mohammed V và là em của Vua Hassan II, tức là chú ruột của Vua Mohammed VI hiện nay của Maroc.
Hơn 8 ngàn tín hữu đến từ nhiều nơi ở Maroc đã có mặt tại thao trường để chào đón ĐTC và tham dự thánh lễ do ngài chủ sự. Đồng tế với ĐTC có các Hồng Y GM thuộc đoàn tùy tùng, 2 vị TGM tại Maroc, và khoảng 10 GM từ các nước lân cận như Algérie, Tây Ban Nha, cùng với hàng chục linh mục.
Bài giảng của ĐTC
Trong bài giảng, ĐTC đã diễn giải bài Tin Mừng thuật lại dụ ngôn người cha nhân từ chờ đợi và vui mừng đón tiếp người con thứ hoang đàng trở về, còn người con cả thì giận dữ trước thái độ của người cha đón tiếp đứa con hư hỏng trở về và truyền mở tiệc ăn mừng. ĐTC nhận xét rằng:
Thái độ của người con cả
”Trong sự thiếu khả năng tham dự bữa tiệc mừng, người con cả không những không nhìn nhận đứa em và cũng chẳng nhìn nhận cha mình. Anh ta thích thân phận kẻ mồ côi hơn là tình huynh đệ, thích cô lập hơn là gặp gỡ, thích cay đắng hơn là tiệc mừng. Không những anh ta chẳng hiểu và tha thứ cho đứa em, nhưng cũng chẳng chấp nhận sự kiện mình có một người cha có khả năng tha thứ, sẵn sàng chờ đợi và cảnh giác để không ai bị loại trừ, tắt một lời, đó là một người cha có khả năng cảm thương.
Dụ ngôn phản ánh thực tại nhân loại
Từ nhận xét đó, ĐTC nói: ”Trên ngưỡng cửa nhà ấy, dường như có biểu lộ mầu nhiệm nhân loại chúng ta: một đàng có tiệc mừng vì người con được tìm lại, và đàng khác có một thứ tâm tình nổi loạn và phẫn nộ vì sự kiện người ta ăn mừng sự trở về của đứa em. Một đàng là sự đón tiếp người đã cảm nghiệm lầm than và đau khổ, hôi hám và mong được ăn thực phẩm heo ăn; đàng khác là sự giận dữ vì người ta dành chỗ cho kẻ không xứng đáng và không đáng được hưởng vòng tay ôm như thế.
Vì thế, nơi đây một lần nữa, ta thấy sự căng thẳng xuất hiện nơi dân chúng, trong các cộng đoàn chúng ta và thậm chí nơi chính chúng ta nữa. Một sự căng thẳng, đi từ Cain và Abel, đang ở trong chúng ta và chúng ta được mời gọi nhìn thẳng mặt nó. Ai là người có quyền ở lại giữa chúng ta, được một chỗ nơi bàn ăn của chúng ta, trong các cuộc hội họp, giữa những lo âu và bận tâm của chúng ta, trong các quảng trường và thành thị của chúng ta? Dường như câu hỏi giết em này tiếp tục vang âm: ”Tôi có phải là người canh giữ em tôi đâu?” (Xc St4,9)
Nhân loại bị chia rẽ và oán thù
ĐTC giải thích rằng ”Chắc chắn cũng có bao nhiêu hoàn cảnh có thể nuôi dưỡng chia rẽ và xung đột; không thể chối là có những tình trạng có thể đưa chúng ta đến chỗ xung đột và chia rẽ. Chúng ta không thể phủ nhận điều đó. Chúng ta luôn bị đe dọa vì cám dỗ tin tưởng nơi oán ghét và báo thù như những hình thức hợp pháp để đạt công lý một cách mau lẹ và hữu hiệu. Nhưng kinh nghiệm cho chúng ta thấy oán ghét, chia rẽ và báo thù chỉ giết hại tâm hồn dân chúng ta, làm cho niềm hy vọng của con cái chúng ta bị ô nhiễm, và phá hủy, tước mất tất cả những chỉ chúng ta yêu mến”.
Để vượt thắng cần hướng nhìn trái tim Người Cha
Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn và chiêm ngắm trái tim Người Cha. Chỉ từ đó chúng ta mới có thể khám phá mỗi ngày chúng ta là anh chị em với nhau. Chỉ từ chân trời mở rộng ấy mới có thể giúp chúng ta vượt thắng những tiêu chuẩn thiển cận, chia rẽ, và nhờ đó chúng ta mới có thể đạt tới một cái nhìn không chủ trương che đậy hoặc phủ nhận những khác biệt giữa chúng ta, bằng cách tìm kiếm một sự ép buộc hiệp nhất hoặc âm thầm gạt ra ngoài lề. Chỉ khi nào chúng ta có khả năng mỗi ngày ngước mắt lên trời và đọc kinh ”Lạy Cha chúng con”, chúng ta mới có thể đi vào năng động giúp chúng ta nhìn và dám sống với nhau, không phải như kẻ thù, nhưng như anh chị em với nhau”.
Tham gia vào tình thương xót của Cha
Tiếp tục bài giảng, ĐTC giải thích lời người Cha nói với người con cả: “Tất cả những gì của cha là của con” (Lv 15,31), đây không phải chỉ là của cải vật chất, nhưng còn là sự tham gia vào chính tình thương và lòng cảm thương của Cha. Đó là gia tài và là sự phong phú lớn nhất của Kitô hữu.
