Lược Sử Giáo Xứ Dương Sơn

Lược sử
GIÁO XỨ DƯƠNG SƠN
GxDS
Nhà Thờ Giáo Xứ Dương Sơn
VTĐL
 
            I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
            Giáo xứ Dương Sơn, thuộc Giáo hạt Hương Quảng Phong, nằm trên địa bàn xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Giáo xứ có hình cánh cung, đông giáp làng Cổ Lão, tây bắc giáp làng Phước Yên, tây giáp làng Xuân Đài, đông nam giáp làng Liễu Cốc Hạ. Cách Tòa Tổng giám mục Huế 8 km về hướng tây bắc theo đường chim bay[1].
            I. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
            1- Từ việc thiết lập Giáo phận Tông tòa Đàng Trong (1659).
            Năm 1659, với Đoản sắc “Super cathedram principis”, ĐGH Alêxandrô VII (1655-1667) quyết định tổ chức ở vùng truyền giáo Việt Nam hai Giáo phận và giao cho hai vị Thừa sai người Pháp: Đức Giám mục François Pallu (1626-1658-1684)[2] làm Đại diện Tông tòa ở Đàng Ngoài, gồm khu vực chúa Trịnh cùng 4 tỉnh nam Trung Quốc, và Đức Giám mục Lambert de la Motte (1624-1658-1679) làm Đại diện Tông tòa ở Đàng Trong, gồm khu vực chúa Nguyễn cùng Cao Miên và vương quốc Thái. Ranh giới giữa 2 Giáo phận là sông Gianh, xét vì lúc ấy, hai thế lực Trịnh và Nguyễn đang đối đầu nhau ở nơi này.
            Các nhà truyền giáo tại Đàng Trong bấy giờ gồm các giáo sĩ dòng Tên người Bồ, các linh mục hội Thừa sai Hải ngoại Paris người Pháp, các thừa sai từ Thánh bộ Truyền bá Đức tin người Ý, các linh mục dòng Phanxicô và các linh mục người Việt. Trong 8 linh mục người Việt đầu tiên (được đào tạo tại Thái Lan) có 5 vị đến truyền giáo tại Thuận Hóa (Huế bây giờ) là: Manuen Bổn, Maurô Lộc, Phanxicô Vân,Lôrensô/Emmanuel Lâu và Tađêô Nghiêm. Riêng cha Bổn đã làm việc tại đây từ 1672 đến 1698.
            2- Giáo xứ ra đời (1696) trong gian khổ thời các chúa Nguyễn
            Năm 1696, dưới thời Giám mục Đại diện Tông tòa Đàng Trong thứ ba Francisco Perez (1643-1687-1728), giáo xứ Dương Sơn đã chính thức có tên trong bản báo cáo mà linh mục Marin Labbé, cha chínhGiáo phận (sau trở thành Giám mục phó) đệ trình Tòa thánh. Như vậy, có thể khẳng định cha Manuen Nguyễn Văn Bổn đã thành lập giáo xứ nầy, và Dương Sơn coi như chính thức ra đời từ năm ấy.[3]
            Trong giai đoạn này, khó khăn lớn nhất là đạo Công giáo không được triều đình (chúa Nguyễn) chấp nhận: sự có mặt của các Thừa sai nước ngoài trên đất Việt là bất hợp pháp, người Việt mang trong mình, hoặc giữ trong nhà ảnh tượng, đồ đạo, sách đạo, đều bị kết án (Những giai đoạn khoan hồng rất là vắn vỏi). Giáo đoàn Thuận Hóa được xây dựng bằng và lớn lên trong máu đào tử đạo. Giáo xứ Dương Sơn cũng đã đóng góp huyết lệ vun tưới cho Giáo phận Đàng Trong[4].
            Một trong các hình khổ giáng xuống tín hữu lúc ấy là án thảo tượng. Đây là hình phạt bứt cỏ nuôi voi của chúa, có tính chung thân. Án nầy được lập dưới đời chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) và kéo dài đến chúa Huệ Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777). Đời chúa Minh, 49 giáo dân chịu án đó bị khắc Thánh giá ở trán; còn 2 đời chúa Huệ và chúa Võ thì mang miếng đồng khắc chữ “tả đạo”.Được biết, thời chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), một số giáo dân Dương Sơn phải mang án “thảo tượng”, cổ đeo xiềng ba tao với miếng đồng như vừa nói[5].
            Thời vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản, năm Mậu Ngọ 1798, Dương Sơn và 4 giáo xứ khác đã cống hiến 30 vị tử đạo. Số là Cảnh Thịnh bắt được một lá thư của chúa Nguyễn Ánh gửi cho Đức cha Jean Labartette (1744-1784-1823) ở Phú Xuân nên nghi ngờ rằng người Công giáo có thể nối giáo cho giặc, bèn ra lệnh “phải giết sạch” họ cho đến tháng 5-1789. Có 32 giáo dân đã bị giam trong một ngôi nhà chỉ có hai cửa ra: một đề chữ “sinh môn” (cửa sống) và một đề chữ “tử môn” (cửa chết). Ai muốn qua cửa sinh môn thì phải đạp cây Thánh Giá đặt ở giữa. Ai ra cửa tử môn thì rơi vào tay lý hình đang cầm gươm sẵn chờ. Trước mặt dân chúng đứng mục kích, có 30 người đã bước qua cửa tử và bị chém đầu.
            Trong tình hình khó khăn ấy, giáo xứ Dương Sơn vẫn can đảm đón tiếp các đấng bề trên đến ẩn náu và thi hành mục vụ (kiểu lưu động), như cha GB Nhơn (gốc Mỹ Hương, Quảng Bình) từ năm 1786đến 1814 (và qua đời tại đây, theo cha A. Delvaux), như Đức cha Jean Labartette (đến kinh lý) vào năm 1799[6]
            3- Lớn lên trong bách hại thời các vua Nguyễn
            a- Cùng với cha thánh Phanxicô Jaccard
            Sau hơn hai thập niên yên ổn dưới thời vua Gia Long (1802-1820) và đầu thời Minh Mạng, đến năm 1825, ông vua này hạ lệnh canh phòng các cửa biển không cho Thừa sai nước ngoài vào đất Việt. Năm 1827, vua buộc các vị đã có mặt về Huế dịch sách. Cha Jaccard đang ở chủng viện An Ninh bị mời vào Huế (8-1828) nhưng được cho ở tại giáo xứ Dương Sơn để tiện đi lại.
            Năm 1828 cũng là năm Toàn xá, cha đã tổ chức các lễ mừng long trọng cho giáo xứ Dương Sơn và các họ lân cận. Năm 1829, cha Jaccard đưa chủng viện từ An Ninh vào Dương Sơn nhưng chủng viện nầy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (1829-1833). Cũng năm ấy, ngài chuyển dòng Mến Thánh Giá Di Loan vào và lập tu viện Mến Thánh Giá Dương Sơn. Tháng 3-1830 nhân lễ tứ tuần của vua Minh Mạng, cha được phép tổ chức tại Dương Sơn 3 ngày lễ cầu an. Giáo dân Huế, kể cả mấy quan lớn và chị vua cũng tới dự.
            Như vậy, với cha Jaccard, giáo xứ Dương Sơn đã sống những năm tháng đầy sốt sắng, một số sinh hoạt đạo được khởi sắc và hai cơ sở tôn giáo lớn: chủng viện và tu viện được mở ra tại đây.
            Nhưng niềm vui chưa kéo dài thì vụ tranh cãi ruộng đất xảy ra. Làng Cổ Lão vu cáo làng Dương Sơn chiếm điền thổ của họ (1829-1831)[7]. Cha xứ Jaccard nhiều lần hòa giải nhưng chẳng những bất thành mà còn bị cho là đứng đằng sau giật dây. Họ kiện lên huyện Hương Trà rồi lên phủ Thừa Thiên. Nhưng chiêu bài chiếm điền thổ không hiệu quả, Cổ Lão chuyển sang chiêu bài theo tả đạo (1831-1832).Vụ án hình sự biến thành vụ án tôn giáo. Minh Mạng nhận thấy sự phát triển nhanh chóng của Công giáo nên đã trực tiếp thụ lý vụ này.    
            Đức cha Jean-Louis Taberd (Từ, 1794-1827-1840) viết về vụ án nầy như sau: “Bản án cuối cùng đã được chấp thuận ngày 12-6-1832... Lý trưởng là người Công giáo bị kết án tử hình, phụ tá của ông ta bị lưu đày, 12 hay 13 người đàn ông phải đi phục vụ quân đội trong những vùng xa. Các cai đội bị giáng xuống làm lính trơn. Tất cả đàn ông và đàn bà bị đánh 100 trượng mỗi người, sau đó đàn bà được tha về, nhưng đàn ông bị một cực hình khốn cực hơn nữa là bị ngồi ngoài nắng hai tháng. Linh mục Jaccard quyền Đại diện Tông tòa của tôi, đáng lẽ phải tử hình như là đạo trưởng của một tà giáo, dụ dỗ và làm hư hỏng dân chúng. Nhưng nhà vua muốn tỏ ra khoan hồng, chỉ kết án ông phải phục vụ đạo quân thứ hai có nhiệm vụ bảo vệ Kinh đô…”[8]
            Thư đề ngày 1-2-1833 của cha Jaccard cũng cho biết: “Vụ án mà làng bên cạnh Dương Sơn khởi tố chúng tôi đ được xử đi xử lại nhiều lần. Tòa án Hình (Tòa Tam pháp) đã tuyên án ba lần, chỉ lần thứ ba nhà vua mới y án. Trong lần thứ nhất và lần thứ hai không nói đến tôi và đến nhà thờ; dân làng chỉ bị đánh mấy roi và hai đầu mục vài năm tù. Lần thứ hai, lý trưởng Công giáo bị án thắt cổ, nhưng việc thi hành án được dời tới một thời gian không hạn định; người phó bị đày vĩnh viễn ra Đàng Ngoài, giữa xứ Nghệ và nước Lào; 7 người lính bị án khổ sai ở Quảng Ngãi, và 6 người lính khác bị án khổ sai ở Thanh Hóa Đng Ngoài, sau khi bị đánh 100 trượng và mang gông ngồi ngoài nắng hai tháng. Còn tất cả những người đàn ông khc bị 100 trượng và phơi nắng hai tháng rồi được tha về. Phụ nữ không bị phơi nắng, nhưng vẫn chịu đánh 100 trượng. Nhà thờ của làng (Dương Sơn) và nhà thờ của chủng viện (ở Phường Rượu, Quảng Trị), nơi tôi ở trước lúc tới Dương Sơn, bị tch thu. Tòa cũng bắt tôi chịu một bản án như lý trưởng; nhưng Thiên Chúa đã không thấy tôi đáng được mang xiềng xích vì Danh Ngài; nhà vua đã cải án cho tôi và chỉ bắt tôi phải làm lính, tức là khổ sai suốt đời…[9]
