Học viện Công giáo Việt Nam khai giảng niên khoá 2017-2018

WHĐ (20.09.2017) – Thứ Năm 14 tháng Chín 2017, Học viện Công giáo đã tổ chức lễ Khai giảng và cử hành Thánh lễ thánh hoá năm học mới tại nhà thờ Hàng Xanh, Tổng giáo phận Sài Gòn – TP.HCM.
“Tự do giáo dục là một phương tiện quan trọng
để thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng cho xã hội hôm nay”
Học viện Công giáo Việt Nam khai giảng niên khoá 2017-2018
 
Tham dự lễ Khai giảng có Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng giám mục Huế, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam; Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục giáo phận Xuân Lộc, Viện trưởng Học viện Công giáo; Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục gồm quý Đức cha: Giuse Nguyễn Năng, Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giuse Vũ Văn Thiên; quý Đức Tổng giám mục và giám mục các giáo phận: Đức hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Phaolô Bùi Văn Đọc, Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Cosma Hoàng Văn Đạt, Giuse Châu Ngọc Tri, Tôma Vũ Đình Hiệu, Stêphanô Tri Bửu Thiên, Phêrô Huỳnh Văn Hai, Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh, Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Gioan Đỗ Văn Ngân, Louis Nguyễn Anh Tuấn, Đa Minh Nguyễn Chu Trinh – nguyên Giám mục giáo phận Xuân Lộc, Giuse Nguyễn Văn Yến – nguyên Giám mục giáo phận Phát Diệm.
Tham dự lễ Khai giảng còn có quý cha Giám đốc Đại chủng viện; quý Bề trên Dòng tu và Học viện; quý ân nhân và quý khách cùng với các sinh viên.
Đặc biệt, cũng có sự hiện diện của Đức Tổng giám mục Savio Hon Tai-Fai, SDB, Thư ký Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc và Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, tân Sứ thần Toà Thánh tại Israel kiêm Khâm sứ Toà Thánh tại Giêrusalem và Palestina.
Sau đây là bài phát biểu của Đức Tổng giám mục Giuse Chủ tịch Hội đồng Giám mục và của Đức cha Giuse Viện trưởng Học viện tại lễ Khai giảng.
***
Diễn văn chào mừng
của Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh,
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam
 

Kính thưa cộng đoàn hiện diện,
Trong tư cách Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, tôi được ban tổ chức phân công nói lời chào mừng quý vị khách quý.
Vậy trước hết, với tình con thảo của Giáo hội Việt Nam đối với Toà Thánh Vatican, tôi xin kính chào Đức Tổng Giám mục Hon Tai Fai, thư ký Bộ Truyền giáo.
Với lòng quý mến và biết ơn đối với vị Đại diện Toà Thánh đang đồng hành với Giáo hội Việt Nam, tôi kính chào Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli.
Trong tình huynh đệ Giám mục, con kính chào Đức hồng y Phêrô, quý Đức Tổng, quý Đức cha thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Cách riêng, con kính chào Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục giáo phận Xuân Lộc, được Hội đồng Giám mục uỷ thác nhiệm vụ Viện trưởng Học viện Công giáo Việt Nam.
Trong tình hiệp thông rộng lớn của Giáo hội, tôi cũng kính chào quý cha Giám đốc Đại chủng viện, quý Bề trên Dòng tu và Học viện đang chia sẻ trách nhiệm đào tạo thế hệ linh mục và tu sĩ tương lai cho Giáo hội.
Cách đặc biệt, tôi kính chào và nói lời tri ân trân trọng nhất đối với ông Phêrô Trần Đại Hải, Phó Chủ tịch Tập đoàn Nguyễn Hoàng, bà Têrêsa Hoàng Nguyễn Thu Thảo, Tổng Giám đốc Đại học Quốc tế Hồng Bàng.
Cùng với lời chào kính trọng, tôi cũng muốn biểu lộ lòng biết ơn đối với các vị ân nhân, mỗi người theo cách thế riêng của mình, nhưng tất cả đều đã hỗ trợ Hội đồng Giám mục Việt Nam thực hiện kế hoạch Học viện Công giáo.
Tôi không quên gửi lời chào thân ái đến toàn thể tham dự viên của ngày khai giảng Học viện Công giáo: quý vị chủ tịch tập đoàn, giám đốc doanh nghiệp, các cơ quan đồng cấp. Tôi cầu mong sự kiện này mở ra cho chúng ta một viễn ảnh tương lai tương xứng với sự mong đợi của tất cả chúng ta.
Kính thưa các đấng các bậc trong Hội Thánh Công giáo,
Kính thưa quý vị khách quý,
Học viện Công giáo chính thức khai trương ngày 14-09-2016. Và vì chưa có cơ sở nên Đức cha Viện trưởng đành phải mượn Văn phòng Tổng thư ký Hội đồng Giám mục ở số 72/12 đường Trần Quốc Toản, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh làm nơi sinh hoạt.
Hôm nay là ngày khai giảng niên khoá 2017-2018. Không gian tổ chức không còn là Văn phòng Tổng thư ký nữa nhưng vẫn tiếp tục đi mượn. Ai đó đã thắc mắc tại sao không chờ xây dựng xong cơ sở đã rồi hãy bắt đầu hoạt động. Có lẽ họ không ngờ rằng “bao giờ Học viện Công giáo mới có cơ sở” cho đến nay vẫn là một câu hỏi chưa có đáp án. Trong hiện tình xã hội Việt Nam, nhất là tại các thành phố hoặc địa điểm thuận tiện cho nhu cầu của Học viện không phải là chuyện đơn giản. Học viện Công giáo, ít là cho đến nay, quả là một “học viện siêu hình”: địa chỉ không phải của riêng mình, cơ sở không có ngày hẹn khởi công.
Theo tinh thần của Công đồng Vatican II, giáo dục luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Giáo hội. Ngoài việc giáo dục đức tin cho tín hữu, Giáo hội còn muốn góp phần thăng tiến con người, xã hội và đất nước nơi mình đang sống.
Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, nguyên chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong diễn từ nhân ngày công bố quyết định thành lập Học viện Công giáo 06-08-2015, đã phát biểu rằng: “giáo dục là chìa khóa và đối với Giáo hội, sự tự do giáo dục là một phương tiện quan trọng thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng cho xã hội hôm nay”.