”Tất cả những gì của cha là của con”, cả khả năng thương xót của cha nữa. Chúng ta đừng chiều theo cám dỗ thu hẹp thân phận làm con của chúng ta vào vấn đề luật lệ và cấm đoán, các nghĩa vụ và những chu toàn. Sự kiện chúng ta thuộc về cha và sứ mạng của chúng ta không nảy sinh từ sự duy ý chí, duy luật lệ, duy tương đối hoặc duy hoàn hảo, nhưng từ những người tin tưởng, hằng ngày khiêm tốn và kiên trì cầu khẩn: ”Xin cho nước Cha được hiển trị!”
Mỗi người bổ túc phần kết bỏ ngỏ của dụ ngôn
ĐTC nhận xét rằng dụ ngôn Tin Mừng ở đây để ngỏ phần kết. Chúng ta thấy người cha xin người con cả hãy vào dự tiệc lòng thương xót. Thánh Sử Tin Mừng không cho biết đâu là quyết định của người con cả về vấn đề này? Anh ta có vào dự tiệc mừng không? Chúng ta có thể nghĩ rằng phần kết thúc này được bỏ ngỏ với mục đích để mỗi cộng đoàn, mỗi người chúng ta, có thể viết vào đó bằng cuộc sống của mình, bằng cái nhìn và thái độ đối với người khác. Kitô hữu biết rằng trong nhà Cha có nhiều chỗ, chỉ những ai không muốn vào để tham gia niềm vui mới ở ngoài mà thôi.
Cám ơn và khích lệ các tín hữu tại Maroc
Và ĐTC cám ơn các tín hữu Công Giáo Maroc vì cách thức của họ làm chứng cho Tin Mừng lòng thương xót tại đất nước này. Ngài nói:
”Cám ơn anh chị em vì những cố gắng đã làm để các cộng đoàn của anh chị em trở thành những ốc đảo của lòng thương xót. Tôi khuyến khích và thúc giục anh chị em hãy tiếp tục làm tăng trưởng nền văn hóa thương xót, một nền văn hóa trong đó không ai nhìn người khác trong thái độ dửng dưng hoặc quay đi nơi khác khi thấy đau khổ của tha nhân”. Anh chị em hãy tiếp tục gần gũi những người bé nhỏ và nghèo hèn, những người bị phủ nhận, bị bỏ rơi và bị làm ngơ không biết tới, hãy tiếp tục là dấu chỉ vòng tay ôm và con tim của Chúa Cha”
Lời cám ơn của Đức TGM giáo phận Rabat
Cuối thánh lễ, Đức TGM Lopez Romero của giáo phận Rabat sở tại đã ngỏ lời cám ơn ĐTC vì đã đến đây để ”củng cố chúng con trong đức tin và khích lệ chúng con trong sứ mạng xây dựng Nước Chúa trên phần đất Maroc này... Cuộc viếng thăm của ĐTC là một sự khích lệ cho tất cả chúng con. ĐTC vẫn liên tục mời gọi các Kitô hữu đi ra ngoài, tới những khu ngoại biên, và ĐTC cũng thực hiện nêu gương cho chúng con..
”Cám ơn ĐTC đã khích lệ chúng con dấn thân bênh vực những người nghèo khổ túng thiếu nhất, và cũng nâng đỡ chúng con trong cuộc đối thoại giữa người Hồi giáo và Kitô.. Chúng con muốn được như ĐTC, trở thành những người kiến tạo những nhịp cầu, chứ không xây tường, hoặc đào hào đào hố, và cũng chẳng lập những hàng rào tại biên giới.”
Lời cám ơn cuối lễ của ĐTC
Trước khi rời địa điểm hành lễ, ĐTC còn lên tiếng ”chúc tụng Chúa đã cho ngài được thực hiện chuyến viếng thăm này, để trở thành người phục vụ Hy Vọng trước mặt và cùng với anh chị em”. Ngài cũng cám ơn Nhà Vua, chính quyền, các GM, LM tu sĩ nam nữ và tất cả các tín hữu và giáo dân ở Maroc đang phục vụ cuộc sống sứ mạng của Giáo Hội, cũng như tất cả những người đã cộng tác vào việc tổ chức chuyến viếng thăm của ngài.
ĐTC bày tỏ lòng biết ơn và khuyến khích các tín hữu hãy kiên trì trên con đường đối thoại và cộng tác với các anh chị em Hồi giáo, cộng tác để tình huynh đệ đại đồng này được trơ nên cụ thể, tình huynh đệ bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa.
Thánh lễ kết thúc lúc 4 giờ rưỡi chiều và liền đó, ĐTC đã ra phi trường thủ đô Rabat. Tại đây Quốc vương Mohammed VI đã chờ sẵn đễ tiễn biệt ngài trong nghi thức đơn sơ.
Chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không hoàng gia Maroc cất cánh lúc quá 5 giờ chiều, chở ĐTC và đoàn người cùng đi, theo dự kiến sẽ về Roma lúc 9 giờ rưỡi tối, kết thúc chuyến viếng thăm mục vụ thứ 28 của ngài tại nước ngoài.
Tác giả bài viết: G. Trần Đức Anh OP - Vatican
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (Năm) là một y sĩ và là thầy giảng; sinh năm 1768 tại Mỹ Hương, Quảng Bình; chết 10 tháng 7 năm 1840 tại Ðồng Hới. Ngài bị bắt năm 1838 vì thuộc Hội Thừa Sai Balê. Trong hai năm tù ngài chăm lo cho các tù nhân và chịu đựng nhiều cuộc tra tấn. Bị xử giảo (thắt...