            Tóm lại, tất cả gồm 72 giáo dân lãnh hình phạt. Chẳng một ai bỏ đạo. Dòng MTG Dương Sơn cũng bị đóng cửa. Dù vậy, Dương Sơn vẫn kiên cường đón tiếp các thừa sai đến trú ẩn, như cha Gilles Delamotte vào năm 1833[10]. Trong thời gian ở đây, cha Delamotte được cha Jaccard giao việc điều hành chủng viện, song cũng chỉ một thời gian ngắn.
            Riêng cha Jaccard không đơn giản bị phạt làm lính cách nhẹ nhàng như ngài hóm hỉnh viết.  Ngài phải vào ở Cung Quán gần một năm (7-1832 đến 6-1833), tiếp đến bị đày lên Lao Bảo (12-1833 tới 9-1835) rồi đưa về lao Cam Lộ (9-1835 đến 6-1838), sau đó đem về Quảng Trị (7-1838) và bị xử giảo cùng với chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện (21-7-1838) tại Nhan Biều, gần sông Thạch Hãn, Quảng Trị, kết thúc một đời truyền giáo phong phú và năng động...
           Từ năm 1835 đến 1841, có cha G.B Bủi Văn Ngôn (?-1832-1859) lui tới Dương Sơn trốn tránh và làm mục vụ. Chính tại đây, tháng 11-1835, cha đã giải tội cho thánh Anrê Trần Văn Trông và hôm sau đến Kẻ Văn đem Mình Thánh Chúa cho ngài. Cha cũng đến Cống Chém, gần chợ An Hòa, giải tội lòng lành cho thánh Ximong Phan Đắc Hòa trước giờ ngài bị đem đi xử ngày 12-12-1840. Cùng năm này, khi cơn cấm đạo hơi hạ xuống, cha Chính Anrê Nguyễn Hòa An đã đến Dương Sơn tái lập chủng viện. Nhưng rồi chủng viện cũng bãi bỏ...
            Từ năm 1842 đến 1845, lại có cha thánh Gioan Đoạn Trinh Hoan từ Bái Trời (Quảng Trị) được đổi vào Huế, coi các vùng chung quanh Kinh đô, trong đó có Dương Sơn.
            b- Cùng với Đức Giám mục François Pellerin
            Năm 1844, Đức Grêgôriô XVI ban sắc lệnh tách Quy Nhơn và Huế thành một giáo khu gọi là Đông Đàng Trong dưới quyền Đức cha chính Étienne Cuénot (Thể, 1804-1835-1861), và tháng 10-1846,cha François Pellerin (Phan) được thăng chức Giám mục phó (1813-1846-1862). Năm 1648, Đức cha phó từ Quy Nhơn ra Đà Nẵng, rồi dùng ghe ra cửa Tư Hiền. Tại đây ngài được thánh Micae Hồ Đình Hy đưa đò xuống phá Cầu Hai rước lên Huế. Ngài đã đi kinh lược ba tỉnh Thiên, Trị, Bình và thường ẩn trú ở Dương Sơn.
            Nhưng vào tháng 8 năm 1848, Đức cha phó Pellerin phải rời Dương Sơn vì lệnh cấm đạo của vua Tự Đức và lên An Vân rồi ra Di Loan (9-1849). Tuy vậy, ngài vẫn tìm cách vào Dương Sơn khi có thể, như ban phép Thêm sức (1853). Lúc bấy giờ đường sá chưa có, giáo dân các họ đạo phải mở lối đi đầu. Giáo dân Dương Sơn cũng vậy, phải xẻ núi băng rừng để đưa Đức cha từ Dương Sơn lên An Vân rồi về lại mà quay ra Di Loan. Thấy được sự hy sinh nầy, Đức cha đã dành cho họ nhiều tình cảm sâu đậm.
            Năm 1850, Đức Piô IX ban sắc lệnh thiết lập vùng đất nằm giữa đèo Hải Vân và sông Gianh thành một giáo khu biệt lập, gọi là Bắc Đàng Trong, dưới quyền Đức cha chính Pellerin. Năm 1851, chaJoseph Sohier (Bình) được thăng chức Giám mục phó. Ngài cũng từng ghé thăm giáo xứ Dương Sơn trên đường lên An Vân (12-1853). Năm 1856, sau khi thay thế Đức cha Phan cai quản Giáo phận, ngài có đến ban phép Thêm sức tại Dương Sơn. Để rồi từ năm 1857 đến năm 1862 (khi có hoà ước giữa Việt Nam và Pháp), ngài phải sống một cuộc đời du cư tại 2 giáo xứ Kẻ Sen-Kẻ Bàng (Quảng Bình), ẩn nấp trong rừng, do bị vua Tự Đức săn lùng để sát hại. Bảy năm sau (1863) ngài lại tới Dương Sơn kinh lược.
            Trong thời kỳ nầy có rất nhiều linh mục đến phục vụ thỉnh thoảng tại Dương Sơn. Chẳng hạn cha Mactinô Nguyễn Văn Thanh (gốc An Vân). Năm 1851, Đức cha Pellerin sai ngài đi xứ Di Loan (Q.T) sau vào coi các xứ vùng phụ cận kinh đô Huế. Ngày 22-5-1857, cha Thanh có đi xem vụ xử tử thánh Hồ Đình Hy và giải tội lòng lành cho ngài.
            Cha Phaolô Trần Hữu Ninh (gốc Da Môn), làm việc tông đồ ở vùng Thừa Thiên từ 1853 đến 1856. Ngài ở Phủ Cam, Dương Sơn, nhiều nhất là ở An Vân trong các nhà có đạo.
            Cha Giuse Nguyễn Văn Mỹ (gốc Da Môn). Được Đức cha Pellerin truyền chức linh mục (có lẽ khoảng năm 1851), ngài hoạt động ở vùng Quảng Bình, rồi đổi vào các vùng phụ cận Huế, nhất là Dương Sơn. Mất tại đây năm 1858.
            Cha Anrê Nguyễn Ngọc Thoại (gốc Da Môn). Thụ phong linh mục xong (1853), nhận lãnh công tác mục vụ các vùng xung quanh Huế. Ngày 6-10-1858, từ Dương Sơn, ngài đến ban phép giải tội cho thánh Nguyễn Văn Trung, trước khi thánh chịu xử tử tại An Hòa. Tháng 10-1860, ngài lại đến Khám Đường (ngục giam tử tội) để ban phép giải tội cho thánh Lê Đăng Thị.
            c- Cùng với các nạn nhân sắc dụ “Phân sáp” (1861)
            Năm 1861, vua Tự Đức ra sắc dụ “Phân sáp” nhằm tiêu diệt đạo. Áp dụng từ ngày 12-8-1861, sắc dụ đã đưa Dương Sơn vào chung cảnh ngộ bi đát với toàn thể Giáo phận: mọi giáo dân 15 tuổi trở lênbất luận nam nữ đều bị khắc tự trên má (“Tả đạo”), bị phân tán vào các làng lương. Nhà cửa ruộng vườn đất đai bị tước đoạt. Nhân thân thì bị hành hạ đập đánh. Các chức việc thì bị giam giữ tại các nhà tù tập thể ở nhiều nơi trong giáo phận, sẵn sàng bị thiêu sát.
          Ngày 5-6-1862, triều đình Huế buộc phải ký hòa ước Nhâm Tuất với liên quân Pháp-Tây Ban Nha, trong đó có khoản 2 quy định về tự do cho Công giáo, nên ngày 13-7-1862, sắc dụ Phân sáp bị hủy bỏ, giáo dân được thả về (nhưng để thấy nhà cửa ruộng vườn bị cướp bóc hay phá hủy).
            Sắc dụ Phân sáp này đã gây ra sự tang thương tàn khốc dã man chưa từng thấy trong Giáo hội Việt Nam: 115 linh mục bị tử đạo ; 2.000 nữ tu trong 80 tu viện bị phân tán, trong đó hơn 100 tử đạo ; trên 10.000 đầu mục bị bắt ; hơn 2.000 họ đạo bị hủy diệt ; trên 300.000 giáo dân bị phân tán trong các làng bên lương, trong đó, khoảng 40.000 bị thiệt mạng (theo Giáo sư Trần Văn Cảnh, Đọc lại Lịch sử Công giáo Việt Nam bị cấm và bách hại", Paris 16-07-2013, trang web Giáo phận Ban Mê Thuột)
            4- Phát triển trong an bình với các quản xứ chính thức (từ 1864)
            Sau hòa ước Nhâm Tuất (1862), đạo được tự do, Đức Cha Sohier (Bình) công khai điều khiển Giáo phận từ tòa giám mục ở Kim Long. Năm 1864, ngài chấn chỉnh cộng đoàn Bắc Đàng Trong bằng cách xác định ranh giới giáo hạt, giáo sở, giáo xứ, giáo họ, đặt các linh mục quản sở, quản xứ biệt cư lâu dài (không còn lưu động như trước nữa). Kể từ đó, tại Dương Sơn có những vị quản xứ sau đây:
            1- Cha PX Trương Văn Thường (Ngọc Hồ), quản xứ tiên khởi (1864-1881). Ngài làm lại nhà thờ Dương Sơn.
            2- Cha Eugène Marie-Joseph Allys (cố Lý) (1881-1885). Năm 1883 (Quý Mùi), hòa ước Việt-Pháp ra đời, phong trào bài giáo bùng nổ dữ dội, mà cha Allys là một trong những mục tiêu chính. Đức Giám mục Antoine Caspar (Lộc) lo sợ cho ngài, đề nghị ngài vào Kim Long lánh nạn. Cha Allys cương quyết sống chết với giáo dân Dương Sơn. Năm 1885, quân Văn Thân tấn công các giáo xứ vùng Quảng Trị (Trí Bưu, Nhu Lý, Bố Liêu, An Lộng…). Lực lượng Pháp phải hành quân ra giải cứu. Cha Allys cũng tháp tùng ra Trí Bưu an ủi tín hữu. Cũng nhờ sự khôn ngoan và can đảm của ngài mà Dương Sơn không bị Văn Thân tàn phá sát hại.

            3- Cha Pierre Guillot (Cố Cao) (1886-1921). Lập hội “Con Đức Mẹ” để dạy các thiếu nữ yêu mến lề luật và tập tành nhân đức; truyền giáo cho 9 làng lương dân chung quanh Dương Sơn; xây nhà thờ bằng ngói lần thứ nhất và tháp chuông (tháp vẫn còn như di tích lịch sử). Rất bác ái với người nghèo đến độ bị lừa gạt nhiều lần. Ăn uống kham khổ, ăn mặc giản dị.

            Ngài có các cha phó: (1) Phêrô Huỳnh Văn Thể (1895). (2) Philippe Petit (Cố Ký) (1897-1899), qua đời tại La Khê gần Huế ngày 01-03-1906; thi hài an nghỉ trong nhà thờ Dương Sơn. (3) BatôlômêôNguyễn Phùng Nhơn (1900-1904). (4) Antôn Nguyễn Đức Tú (1907-1911).
            4- Cha Auguste Hilaire (Cố Tri) (1921-1922). Xây thêm nhà xứ cho cố Claude Bonin (Ninh) ở hưu.
            5- Cha Elie Reyne (Cố Phú) (1922-1936). Xây nhà thờ ngói (1926) lần thứ hai. Chính ngài cũng đã khám phá ra mộ của hai tín hữu Dương Sơn bị án thảo tượng thời các chúa Nguyễn.
            6- Cha Phaolô Nguyễn Văn Huồn (Hương Lâm) (1936-1941). Xây nhà thờ tu viện Dương Sơn và nhà thờ giáo họ Hương Cần.
            7- Cha Đôminicô Lê Hữu Luyến (Di Loan) (1944-1945). Anh ruột Đức cha Lê Hữu Từ và cha Giuse Lê Hữu Huệ.
            8- Cha Phêrô Nguyễn Văn Bảng (Tam Tòa) (1945-1946)
            9- Cha GB Nguyễn Văn Hân (Nhu Lý) (1946-1949) với cha phó Ximong Hòa Nguyễn Văn Hiền, em ruột và là giám mục tương lai. Ngài cũng là quản hạt Bên Bộ lần II từ (1946-1949).
            10- Cha GB Võ Văn Hoằng (Kẻ Bàng) (1949-1951) kiêm Quản hạt Bên Bộ thế cha Nguyễn Văn Hân đi Phủ Cam.
            11- Cha Giuse Trần Văn Tường (An Ninh) (1952-1955)
            12- Cha Antôn Nguyễn Văn Bằng (Tam Tòa) (1955-1965)
            13- Cha Giuse Nguyễn Văn Giáo (Hòa Ninh) (1965-1969). Xây nhà thờ, hội quán và tu viện MTG Dương Sơn. Giữa một vùng quê phẳng lặng với những ruộng lúa trải dài, nhà thờ Dương Sơn nổi lên với chiếc tháp khá cao, gợi lên một cảm giác thanh bình êm ả.
            Chiến cuộc Mậu Thân (1968), giáo xứ Dương Sơn ở giữa vùng giao tranh, nhưng nhờ ơn Chúa vẫn bình an vô sự, đang khi nhiều giáo xứ khác tại Huế như Phủ Cam và Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp bị thiệt hại không ít về người và của.
            14- Cha Phaolô Mai Xuân Hiến (Tam Tòa) (1969)
            15- Cha Giacôbê Nguyễn Văn Ngọc (Buồng Tằm) (1969-1975)
            16- Cha Phaolô Ngô Văn Triệu (Kim Long) (1975). Một tháng rồi nghỉ hưu tại Kim Long.
            17- Cha GB Hồ Đắc Liên (An Truyền) (1975-1986)
            18- Cha Gioakim Lê Thanh Hoàng (Trí Bưu): (1986-1989: Giám quản), (1989-2005: Quản xứ). Cha đã xây nhà mục vụ Hiệp nhất, nhà xứ, nhà trường, hai lớp mẫu giáo, sửa lại cung thánh, chỉnh trang và xây lễ đài tại đất thánh, làm con đường riêng cho Dương Sơn, băng ngang giữa ruộng, khỏi đi qua làng Cổ Lão, nhất là chăm lo việc giáo dục học đường và giáo lý cho giới trẻ. Cha là người đã tạo nên bộ mặt Dương Sơn phát triển cả tinh thần lẫn vật chất ngày nay.
            19- Cha Giuse Nguyễn Văn Chánh (Phủ Cam): (10/2005-7/2015). Năm 2007 đại trùng tu nhà thờ và xây mới thêm một nhà mẫu giáo. Năm 2008 xây thêm nhà cha sở. Các công trình đã tô điểm cho khuôn viên thánh đường giáo xứ Dương Sơn thêm khang trang và đẹp đẽ.
            20- Cha P.X. Nguyễn Hoàng Hải (An Định) (7/2015-9/2018). Ngài cho sơn lại nhà thờ giáo họ Hương cần năm 2017.
            21- Cha Phaolô Trần Văn Quang (Thủy Yên) (Từ 9/2018…..

 
Ben trong nha

Nhà thờ Dương Sơn, bên trong
            III. HOA TRÁI ĐỨC TIN
            Chính nhờ lòng tin son sắt của các tiền nhân và đức hy sinh phục vụ tận tụy của các thừa sai, của các quản xứ mà giáo xứ Dương Sơn đã có những thành quả quý giá, là rất nhiều linh mục và tu sĩ nam nữ xuất thân từ mảnh đất này:
      1- Linh mục
1. Cha Nhượng (Mong),                                 linh mục khoảng 1830
2. Cha Phêrô Nguyễn Văn Lập (An Thuận), linh mục năm 1904
3. Cha Alexis Phan Đức Sắc,                         linh mục năm 1918
4. Cha Hier. Nguyễn Văn Lục,                       linh mục năm 1920
5. Cha Phaolô Trần Kim Khánh,                     linh mục năm 1932
6. Cha Tôma Trần Văn Sâm,                           linh mục năm 1932
7. Cha Đôminicô Đỗ Quang Thừa (DCCT)    linh mục năm 1949
8. Cha Phêrô Phan Văn Trọng,                       linh mục năm 1950
9. Cha Phêrô Phan Đình Cho,                         linh mục năm 1974
10. Cha Phêrô Phan Văn Lợi,                         linh mục ngày 21-05-1981[11]
11. Cha Đaminh Phan Hưng,                         linh mục ngày 04-06-1997
12. Cha Antôn Huỳnh Đầy,                            linh mục ngày 07-09-2000
13. Cha Phanxicô Xaviê Phan Chiếm,                        linh mục ngày  02-12-2004
14. Cha Phêrô Phan Văn Tươi,                       linh mục ngày 25-07-2006
15. Cha Giuse Đặng Văn Niên,                      linh mục ngày 01-01-2007
16. Cha Banabê Trần Đình Phục,                   linh mục ngày 01-01-2007
17. Cha Đaminh Phan Châu Bảo,                   linh mục ngày 26-07-2007
18. Cha Giuse Nguyễn Ngọc Nguyên,           linh mục ngày 01-01-2012
            2- Nữ tu:
1. Anna Phan Thị Chiêm                                 Con Đức Mẹ Đi Viếng
2. Luxia Trần Thị Thương                               Mến Thánh Giá
3. Anna Trần Thị Lý                                       Mến Thánh Giá
4. Catarina Trần Thị Nghĩ                               Mến Thánh Giá
5. Anna Trần Thị Vang                                   Mến Tháng Giá
6. Anna Trần Thị Tương                                 Mến Thánh Giá
7. Phan Thị Sao                                               Mến Thánh Giá
8. Phan Thị Hải                                               Mến Thánh Giá
9. Anna Trần Thị Ngôn                                   Mến Thánh Giá
10. Trần Thị Thuận                                          Mến Thánh Giá
11. Anna Trịnh Thị Hường                             Mến Thánh Giá
12. Célestin Trần Thị Thử                               Phao-lô
13. Thécla Trần Thị Giồng                              Đức Bà
14. Phan Thị Thảo                                           Con Đức Mẹ Đi Viếng
15. Catarina Nguyễn Thị Xoan                       Con Đức Mẹ Đi Viếng
16. Trần Thị Kim Nữ                                      Phaolô
17. Anê Đặng Thị Thanh                                Con Đức Mẹ Đi Viếng
18. Đặng Thị Thi                                             Phaolô.
            3- Nam tu và đại chủng sinh:
1) Tu sĩ Gioakim Hoàng Hạng (+1968)          Dòng Chúa Cứu Thế Huế.
2) Tu sĩ Nguyễn Năm                                      Phanxicô (Phước Hòa, Long Thành, Đồng Nai).
3) Đại chủng sinh Giuse Phạm Hữu Do         Đại chủng viện Huế
4) Đại chủng sinh Antôn Phan Đức Huân      Đại chủng viện Huế
5) Đại chủng sinh GB. Trần Kim Cang          Đại chủng viện Huế
            4- Giáo dân:
- Năm 2010     :           1.168 người.
- Năm 2015     :           1.227 người.
- Năm 2019     :           1.284 người.
 
thapchuong
Tháp chuông cổ có từ đời Cha Pierre Guillot (1890)
 
 
GIÁO HỌ HƯƠNG CẦN
 
nha tho hung can
Nhà thờ Hương Cần
 
            Giáo họ Hương Cần trực thuộc Giáo xứ Dương Sơn.
            Thánh đường Hương Cần hiện thuộc phường Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách Tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 7km về phía tây bắc; có mặt tiền với kiến trúc gothique duyên dáng và trang nghiêm. Tiền đường nhà thờ quay về hướng đông nằm sát bên tỉnh lộ 8b xinh xắn.
            Được biết cha Phaolô Nguyễn Văn Huồn, quản xứ Dương Sơn (1936-1941), kế nhiệm cha Elie Reyne (Phú), đã xây nhà thờ họ nhánh Hương Cần, dâng kính Thánh Giuse, bổn mạng họ.
            Các ông Hồ Công Vệ và Cửu Diêu là 2 giáo hữu dâng nhiều công của, gần một nửa kinh phí xây dựng. Ngoài ra còn có các ông Hồ Công Kính, Hồ Công Tất, Trợ Dung ... Họ cũng đóng góp đáng kể. Nhà thờ làm theo lối nhà rường Việt Nam, mở dài về chiều sâu, bộ giàn trò và cửa lớn nhỏ đều bằng gỗ lim. Nhà thờ làm 3 năm mới xong. Khánh thành năm 1940.
            Theo sử gia Adrien Launay, thì năm 1747, giáo dân Hương Cần là 50 người. Lúc bấy giờ con số tín hữu đó là một khích lệ đối với một giáo đoàn còn non trẻ như Đàng Trong.
            Trước và sau năm 1975, giáo dân Hương Cần rời bỏ quê hương đi làm ăn xa. Năm 1994 còn 3 gia đình gồm 10 người. Tuy giáo dân[12] ít, nhà thờ vẫn có người lui tới cầu nguyện. Năm 2017, nhà thờ được cha sở P.X. Nguyễn Hoàng Hải cho sơn lại.
            Nay mỗi tuần có một lễ vào chiều Thứ tư.
 
+++++++++++++++++++++++++++++++
 

[1] Trên phương diện hành chánh, thì năm Bính Ngọ (1306), vua Chế Mân nước Chămpa dâng cho vua Trần Nhân Tông (1258-1308) hai châu Ô và châu Rí làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân. Năm sau, nhà Trần đổi tên hai châu Ô và châu Ríthành Hóa châu và Thuận châu, đồng thời cử tướng Đoàn Nhữ Hài thiết lập bộ máy cai trị, và cho di dân từ Thanh, Nghệ, Tnh và bắc Quảng Trị đến lập nghiệp tại miền đất mới này. Trong số đó có hai vị họ Phan và họ Trần khai canh, lập làng Dương Sơn (hiện còn lăng mộ tại làng). Về sau nhiều họ, phái khác đến sinh sống, đồng lao cộng khổ, xây dựng và phát triển quê hương hiện tại.
Ban đầu vua Lê Thái Tổ (1428-1433) đặt tên là xã Dương Loan, về sau chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558-l6l3) vào trấn thủ đất Thuận Hóa (Thừa Thiên) đổi tên lại là Dương Sơn. Đặc biệt năm 1626, lúc chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) dời dinh vào làng Phước Yên thì dân Dương Sơn ngày một thêm đông đảo.
[2] Khi sau tên các Giám mục có 3 niên đại, thì số đầu chỉ năm sinh, số giữa năm thụ phong GM, số cuối năm qua đời.
[3] Lm Stanislao Nguyễn Văn Ngọc, Lịch sử giáo xứ Dương Sơn (Huế), từ thế kỷ XIV tới thế kỷ XX, 1982-1983, bản viết tay, tr.2.
[4] Ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn (1615-1778) bách hại vì “Đạo mới làm cho người ta mất hết tinh thần đạo giáo của tổ tiên”. Tất cả có tám 8 Sắc chỉ đã được đưa ra : Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên, 1615) với sắc chỉ năm 1625. Chúa Thượng (Nguyễn Phúc Lan, 1635-1648) với hai sắc chỉ năm 1639 và 1644. Chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần, 1648-1687) với hai sắc chỉ năm 1663 và 1665. Chúa Ngãi (Nguyễn Phúc Trân, 1687-1691) với sắc chỉ năm 1691. Chúa Minh (Nguyễn Phúc Chu, 1691-1725) với sắc chỉ năm 1700. Chúa Võ (Nguyễn Phúc Khoát, 1738-1765) với sắc chỉ năm 1750. (Trần Văn Cảnh, Đọc lại Lịch sử Công giáo Việt Nam bị cấm và bách hại. web Giáo phận BMT, có sửa chút ít)
[5] Lúc cha quản xứ Élie Reyne (cố Phú 1922-1936) cho cải táng ngôi mộ gọi là “M Ông Voi” để xây nhà thờ thì thấy còn ít xương và một dây xiềng ba tao với miếng đồng khắc hai chữ “Tả đạo”. Có thể đây là mộ giáo dân Dương Sơn bị án thảo tượng dưới đời Huệ vương, bị chết rũ tù và đem về an táng tại vườn nhà thờ. Năm 1935, cố Phú cho dời “Mả Đồng Nhi” để quy hoạch nghĩa trang thì cũng thấy có xiềng và thẻ mang chữ Tả đạo”Ngài cho đó là m của vị bị án thảo tượng, có thể chết tại Dương Sơn hoặc ở một nơi nào đó rồi đem về chôn ở đây. Và cha Reyne đã gởi các bộ dây xiềng lẫn thẻ đồng qua viện bảo tàng hội Thừa sai Paris để cất giữ. (X. Họ Dương Sơn và Mộ Ông Cỏ, tr.549).
Năm 1968, khi cha quản xứ Giuse Nguyễn Văn Giáo (1965-1969) cho khởi công xây nhà thờ mới, hai hài cốt trên được cải táng từ phía sau nhà thờ ra chôn dưới lễ đài đất thánh (nghĩa trang) của giáo xứ. Như vậy, ít ra giáo xứ Dương Sơn đã có hai giáo dân bị án thảo tượng và chết vì án nầy, bằng chứng hùng hồn là các dây xiềng và thẻ ghi “Tả đạo”.
[6] Năm 1798 linh mục Emmanuen Nguyễn Văn Triệu được phúc tử đạo tại chợ Được phía bên kia cầu Gia Hội ngày nay và chôn gần đó. Năm 1803, giáo xứ Dương Sơn dựng lại nhà thờ mới và Đức cha Labartette cho cải táng Thánh Triệu rồi rước về nhà thờ nàyMột sự ân thưởng cho lòng trung dũng đối với Thiên Chúa và cho công lao đối với các Thừa sai. Các giáo dân kinh đô Phú Xuân có mặt trong cuộc thỉnh hài cốt vị tử đạo.
Ngày 21-7-1996, Đức Tổng Giám mục Huế Têphanô Nguyễn Như Thể cho đưa hài cốt Thánh nhân đến giáo xứ Thợ Đúc (quê ngoại, nơi ngài bị bắt), còn phần sọ của ngài vẫn được Dương Sơn cất giữ.
[7] Theo Đại Nam Thực Lục (tr.547): Vụ kiện cáo có liên quan đến hai làng Dương Sơn và Cổ Lão (Mông Phụ) xảy ra từ năm 1829 đến1831.
[8] Dẫn lại lời trích của Lm Trương Bá Cần trong bài “Vua Minh Mạng với người Công Giáo (từ đầu 1820 đến cuối 1832)”. Báo Công Giáo & Dân Tộc, xuân Bính Tý 96. Số 14 tháng 2 năm 1996, tr. 122.
[9] Dẫn lại lời trích của Trương B Cần, bđd, tr. 122Đại Nam Thực Lục thì viết: “Năm Nhâm Thân (1832) Minh Mệnh thứ 13 tháng năm. Ở Thừa Thiên có xã Dương Sơn (thuộc huyện Hương Trà), dân xã bị mê hoặc theo tà giáo Datô đã lâu, cất nhà thờ, thờ Thiên Chúa, tôn người Tây là Phan Văn Kinh (tức Linh mục Jaccard) làm đạo trưởng, hội họp nhau giảng đạo, đọc kinh. Việc bị phát giác, quan phủ gọi tất cả lên công đường hiểu thị hai ba lần, nhưng rốt cuộc không một người nào xin xuất giáo cả. Vua giao xuống Bộ Hình nghị xử. Bộ xin xử thủ phạm là cựu Lý trưởng Phan Văn Khoa, án giảo giam hậu, tòng phạm là Lý trưởng Trần Văn Tài án đi đày 3.000 dặm. Cách chức đội phó Vũ lâm là Trần Văn Sơn, binh dân 13 người thì đều đóng gông nặng trong một tháng, mãn hạn xong đánh mỗi người 100 trượng rồi phân phát làm lính ở các xứ Quảng Ngãi, Thanh Hóa. Còn các dân đàn ông, đàn bà khác thì đánh trượng, đánh roi rồi thả. Đạo trưởng Phan Văn Kinh thì xử giảo giam hậu, nhà thờ thì d bỏ. Án nghị xong đưa lên, vua sửa lại Trần Văn Tài phát làm lính ở Trấn Ninh, Phan Văn Kinh vì là dân man di ở ngoài cõi ngoài xa xôi, chưa rõ luật pháp, gia ơn cho phạt làm lính ở phủ Thừa Thiên, quản thúc chặt chkhông cho ra ngoài để có thể truyền giáo được. Còn các tên phạt làm lính như Trần Văn Sơn v.v.. tên nào phạt đi Quảng Ngãi thì gọi là lính Phục nghĩa, tên nào phạt đi Thanh Hóa thì gọi là lính Phục hóa, phân biệt với các sắc binh khác.” (Dẫn lại lời trích của Lm Trương Bá Cần trong bài “Vua Minh Mạng với người Công Giáo” (từ đầu 1820 đến cuối 1832). Công Giáo & Dân Tộc, xuân Bính Tý 96. Số 14 tháng 2 năm 1996, tr. 122-123).
[10] Linh mục hội Thừa sai Paris, sinh năm 1799, đến Đàng Trong năm 1831. Hoạt động tông đồ tại Nhu Lý, Quảng Trị. Cuộc bách hại năm 1833 buộc ngài phải chạy trốn. Sau khi lần lượt trú ẩn tại Dương Sơn, một hòn đảo trên sông Hương rồi Nhu Lâm, ngài trở về Nhu Lý. Năm 1838, Minh Mạng lại bắt đạo. Cha Gilles lại phải lang thang. Trở về Nhu Lý tháng 3-1940 thì sau đó bị bắt. Ngày 3-10-1940, ngài chết rũ tù tại Huế. Đã được nâng lên hàng “Đấng Đáng kính” và đang được Giáo phận Vĩnh Long làm đơn xin phong chân phước.
[11] Cha Phan văn Lợi. Gốc Dương Sơn, hiện bà con bên nội đều ở Dương Sơn: Bà nội ở nhánh ông Phan Chưởng, ông nội ở nhánh ông Phan Đến. Hai ông bà sau đó sang sinh sống tại Ngọc Hồ. Trong gia phả họ Phan Dương Sơn có tên thân sinh ngài là Phan Văn Danh.
[12] Các giáo dân già nua chống gậy đi lễ Chúa nhật hằng tuần tại nhà thờ Dương Sơn cách đó gần 2km, lúc ngang qua nhà thờ Hương Cần, đều không khỏi bùi ngùi nhớ lại một thời vang bóng, rộn ràng tiếng hát lời kinh : Vọng Cố Hương
Bối rối sân che cỏ nguyện đường,
Nghe mùi cũ kĩ đẫm hơi sương;
Nhà thờ trống trải hư vô khói.
Đâu tiếng kinh xưa vọng cố hương?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tiểu sử các Thánh mang tên Xóm

Phaolô Tống Viết Bường (1773 – 1833)

Phaolô Tống Viết Bường, Sinh tại Phủ Cam, Huế, Giáo dân, Quan Thị Vệ, bị xử trảm ngày 23/10/1833 tại Thợ Ðức dưới đời vua Minh Mạng. Ngày 27.5.1900, ông Phaolô Tống Viết Bường được Đức Lêo XIII suy tôn lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc...

LOGO PHỤNG VỤ
Linh mục quản xứ
lm1
Phaolô Trần Văn Quang
GIỜ LỄ
Kết nối mạng xã hội
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Đăng nhập thông qua Facebook
KẾT NỐI

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây