Trọng kính Cha Quản Xứ,
Kính thưa Quý Cha: là con con cháu xa gần của các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ đang an nghỉ trên mảnh đất Dương Sơn thân yêu này.
Kính thưa Quý Thầy, Quý Chị, Quý Ân nhân và Toàn thể Cộng đoàn hiện diện/ cũng như bao người con xa phương của GX Dương Sơn không kịp về dự ngày Giỗ và Tảo Mộ đang khắc khoải, nhớ mong, dõi theo từng giây phút HIẾU KÍNH và TRI ÂN này.
Con xin mạn phép kính mời Quý Cha và Toàn thể cộng đoàn lắng động giây lát, đảo mắt nhìn quanh khuôn viên Đất Thánh này / và cùng nhìn nhau, để rồi tự hỏi: TẠI SAO CHÚNG TA LẠI VỀ ĐÂY VÀ SUM VẦY BÊN NHAU???
Tại sao vậy???
Dạ thưa, giữa hàng ngàn ngôi mộ này, có những CỔ MỘ yên nghỉ hơn 710 năm để lập làng và hơn 320 năm hy sinh để duy trì Đức Tin cho thế hệ hôm nay.
Thật vậy, kể từ Năm Bính Ngọ (1306), Chế Mân vua Chămpa dâng cho vua Trần Anh Tông (1293-1316) sính lễ cưới em gái là công chúa Huyền Trân gồm Châu Ô và Châu Rí, các dân từ Thanh Hóa, Nghệ, Tịnh, Quảng Bình và Bắc Quảng Trị đến lập nghiệp tại vùng đất mới này.
Trong số đó, có hai vị họ Phan và họ Trần đến khai canh, khai khẩn làng Dương Sơn, trước đây gọi là Dương Loan, với Diện tích gồm: Phía trước 25 ha ruộng lúa, phía sau 25 ha vừa làm thổ cư vừa làm đất canh tác hoa màu phụ bên dòng hữu ngạn hạ lưu sông Bồ.
Theo thống kê, Dân số năm 1747 chỉ có 80 người, đến cuối năm 2016 là 1.284 người (chưa tính người ngoài tỉnh và hải ngoại) gồm 19 Họ Tộc: Phan, Trần, Phạm, Nguyễn Hoàng, Hồ/ Ngô, Lê, Trịnh, Đỗ, Huỳnh, Hà,Trương/ Đặng, Bạch, Dương,Võ, Tô, Vi.
Người dân hiện sinh sống bằng nông nghiệp, nấu rượu và chăn nuôi.
Ngoại trừ Cha Quản xứ, Quý Cha và Toàn thể cộng đoàn sẽ không có giây phút KÍNH HIẾU, TRI ÂN CÁC BẬC TIỀN NHÂN VÀ TẠ ƠN THIÊN CHÚA này đây, nếu không có HẠT GIỐNG TIN MỪNG GIEO VÃI TRÊN MẢNH ĐẤT DƯƠNG SƠN THÂN THƯƠNG NÀY.
Kể từ năm 1615, các linh mục F. Buzomi và Diego Carvallo cập bến Hội An, khai mở công cuộc truyền giáo lần ra phía Bắc, từ bấy giờ giáo phận Huế và trong đó có giáo xứ Dương sơn đã được hình thành.
cụ thể:- Năm 1658, Đức Thánh Cha Alexandre VII ra sắc lệnh cử Đức Cha Lambert de la Motte làm đại diện Tông Tòa ở Đàng Trong.
- Từ đó, các nhà truyền giáo, trong đó có Cha Emmanualê Bổn đã làm việc tại Giáo xứ Dương Sơn này từ năm 1672-1698.
Vào năm 1696 giáo xứ Dương Sơn đã chính thức có tên trong bản báo cáo mà cha Labbé đệ trình Tòa Thánh.
Như vậy, có thể khẳng định là cha Emmanualê Nguyễn Văn Bổn đã thành lập được giáo xứ này.
Trong giai đoạn trên, khó khăn lớn nhất là đạo Công giáo không được triều đình chấp nhận, giáo đoàn Huế được xây dựng bằng máu đào tuẩn tiết. Giáo dân Giáo xứ Dương Sơn cũng đã đóng góp máu mình vun tưới cho giáo hội địa phương. Bằng chứng:
+ Thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) một số giáo dân Dương Sơn phải mang án “thảo tượng”.
+ Thời Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản năm Mậu Ngọ 1798, Dương Sơn và 4 giáo xứ khác đã cống hiến 30 vị tử đạo.
+ Thời Minh Mạng với Thường Dụ cấm đạo ngày 6-1-1833, đã giải tán Chủng viện và Tu viện Mến Thánh Giá Dương Sơn do cha Jaccard lập năm 1829, Nhà thờ cũng bị dở bỏ.
Trong tình hình khó khăn chung ấy, Giáo xứ Dương Sơn vẫn can đảm đón tiếp các Đấng bề trên đến ẩn náu và thi hành mục vụ: Đức Cha Gioan Labartelle (Người đã ban tặng cho Dương Sơn hài cốt của Thánh Lm. Emmanuel Nguyễn văn Triệu, hiện vẫn còn trong Thánh Đường Dương Sơn), Cha De la Molte (Ý), Cha Nguyễn Hòa An, Cha Thánh Gioan Đoàn Trinh Hoan, Cha Gioan Nhơn( Di cốt của Ngài đang hiện diện ở đây, cùng với các Cố LM Phêrô Nhàn, Giuse Mỹ và Philippe Petit thuộc Hội Thừa Sai Pari yên nghỉ dưới chân bàn thờ này).
- Kể từ năm 1846, dưới quyền Đức cha Cuénot (Thể). Đức Giám Phó Pellerin đã đi kinh lý ba tỉnh Thiên, Trị, Bình và thường ẩn trú ở Dương Sơn. Cũng tại đây cha GB. Bùi Văn Ngôn (1832-1859) hay lui tới trốn tránh và làm mục vụ, ngài đã từng đi giải tội và trao Mình Thánh Chúa cho CHÍNH Thánh Anrê Trần Văn Trông và Thánh Xi mong Phan Đắc Hòa.
- Năm 1856 Cha Sohier (Trợ GM) đã thay Đức cha Pellerin cai quản địa phận, có đến ban phép Thêm sức tại Dương Sơn. Bảy năm sau ngài lại đến kinh lược.
Trong thời kỳ này có rất nhiều Linh mục đến phục vụ và mục vụ tại Giáo xứ Dương Sơn.
Như vậy với những luận chứng rõ ràng, có thể kết luận rằng: Giáo xứ Dương Sơn chính thức ra đời vào năm 1696 và được đăng ký ở Rôrna vào năm này: 1696
Trải qua bao thăng trầm bể dâu của thời cuộc, từ 80 người từ thửa sơ khai lập ấp, với bao đời Linh Mục chăm lo, truyền tải đức tin và đến nay Lm FX đang hiện diện/ nay đoàn con cháu sum vầy với 1.284 giáo dân sinh sống tại Giáo Xứ / chưa kể bao con dân Dương Sơn sống Thập Phương / xin tỏ lòng Hiếu Kính và Tri Ân với tâm nguyện:
Tổ tiên xưa/ vun trồng/ cây đức lớn
Con cháu nay/ giữ gìn/ nhớ ơn sâu.
Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa với sự đồng hành của Thánh Cả Giuse và Mẹ Maria hơn 320 năm qua, Giáo xứ chúng con xin hân hoan đón mừng Quý Cha, Quý Ân Nhân và toàn thể bà xa gần đã tề tựu về đây để tỏ lòng tri ân các bậc tiền nhân và hiệp dâng Thánh Lễ tạ ơn Chúa, cầu nguyện cho các Bậc khai canh, khai khẩn, tổ tiên, Ông Bà, Cha mẹ và thân bằng quyến thuộc.
Chúng con xin cảm tạ!