Vì sứ mệnh đó mà khắp nơi trên thế giới, Giáo hội Công giáo luôn tham gia tích cực vào sự nghiệp giáo dục quốc gia. Tại Mỹ chẳng hạn, Giáo hội Công giáo có đến gần 200 trường đại học, cao đẳng, học viện, trong đó, Trường Đại học Đức Bà (University of Notre Dame) và trường Đại học Georgetown (Georgetown University) thuộc nhóm “top” 100 đại học uy tín nhất thế giới.
Tại Việt Nam, Giáo hội Công giáo từ bao đời, cũng luôn trăn trở thực thi sứ mệnh giáo dục. Cũng vì vậy mà trước năm 1975, đặc biệt tại miền Nam, Giáo hội Công giáo có hàng ngàn loại trường khác nhau. Theo thống kê nội bộ năm 1974, Giáo hội Công giáo Việt Nam vào thời điểm ấy có đến 1122 trường Tiểu học; 93 trường Trung học; 3 trường Đại học (Đà Lạt, Minh Đức và La san); 48 bệnh viện, 58 cô nhi viện, nhiều cơ sở từ thiện bác ái khác, thậm chí có cả trường dạy nghề, trường kỹ thuật, khiếm thị, khiếm thính, trường miễn phí cho sinh viên học sinh nghèo không phân biệt tôn giáo hoặc chính kiến.
Những hoạt động đó nay không còn nữa. Theo quyết định của nhà cầm quyền Việt Nam ngày 06-08-2015, Học viện Công giáo được phép hoạt động nhưng chỉ trong cương lĩnh giới hạn là một học viện thần học dành cho linh mục, tu sĩvà chủng sinh. Đang khi đó, nguyện vọng của Hội đồng Giám mục, qua thư mục vụ 2010, là được đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước trong mọi lãnh vực. Hội đồng đã chính thức yêu cầu Nhà Nước Việt Nam “mở rộng cánh cửa cho các tôn giáo và những người thành tâm thiện chí tham gia vào việc giáo dục học đường và y tế”, có nghĩa là được mở các loại trường cho mọi thành phần xã hội theo tinh thần của Giáo hội và như cách làm của các nước tiên tiến trên thế giới.
Không ai biết giấc mơ ấy đến khi nào và có may mắn trở thành hiện thực không. Tuy nhiên, nếu lạc quan, xem ra sự việc sẽ không đến nỗi bế tắc. Trong ngày thành lập Học viện, Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã công khai đề cao tinh thần đối thoại cởi mở của Nhà Nước Việt Nam thời gian gần đây. Theo chiều hướng đó, chúng ta hy vọng ngày hôm nay sẽ là một điểm mốc lịch sử khép lại một quãng thời gian dài hàng mấy chục năm Giáo hội Công giáo Việt Nam ngưng hoạt động giáo dục phổ thông.
Con đường trước mặt có thể còn dài, còn xa và còn lắm chông gai, nhưng ít ra, việc thành lập và khai giảng Học viện Công giáo hôm nay có khả năng mở ra một chân trời mỗi lúc một thoáng đãng hơn cho các tôn giáo nói chung và cách riêng cho Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Theo lịch phụng vụ Công giáo, hôm nay là ngày Suy tôn Thánh giá Chúa Kitô. Thánh giá không phải là biểu tượng của ô nhục, đau khổ và của ngõ cụt. Thánh giá là chặng đường phải đi qua để tiến tới vinh quang Phục Sinh. Tất cả mọi thứ vinh quang huy hoàng đều phải trải qua biện chứng “vạn sự khởi đầu nan”. Đó là con đường của lịch sử theo nghĩa bình thường nhất. Đó là con đường của Giáo hội suốt hai chục thế kỷ qua. Đó là con đường sứ mệnh của mỗi người chúng ta. Và đó cũng là con đường đầy hứa hẹn của Học viện công giáo Việt Nam.
Sau cùng, đó cũng là lời cầu chúc tôi xin gửi đến mọi người, từng người, đến tất cả những ai đang chung tay góp sức xây dựng tương lai của đất nước, dân tộc, Giáo hội và Học viện công giáo. Cầu chúc Ban Giám đốc, Ban Giảng huấn và các học viên Học viện Công giáo một ngày khai giảng và một niên khóa mới đầy dấu ấn thiêng liêng.
Xin trân trọng cám ơn.
+ Giuse Nguyễn Chí Linh
Tổng Giám mục Huế
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam
Chưởng ấn Học viện Công giáo
 
***
Bài phát biểu của Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo,
Viện trưởng Học viện Công giáo Việt Nam

Trọng kính Đức Tổng Savio Hon Tai-Fai, Thư ký Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc,
Trọng kính Đức Tổng Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, Tân Sứ thần Tòa Thánh tại Israel,
Trọng kính Đức Tổng Giuse, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Chưởng ấn Học viện Công giáo Việt Nam, Đức hồng y và quý Đức cha,
Kính thưa Ông Trần Tấn Hùng, Phó Ban Tôn Giáo Chính Phủ phía Nam,
Kính thưa quý Cha Tổng Đại diện, quý Đức Ông, quý Cha và quý Sơ Tổng Phụ trách, Giám tỉnh các Hội Dòng, quý Cha Giám đốc Đại chủng viện, quý Cha, quý Sơ Giám đốc Học viện, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, quý ân nhân, quý khách và tất cả cộng đồng Dân Chúa,
Sau nhiều năm thao thức và chuẩn bị và sau một năm sinh hoạt thử nghiệm, hôm nay con hân hoan trình Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN) lên quý Đức cha cũng như tất cả cộng đoàn Dân Chúa và quý ân nhân, quý khách.
Số linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân đã trúng tuyển các kỳ thi tuyển sinh và được ghi danh vào Học viện Công giáo năm 2017 – 2018 gồm:
Năm I Chương trình Cử nhân Thần học: 40 tu sĩ nam nữ và giáo dân
Năm Chuẩn bị vào chương trình Cao học Thần học: 10 linh mục và tu sĩ
Năm I Chương trình Cao học Thần học: 18 linh mục và tu sĩ
Tổng cộng: 68 sinh viên.
Trong bài phát biểu ngày khai giảng năm chuẩn bị vào chương trình Cao học Thần học của Học viện Công giáo Việt Nam, cũng vào ngày lễ Suy tôn Thánh Giá, 14/9/2016, con đã lược qua lịch sử hình thành và trình bày viễn tượng của HVCGVN. Hôm nay con xin được trình bày vắn gọn 2 điều:
– Nét tinh thần đặc trưng của HVCGVN
– Giới thiệu các cộng tác viên trong việc giảng huấn và điều hành HVCGVN
1. Nét tinh thần đặc trưng
Cũng như mọi Phân khoa Thần học dưới quyền Tòa Thánh, Học viện Công giáo Việt Nam có đủ cơ cấu và chương trình theo quy luật của Bộ Giáo dục Công giáo. Điểm đặc biệt của Học viện Công giáo Việt Nam là yếu tố tinh thần như lực đẩy gây hứng thú và hướng dẫn mọi sinh hoạt của Học viện.
– Dấu nhấn thứ nhất là tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa
Việc giảng dạy và học hỏi tại Học viện Công giáo Việt Nam mang một sắc thái riêng biệt là nỗ lực tìm kiếm và truyền đạt Đức khôn ngoan:
“Đức Khôn ngoan tôi đã thành tâm học hỏi được,
xin truyền đạt hết, không dè sẻn chi.
Tôi không hề giấu giếm của cải phong phú của Đức Khôn Ngoan.
Đức Khôn Ngoan là kho báu vô tận cho con người.”
(Kn 7,13-14)
Trong khi áp dụng các phương pháp khoa học thích hợp với ngành Thần học để học hỏi và nghiên cứu, các sinh viên của Học viện Công giáo Việt Nam được hướng dẫn để tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Các lý thuyết thần học được tìm hiểu như những nỗ lực của nhiều thế hệ đã dày công tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà tột đỉnh là Thánh Giá Chúa Kitô. Chính vì thế, thánh Phaolô đã tuyên bố: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.” (1 Cr 1,22-25).
Trong viễn tượng đó, HVCGVN là cộng đoàn Đức Tin của những môn đệ đã được lôi cuốn bởi Đấng, vì thương yêu nhân loại, đã xuống thế làm người, đã chịu đau khổ,chịu chết và đã sống lại cho nhân loại được sống. Đây là đoàn môn đệ biết nói như ngôn sứ Giêrêmia: “Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng con.” (Gr 20,7).
– Tinh thần hiệp nhất
Dấu nhấn tinh thần thứ hai là tinh thần hiệp nhất, có khả năng quy tụ những yếu tố khác biệt và biến chúng thành yếu tố bổ túc cho nhau, làm cho tất cả được thêm phong phú.
Tinh thần hiệp nhất tiềm ẩn ngay từ bản chất của Học viện Công giáo Việt Nam vì là chủ trương của HĐGMVN cho toàn thể Giáo hội Công giáo Việt Nam và việc thực hiện của Học viện là kết quả của sự cộng tác của các Giáo phận, các Dòng tu và các cá nhân Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân.
2. Giới thiệu nhân sự của HVCGVN
Ý tưởng đẹp sẽ chỉ là lý thuyết, chương trình hay sẽ chỉ là giấc mơ, nếu không có người thực hiện. Những con người thực hiện chính là các giáo sư, các cộng tác viên trong Ban Đồng hành – Tư vấn, Văn phòng Thư ký, Thư viện và Ban Tài chánh mà hôm nay con hân hạnh giới thiệu với quý Đức cha, quý Bề trên, quý Khách, quý Ân nhân và các sinh viên của HVCGVN.
– Ban Học vụ: chịu trách nhiệm về chương trình học, sự chọn lựa các giáo sư, việc giảng dạy. Đứng đầu Ban Học vụ là cha giáo Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ;
– Ban Đồng hành: Ban này có hai tiểu ban: Tiểu ban Đồng hành trí thức và Tiểu ban Đồng hành đời sống. Ban Đồng hành được phối kết chặt chẽ với Ban Học vụ;
– Ban Thư viện: Đứng đầu Ban Thư viện là cha Giacôbê Đỗ Hữu Nghĩa, OP;
– Ban Ngôn ngữ: Đứng đầu Ban ngôn ngữ là cha giáo Giuse Tạ Huy Hoàng, TGP Sài Gòn:
– Ban Thư ký: Đứng đầu Ban Thư ký là cha Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng;
– Ban Tài chánh: Ban tài chánh của HVCGVN được chia thành 3 Tiểu ban: Tiểu ban Gây quỹ, Tiểu ban Quản lý và Tiểu ban Kế toán. Đứng đầu Ban Tài chánh là cha giáo Giuse Tạ Huy Hoàng.
Sau cùng con xin có lời cám ơn chân thành gửi đến tất cả quý Đức cha trong Hội đồng Giám mục Việt Nam và quý Bề trên, cách riêng, quý Đức cha và quý Bề trên đã sẵn sàng cho phép các Linh mục, Tu sĩ dưới quyền được hy sinh thời giờ và sức lực để cộng tác với HVCGVN.
Một lời cám ơn chân thành xin gửi đến Tập đoàn Nguyễn Hoàng và tất cả quý Ân nhân đã, đang hoặc sẽ trợ lực cho HVCGVN.
Sau cùng, tôi xin chân thành cám ơn Ban Tổ Chức, cách riêng:
– Cha Chánh xứ và các cộng tác viên của giáo xứ Hàng Xanh;
– Cha Đặc trách Phụng vụ giáo phận Xuân Lộc;
– Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh mục;
– Dòng Đaminh Rosa Lima;
– Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp;
– Dòng Mân Côi Chí Hòa;
– Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm;
– Cộng đoàn Định hướng;
– Các Cơ quan Truyền Thông tại TGP Sài Gòn và giáo phận Xuân Lộc;
– Ban Âm thanh, Ánh sáng.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
Viện trưởng HVCGVN

Nguồn tin: hdgmvietnam.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tiểu sử các Thánh mang tên Xóm

Simon Phan Ðắc Hòa (1787-1840)

Simon Phan Ðắc Hòa, Sinh năm 1787 tại Mai Vĩnh, Thừa Thiên, Giáo dân, Y Sĩ, bị xử trảm ngày 12/12/1840 tại An Hòa dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêo XIII đã suy tôn y sĩ Simon Phan Đắc Hòa lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển...

LOGO PHỤNG VỤ
Linh mục quản xứ
lm1
GIUSE HUỲNH ĐÌNH HÀO
GIỜ LỄ
gio le 1
Kết nối mạng xã hội
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Đăng nhập thông qua Facebook
KẾT NỐI

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây